Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Mẹ Tô Thị Bê: Tự hào khi con cháu tiếp bước xây dựng quê hương
Chiến tranh qua đi, từ các thước phim tài liệu, những hồi ký, thế hệ hậu sinh cũng cảm nhận được phần nào về sự ác liệt của nó. Bao lớp người đã ngã xuống để Tổ quốc được hồi sinh. Sự ra đi của họ rất đỗi thiêng liêng. Và chúng tôi lại là những người may mắn khi có dịp thăm, trò chuyện cùng các mẹ VNAH, những bà mẹ Việt Nam kiên cường của Tổ quốc. Trong câu chuyện của các mẹ, chúng tôi luôn tự hào vì mình là người Việt và hứa với lòng sẽ sống tốt hơn nữa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…
Trao đổi cùng chị Nguyễn Thị Hồng Chi, cán bộ thương binh - xã hội xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, chúng tôi biết mẹ Tô Thị Bê đang nằm viện vì sức khỏe yếu. Nhanh chóng, chúng tôi tìm đến Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng, nơi mẹ Bê đang điều trị bệnh để gửi lời thăm hỏi sức khỏe đến mẹ. Chúng tôi nghĩ, mang thông tin mà Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đến với gia đình chắc mẹ rất vui, cố gắng dưỡng bệnh, hồi phục sức khỏe để sống lâu hơn nữa cùng cháu con.
Phóng viên Báo Bình Dương thăm hỏi sức khỏe mẹ Tô Thị Bê tại Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng
Nhìn mẹ nằm trên giường bệnh, hơi thở khó nhọc vì căn bệnh phổi, vì mẹ bị té phải vào viện cấp cứu. Chị Giàu, con của mẹ nói: “Tưởng đâu mẹ đã về với các anh rồi, nhưng hôm nay sức khỏe của mẹ cũng ổn, cố gắng dưỡng bệnh để sắp tới đưa mẹ đi nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng…”. Nói đến đây, chị Giàu cũng cho phép chúng tôi trò chuyện cùng mẹ. Cuộc chuyện trò cùng mẹ trong làn hơi yếu ớt, ngắt quãng làm cho chúng tôi cũng có phần lo lắng. Bởi khi nói về chiến tranh, sự tàn ác của quân thù, bao ký ức về con, chồng… lại trở về làm cho mẹ như thêm nghẹn lòng.
Mẹ Tô Thị Bê, sinh năm 1933 tại xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng. Chồng và con mẹ đã ngã xuống vì bom đạn của chiến tranh. Thân thể của họ đã gửi trọn vào lòng đất mẹ mong một ngày quê hương yên bình. Tuy nằm trên giường bệnh, hơi thở khó nhọc nhưng khi nói về chồng, con, mắt mẹ ánh lên niềm kiêu hãnh. Mẹ kể, chồng mẹ là ông Nguyễn Văn Hinh, lớn hơn mẹ 5 tuổi. Khi đất nước chiến tranh, ông tham gia du kích địa phương, ông gan dạ lắm, không biết sợ chết là gì. Ông Hinh thương vợ, thương con, ông nói sẽ tranh thủ làm cho vợ thêm một mùa ruộng để ở nhà có cái lo cho con, cũng như tiếp tế cho các anh. Vừa xong mùa ruộng, nhiệm vụ của ông là gài trái để tiêu diệt kẻ thù đang hung hăn trên quê hương. Mẹ tự hào lắm khi chồng mình tự tay giết chết 4, 5 tên lính Mỹ và một số tên bị thương. Tại Rạch Bắp, lần này ông lên kế hoạch gài trái tiếp tục làm tiêu hao sinh lực địch. Hôm ấy, ông Hinh gài 4 trái theo lối chúng hay đi. Thế nhưng bọn chúng không đi vào đường mà ông đã gài trái. Vậy là ông phải đi gỡ trái, đến trái thứ tư là ông hy sinh…
Thế là mùa ruộng ấy lại là mùa ruộng sau cùng mà ông đã làm vì vợ, vì con và bao người. Ông Hinh hy sinh, để lại cho mẹ 4 người con. Và anh Nguyễn Văn Chiến, cũng lớn lên, cũng theo tiếng gọi của quê hương, cũng gan dạ như cha mình, cũng gài trái hòng mang lại bình yên cho nước nhà. Trong chuyến tải gạo từ vùng ven về cho bộ đội, cho dân, anh Chiến đạp phải mìn, rồi hy sinh năm 1972. Vậy là một lần nữa mẹ Tô phải gửi máu xương của con vào mảnh đất quê mình.
Nói đến đây, hơi thở của mẹ đứt quãng nhiều hơn, làm cho chúng tôi cảm thấy lo hơn. Và chị Giàu con của mẹ đã tiếp lời, kể về những chiến công của mẹ trong những năm tháng ác liệt tại quê hương. Khi ấy, chị Giàu chỉ mới 6, 7 tuổi cũng đã theo mẹ đi làm binh vận. Mẹ là người móc nối liên lạc giữa bộ đội và gia đình rất hay. Bao thông tin, bao cuộc gặp đầy thương nhớ đã được mẹ làm một cách nhanh chóng, không hề bị lộ. Mẹ tham gia công tác phụ nữ, nuôi cán bộ… công tác nào mẹ cũng làm và làm một cách nhanh, gọn. Ngày đó, nhà mẹ Tô có rất nhiều dừa, nên lính ngụy hay tới đây để hái dừa ăn. Mẹ cho ăn hết, để nắm tình hình, để lên kế hoạch cướp vũ khí. Có lần mẹ đã cướp được một cây súng và chuyển ngay vào cho các anh…
Chị Giàu nói, sau giải phóng Huân chương Kháng chiến hạng nhì mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho mẹ cũng là niềm động viên lớn để mẹ tiếp tục cùng mọi người vượt qua khó khăn. Mẹ động viên các con cố gắng học tập, lao động bởi có được tự do như hôm nay là hạnh phúc lắm rồi.
Nghỉ một hồi, khỏe lại, mẹ cười nói với chúng tôi: “Vậy là từ nay mẹ cũng là bà mẹ Việt Nam anh hùng như chị của mình, đó là bà mẹ Việt Nam anh hùng Tô Thị Đương…”. Nụ cười hạnh phúc trong hơi thở khó của mẹ đã làm cho chúng tôi cũng cảm thấy vui lây.
SONG ANH