Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Gian thờ Tổ với nhiều hình ảnh và nhạc cụ của ông Út Lăng Ảnh: Đ.THANH
Xuôi theo đường Cách Mạng Tháng Tám, chưa đến ngã ba Lò Chén, chúng tôi dừng lại hỏi thăm nhà của cố nghệ sĩ Út Lăng. Thật bất ngờ, người đàn ông trung niên dừng tay chan nước vào tô hủ tiếu bên nồi nước lèo bốc khói nghi ngút, hồ hởi, tận tình chỉ dẫn tới nơi. Nhờ thế, chúng tôi tìm đến nhà không mấy khó khăn và kia, dưới dàn bầu xanh mát, ngôi nhà của người nghệ sĩ tài danh đất Thủ hiện ra thấp thoáng…
Đón tiếp chúng tôi là cô Nguyễn Ngọc Nga, con út của ông Út Lăng, hiện trực tiếp sống và giữ gìn những kỷ vật của ông. Chúng tôi xúc động trước bàn thờ Tổ và những kỷ vật được bài trí, sắp xếp ngay ngắn, bảo quản kỹ càng. Cô út chỉ đây là bàn thờ Tổ, ba cô thờ ông Nguyễn Trãi vì khâm phục ông là người quan tâm đến văn hóa, có những công trình nghiên cứu về văn hóa nên đặt hình của ông ngay bàn Tổ.
Cô út kể: Tên trong giấy của ba cô là Nguyễn Văn Lâm nhưng tên ở ngoài là Lăng, lại thứ út nên gọi là Út Lăng. Út Lăng được cho đi học đàn từ khi mới 13 tuổi, nhưng bà nội lại không cho đi học chữ, thế mà ông và ông chín cũng mày mò tự học được. Những sáng tác của ông viết rặt kiểu chữ in, sau này nhờ con gái chép lại, đóng thành tập.
Chỉ vào một tấm hình rất đông người, lớn có, nhỏ có vui vẻ chen chân trên khoảng đất nhỏ, cô cười, đây là hình đại gia đình nhà cô. Ông bà có với nhau tất cả 16 mặt con, nhưng vì nhiều nguyên do nên mất 5 người, còn lại 11 người. Rồi cô lại ngậm ngùi, bây giờ từ anh hai đến chị thứ năm cũng đã mất, chỉ còn từ cô sáu tới cô là út. Hồi đám tang ông, con cháu đứng chật sân, lớp khăn vàng, lớp khăn trắng, lớp khăn đỏ. Mà ba cô, dù hồi trẻ rất đẹp trai, phong độ, lại có máu đờn ca nhưng tuyệt nhiên không trăng hoa, chỉ chung thủy với một mình má, ba má lại ăn ở với nhau rất hòa thuận. Má tuy không rành về đờn, về nhạc nhưng cũng rất chiều theo sở thích của ba.
Ông tập đờn, hát cho các con, thành lập một đội ca nhạc chỉ riêng con cháu trong nhà. “Thế mà cuối cùng lại chẳng ai nối nghiệp được ba, hồi xưa có chị năm, chị sáu được thu thanh vô đĩa nhựa, nhưng sau này cũng rẽ ngang”, cô út cười buồn, tay nâng niu tấm hình có ông Út Lăng đang đánh nhạc cho một dàn 6, 7 em gái nhỏ mặc đồ lụa chít ngang hông xinh xắn.
Cô út (phải) đang nói về những tấm hình kỷ niệm Ảnh: Đ.THANH
Xếp dày đặc hai bên tường là rất nhiều hình và bằng khen của ông, cô út chỉ từng tấm: đây là hình ba chụp chung với ông Khê (Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê), ông Lưu Hữu Phước… Có một dịp, ông Khê từ bên Pháp về, rồi ghé thẳng đây luôn, ông mang theo dàn máy, máy quay phim, máy chụp hình ghi lại một buổi hòa nhạc.
Bộ nhạc cụ ngày xưa ông dùng vẫn còn nguyên vẹn và được bảo quản rất kỹ càng. Cô út bảo loại nhạc cụ nào ba chơi cũng giỏi, ba rất rành nhạc lễ. Xưa, mỗi lần chùa Ông Bổn (Phúc Kiến) có hát bội, hát hồ quảng đều mời ông tới để cầm chầu, từ hồi ông mất đi, bên bang hội không tìm được ai thay thế.
