Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Ngày 3-12, trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Vietnam năm 2022 đã diễn ra Diễn đàn “Phụ nữ trong đổi mới sáng tạo”. Diễn đàn nhằm tạo cơ hội để giao lưu, kết nối giữa những phụ nữ đã thành công với nhau và với đông đảo phụ nữ khác để chia sẻ về câu chuyện của mình, giúp “đổi mới sáng tạo” trở nên cụ thể và gần gũi hơn, từ đó khuyến khích mỗi cá nhân đổi mới sáng tạo trong chính ngành nghề và lĩnh vực của mình.
Toàn cảnh diễn đàn
Diễn đàn cũng nhằm tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ phụ nữ tham gia vào đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phụ nữ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp để tạo thêm việc làm, thu nhập, giải quyết khó khăn, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp.
Tạo điều kiện để phụ nữ đổi mới sáng tạo
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: “Chúng ta mong muốn khơi dậy, tạo không gian và điều kiện cho phụ nữ được đổi mới sáng tạo, khởi xướng những ý tưởng mới chứ không chỉ gói gọn trong công việc gia đình. Năng lực và khả năng của phụ nữ hoàn toàn không khác hay thua kém nam giới, thậm chí còn có những thế mạnh nổi trội hơn. Tôi rất mong chờ được lắng nghe các sáng kiến đổi mới sáng tạo truyền cảm hứng của doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ, đúng theo tinh thần “đổi mới - kiến tạo và truyền cảm hứng”. Đồng thời, cần quan tâm tới việc tìm ra giải pháp thúc đẩy hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà khoa học, tập đoàn, nhà đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ, giúp phụ nữ vượt qua các rào cản, phát triển bản thân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nữ mới thành lập; liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại”.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại diễn đàn
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD - United Way Việt Nam, Trưởng Làng đổi mới sáng tạo mở xã hội chia sẻ, hiện nữ giới đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam. Ngoài đóng vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thể hiện nhiều ưu điểm hơn, như: Sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn, giải quyết nhiều thách thức xã hội. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, phụ nữ khởi nghiệp lãnh đạo cũng gặp rất nhiều rào cản để phát triển, có thể kể đến sự bất bình đẳng trong thu nhập, vị trí lãnh đạo, các rào cản về quan niệm phụ nữ chủ yếu làm việc nhỏ, nội trợ, nhẹ nhàng…
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD - United Way Việt Nam, Trưởng Làng đổi mới sáng tạo mở xã hội chia sẻ tại diễn đàn
“Một rào cản nữa đến từ chính bản thân phụ nữ, tự đặt ra các rào cản cho bản thân và cả những phụ nữ, em gái khác. Những người phụ nữ đã khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, những người truyền cảm hứng và để phụ nữ, cả nam giới thấy rằng người khởi nghiệp, lãnh đạo bởi năng lực, bởi sự nỗ lực và chuyên nghiệp, quyết tâm không phải quy định bởi giới tính, không phải là giới hạn. Khi chúng ta nỗ lực tối ưu hóa các tiềm năng của mình, sáng tạo, khởi nghiệp không có giới hạn”, bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh về vai trò phụ nữ lãnh đạo hiện nay.
Vai trò công nghệ thúc đẩy bình đẳng giới
Bà Hooyoung Young, Phó Chủ tịch UWW Worldwide cho rằng, chúng ta đang ở giai đoạn mà không chỉ các ngành nghề cần hợp tác với nhau để tạo ra tác động, chẳng hạn như chương trình Shinhan Square Bridge làm việc với các startup để mang lại giải pháp công nghệ giúp đỡ những nhóm yếu thế nhằm thúc đẩy hòa nhập, mà còn là việc bảo đảm sự cân bằng lao động giữa nam và nữ. Điều này sẽ giúp bảo đảm kinh tế phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, những sự kiện thế này là cơ hội để chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển…
Bà Hooyoung Young, Phó Chủ tịch UWW Worldwide cho rằng, chúng ta đang ở giai đoạn mà không chỉ các ngành nghề cần hợp tác với nhau để tạo ra tác động mà còn là việc bảo đảm sự cân bằng lao động giữa nam và nữ
Trong khi đó, bà Nguyễn Nhã Quyên, Giám đốc vận hành của Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam chia sẻ: “Phụ nữ có nhiều tiềm năng chưa được khai phá và có năng lực rất tốt trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nhưng khi chúng tôi tổ chức các chương trình hỗ trợ, phụ nữ tham gia còn chưa nhiều, vì khó khăn trong việc sắp xếp gia đình, công việc. Tuy nhiên, khi đã được kết nối, mạng lưới phụ nữ và hỗ trợ nhau rất bền chặt, cùng bền bỉ vượt khó”.
