| 25-06-2015 | 10:31:29

Vĩnh biệt GS-TS Trần Văn Khê - “Cây đại thụ” của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới

Hàng loạt các báo đã đưa tin buồn về sự ra đi của GS-TS Trần Văn Khê. Vẫn biết là sinh lão bệnh tử, vẫn biết cuộc sống vô thường nhưng GS-TS Trần Văn Khê mất đi là một mất mát lớn cho âm nhạc dân tộc Việt Nam.  

 GS-TS Trần Văn Khê tại đám tang nhạc sĩ Phạm Duy

GS-TS Trần Văn Khê mất lúc 2 giờ 55 phút ngày 24-6-2015, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thọ 94 tuổi. GS-TS Trần Văn Khê sinh ngày 24-7-1921 tại làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Châu Thành, Tiền Giang). Ông là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc nổi tiếng ở Việt Nam. Ông cũng là tiến sĩ ngành âm nhạc học người Việt Nam đầu tiên tại Pháp và từng là giáo sư tại Đại học Sorbonne, Pháp, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO. Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.

Với Bình Dương, GS-TS Trần Văn Khê cũng có nhiều gắn bó. Ông thường đến nói chuyện tại một số trường đại học, các ngôi chùa. Ông phân tích kỹ lưỡng sự giao thoa giữa âm nhạc truyền thống với hiện đại, ảnh hưởng của các nhạc sĩ (như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ…) trong một số bài hát về âm nhạc dân tộc Việt. Đề tài “Ngôn ngữ âm nhạc dân tộc gắn liền với âm nhạc Phật giáo” cũng từng được ông truyền đạt cho nhiều chức sắc, tăng, ni tại Bình Dương. Ông cho rằng, cùng với quá trình du nhập của đạo Phật vào nước ta thì âm nhạc Phật giáo cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân Việt. Cụ thể nhất của sự ảnh hưởng, giao thoa này có thể thấy rõ vào đời nhà Lý. Vua Lý Thái Tổ cũng là một nhà sư. Ngài đã “đưa âm nhạc Phật giáo vào cung đình” và như thế, đã có nét giống nhau trong nhạc cụ, nhạc khí qua cách thể hiện ngôn ngữ âm nhạc. Nét khác nhau trong âm nhạc Phật giáo và âm nhạc dân tộc là nhạc không phải để... biểu diễn mà gắn liền với câu kinh tạo nên trạng thái tâm hồn tĩnh lặng, để sẵn sàng đón nhận và thấm nhuần giáo lý Phật giáo một cách sâu sắc. Giải thích thêm cho điều này, GS-TS Trần Văn Khê cho rằng, như tiếng trống trong âm nhạc Phật giáo chẳng hạn, là tiếng trống đánh theo câu kệ. Nghe tiếng trống sẽ “đáo bĩ ngạn”, sẽ đi từ bờ mê đến bến giác (giác ngộ). Hay cách tán trong tụng kinh Bát nhã mới thấy hết được ý nghĩa của nó, đặc biệt là bài tán dương chi “...hỏa diệm hóa hồng liên” (núi lửa thành bông sen hồng).

Người hâm mộ ở Bình Dương vẫn luôn đón nhận ông trong những sự kiện văn hóa âm nhạc do các đơn vị tổ chức và ông là khách mời danh dự. Trong đám tang của nhạc sĩ Phạm Duy, ông cùng bạn hữu “đưa người bạn thân đến nơi an nghỉ cuối cùng” ở Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương như ông đã từng nói. Hôm đó, nhiều người đã chứng kiến ông khóc thương bạn mình. Và giờ đây, người thân, bạn bè, những ai yêu quý âm nhạc dân tộc lại khóc thương ông. Một con người tài hoa, luôn hết lòng vì nghệ thuật, vì quê hương… Xin vĩnh biệt GS-TS Trần Văn Khê, một tài năng lớn của âm nhạc dân tộc!

GS-TS Trần Văn Khê là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Ông sang Pháp du học từ năm 1949. Hè năm 1951, ông thi đậu vào trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế. Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris. Sau 50 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp, nay ông trở về sinh sống và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam. Ông cũng là người đã hiến tặng cho TP.Hồ Chí Minh 420 kiện hiện vật quý, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc.


Q.NHƯ - H.THUẬN

Chia sẻ