Cô út nhớ lại: “Thời đó vui lắm, ba lập được một ban nhạc lễ với sự tham gia của vài chục học trò lớn nhỏ. Đông vui nhất là vào những lần họp mặt hàng năm, trước là vào ngày Noel, sau năm 1975 là vào ngày giỗ Tổ (12-8). Mọi người cùng nhau ngồi xuống chiếu, người đờn, người ca rất là xôm tụ, trẻ con hàng xóm chen nhau vào coi chật nhà”.
Lật những tấm hình cuối đời của ông, cô út xúc động: “Ba khỏe lắm, ông không hút thuốc, không uống rượu, siêng tập thể dục, lại thêm tinh thần lúc nào cũng vui vẻ yêu đời, cả đời ông chưa bao giờ phải dùng tới viên thuốc. Chỉ vì tai nạn mà ông phải quanh quẩn trong nhà tới 6 năm trời rồi mất. Năm ông 85 tuổi, vẫn còn khỏe mạnh, ông còn xuống kinh múc bùn làm vườn, không may hôm đó, vừa lên tới đường thì ông bị xe quẹt, gãy xương bánh chè, phải nằm một chỗ. Thời gian đầu ông vẫn nhúc nhắc đi được trong nhà, chỉ có năm cuối, yếu quá, ông mới phải nằm một chỗ”. Nhắc lại ký ức đau buồn này, cô kể ông bệnh rồi cũng ít tổ chức được những buổi họp mặt, vào ngày giỗ Tổ, chỉ bày lễ cúng chứ không hát.
Rồi cô lại ngậm ngùi: “Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có lần ghé nhà, quá mến mộ tiếng đàn và công sức đóng góp của ông cho nền nhạc tài tử đã làm hồ sơ đề nghị phong tặng ông là Nghệ sĩ ưu tú, nhưng hồ sơ chưa làm xong thì ông mất, hồ sơ đó cũng bị gác lại”.
Chỉ một điều an ủi ông và con cháu trong gia đình là giấy chứng nhận nghệ nhân đã được trao cho ông trong những ngày cuối đời như một sự ghi nhận về công lao đóng góp của ông và Đài PT-TH Bình Dương đã kịp làm những tin tức cuối cùng về cuộc đời và sự nghiệp của người nghệ sĩ lừng danh đất Thủ. Chương trình của đài truyền hình vừa phát xong vào lúc 19 giờ 20 phút ngày 28-4-1997 thì cũng chính là lúc ông trút hơi thở cuối cùng rất nhẹ nhàng. Chiếc đồng hồ quả lắc treo trong nhà hiện cũng đứng mãi ở số 7 giờ 20 phút tối ghi nhớ thời khắc ông thanh thản ra đi.
“Nhiều tấm hình, bài báo về ông và một tập những bài do ông sáng tác do gia đình để bên mộ nên đã bị mối ăn mất. Còn một cuốn thì trong đám tang của ông không biết đã thất lạc đi đâu”, cô út ngậm ngùi kể lại.
Niềm an ủi của gia đình hiện nay là nhiều anh em nghệ sĩ vẫn nhớ đến ông như một người thầy lớn đã truyền không chỉ những ngón đờn mà cả nhiệt huyết về phát triển đờn ca tài tử. Nhiều nghệ sĩ khi đạt được những thành công lớn cũng tới thắp hương trước mộ ông cảm tạ. Và hơn nữa, nhiều bài ca của ông hiện nay được lưu hành và công chúng biết đến rộng rãi qua tiếng hát Kiều My phát trên Đài PT-TH Bình Dương.
Khoảng năm 2011, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương đã cho rước đuốc từ nhà ông Út Lăng trong dịp lễ giỗ Tổ. Đây là một hành động cao đẹp thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và cũng đặt chúng ta chung tay vào ý thức: cần có những hành động để bảo vệ, vinh danh kịp thời những nghệ nhân dân gian, tuy họ không qua một trường lớp nào nhưng tài năng của họ được dân gian đề cao và sự đóng góp của họ được công nhận.
ĐỖ THANH