Ông Trần Hậu Ngọc, Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ nhấn mạnh, không chỉ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp, trong những năm gần đây phụ nữ đã giữ những vị trí quản lý quan trọng và chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo, điều mà trước đây không có. Điều đó cho thấy rằng vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định. Ông tin rằng, phụ nữ chính là động lực và nhân tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. |
Còn theo bà Jeaney You, thành viên của WIN (Phụ nữ đổi mới ở Hàn Quốc) Hiệp hội các nữ giám đốc điều hành của Hàn Quốc - nhà đồng sáng lập và Giám đốc thương hiệu của Tictoc Croc (một trong các startup được lựa chọn tham gia vào dự án Shinhan Square Bridge năm 2022), Tictoc Croc mang đến những giải pháp công nghệ thông minh hướng tới trẻ em, với mục đích thu hẹp khoảng cách giáo dục thông qua giáo dục kỹ thuật số hiệu quả cho trẻ em trong độ tuổi đi học từ các gia đình thu nhập thấp ở Việt Nam.
Phụ nữ khởi nghiệp truyền cảm hứng
Tại diễn đàn, bà Phan Ngọc Hiếu, sáng lập Maypaperflower (Hoa giấy nghệ thuật Huế) chia sẻ về câu chuyện ứng dụng đổi mới sáng tạo để kế thừa và phát triển làng nghề truyền thống làm hoa giấy Thanh Tiên có tuổi đời hơn 300 năm tại Huế. Theo bà Hiếu, việc theo đuổi ngành nghề này không chỉ là để gìn giữ nghề làm hoa giấy với nhiều giá trị văn hóa tinh thần của Huế mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương theo hướng hiện đại, song song với việc tạo điều kiện để lao động nữ, lao động khuyết tật có thu nhập và bảo đảm những quyền lợi lao động hợp pháp. “Bản thân tôi cũng có những thách thức phải đối mặt, giống như nhiều người phụ nữ khác, trong đó bài toán khó nhất là làm thế nào để cân bằng giữa thời gian dành cho công việc và gia đình. Vì vậy, phụ nữ cũng cần những người thân trong gia đình tin tưởng, ủng hộ và hỗ trợ để có thể yên tâm sống với đam mê của mình”, bà Hiếu nói.
Các diễn giả trao đổi tại diễn đàn
Bà Phạm Thị Thu Hằng, đồng sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo mở BambuUp thông tin, đối với BambuUp, mong muốn và luôn đặt ưu tiên hỗ trợ cho các startup có lãnh đạo là nữ. “Chúng tôi nhận thấy những áp lực đặt trên vai người phụ nữ còn quá nặng nề. Tuy nhiên, các nữ lãnh đạo vẫn đang là nhóm đối tượng nhận được rất nhiều ưu tiên cả về chính sách của các cơ quan quản lý cũng như định hướng của các quỹ, nhà đầu tư. Vì vậy, phụ nữ hãy tận dụng điều này để bứt phá và làm những điều mình muốn”, bà Hằng cho biết.
Có thể nói, trong những năm qua, với cách làm sáng tạo, tinh thần quốc gia khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo phụ nữ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề tham gia. Từ đó khẳng định sự đam mê, khát khao đổi mới sáng tạo của phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ có những ưu điểm và lợi thế nhất định trong đổi mới sáng tạo và đã gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, không ít phụ nữ gặp rào cản trong việc phát huy tính sáng tạo của mình, như: Định kiến xã hội, định kiến giới, thiếu cơ hội và cả những rào cản tâm lý. Tại Diễn đàn “Phụ nữ trong đổi mới sáng tạo”, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi với thông điệp “Phụ nữ có thể”, nhằm truyền cảm hứng để phụ nữ bứt phá, sẵn sàng phát huy tiềm năng tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Minh Duy