| 26-04-2021 | 08:23:51

Vững tin cho hành trình tương lai

 Vừa qua, Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với báo Thanh niên, Tỉnh đoàn tổ chức chương trình “Tư vấn hành trang tương lai” năm 2021. Đến với chương trình này, học sinh (HS) các trường THPT trong tỉnh đã có dịp tiếp cận với những thông tin tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2021, cách chọn ngành, chọn trường theo năng lực, sở thích trước ngưỡng cửa ĐH.

 Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học năm 2021 tại các gian hàng của các trường đại học

 Nhiều câu hỏi thú vị

Chương trình là cơ hội quý để HS giải tỏa những thắc mắc về việc chọn ngành học phù hợp với bản thân. Hiểu được tâm tư của các em, Ban tổ chức chương trình đã mời các trường ĐH trong và ngoài tỉnh tham gia tư vấn mùa thi, như: ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, ĐH Việt Đức, ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh... Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia của các thủ khoa đầu vào và đầu ra của một số trường ĐH có tiếng tại TP.Hồ Chí Minh.

Điều đáng mừng trong chương trình này là HS các trường THPT trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên và TX.Bến Cát đã không e ngại khi đặt nhiều câu hỏi tưởng chừng khó nói, nhưng đó chính là những băn khoăn của các em trong việc chọn ngành học phù hợp. Những câu hỏi các em đưa ra trong chương trình này được các nhà tư vấn đánh giá hay và sát với thực tế. Một nữ sinh của trường THPT Trịnh Hoài Đức, TP.Thuận An đã hỏi, ngành công nghệ thông tin có thích hợp với nữ không? Sinh viên năm hai Trần Đức Lương, đồng thời là thủ khoa của trường ĐH Công nghệ thông tin TP.Hồ Chí Minh đã trả lời, trong cuộc cách mạng 4.0, ngành này không còn phân biệt giới tính nữa vì mỗi em đều có những thế mạnh riêng để phát triển. Trần Đức Lương gợi ý, nữ nên chọn ngành thương mại điện tử và kỹ thuật thông tin, đây là những ngành hiện nay đang “hot”.

Được tiếp cận với các nhà tư vấn, các em đã mạnh dạn đặt những câu hỏi nêu lên những điểm mạnh, điểm yếu cũng như năng lực của bản thân để nhận được những giải đáp, lời khuyên thiết thực từ đại diện các trường ĐH và các thủ khoa đầu ra và đầu vào của các trường. Một HS của trường THPT Nguyễn Trãi (TP. Thuận An) đã đặt câu hỏi, em thích một số môn thuộc về lý luận chính trị, triết học, nhưng những môn này được cho là khó tìm việc làm, vậy em phải làm gì? Thạc sĩ Lê Phan Quốc, trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh khen thí sinh đã mạnh dạn đặt câu hỏi trên.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc cho rằng, xã hội hiện nay cần có người tài, người đức, mà người để truyền những thông tin về vấn đề lý luận chính trị là những người cực kỳ giỏi mới dám đảm đương nhiệm vụ này. Ở bậc ĐH, dù học bất cứ ngành nào các em cũng phải học một nhóm học phần chung là lý luận chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh, triết học Mác - Lênin và thầy cô giảng dạy là những giảng viên của các trường ĐH, hiện nay rất thiếu đội ngũ này. Thạc sĩ Lê Phan Quốc đã chúc mừng em HS này vì có nền tảng là sự đam mê và yêu thích nhóm môn này và cho rằng năm lớp 11 em cần định hướng vị trí nghề nghiệp muốn làm, chọn ngành trước, sau đó chọn trường để học.

Tự tin chọn ngành học

Trước ngưỡng cửa ĐH, nhiều HS băn khoăn làm sao để không chọn sai ngành nghề. Theo các nhà tư vấn, hiện có hàng ngàn việc làm khác nhau và trong xã hội chưa có việc làm nào không kiếm ra tiền. Đầu tiên, các em hãy quan sát xã hội có những việc làm nào, khi đã chọn việc làm đó cần định hướng phải học ngành gì, xem mình có yêu thích hay năng khiếu đặc biệt hay không. Các em đừng quá lo lắng, vì nếu lỡ chọn sai ngành, các em vẫn được phép chuyển ngành.

Chia sẻ với đàn em trong việc chọn ngành, thủ khoa đầu ra trường ĐH Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh Đỗ Nhật Thịnh có lời khuyên, các em cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn ngành nghề. Như bản thân Thịnh trước đây định hướng chọn ngành y, nhưng khoảng 2 tháng trước khi làm hồ sơ tuyển sinh, Thịnh tự nhìn lại và thấy bản thân phù hợp cũng như có niềm yêu thích bộ môn mỹ thuật nên đã mạnh dạn chuyển hướng. Thực tế Thịnh đã xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra, với cơ hội việc làm đầy ắp ở phía trước.

Chia sẻ thêm với các HS, thạc sĩ Đồng Thị Tuyết Hạnh, Trưởng phòng Khảo thí Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng, để làm tốt bài thi đánh giá năng lực, HS cần có sự tích lũy kiến thức lâu dài trong quá trình học THPT. HS cần tạo thói quen học tập chủ động, luôn tìm tòi mở rộng kiến thức. Khi tiếp cận thông tin luôn đặt câu hỏi vì sao, tư duy phản biện vấn đề. Tư duy logic không phải hoàn toàn do thói quen, mà còn nhờ vào quá trình rèn luyện. Khi đã rèn luyện được các kỹ năng này, HS dễ dàng “đối mặt” với kỳ thi đánh giá năng lực và các kỳ thi khác.

 Cùng với tổ chức tư vấn tập trung tại hội trường, các em còn được tư vấn tại 50 gian hàng của các trường ĐH, cao đẳng. Tham quan các gian hàng, HS tìm hiểu về chương trình đào tạo, thông tin về phương thức xét tuyển, chỉ tiêu, chương trình học... Tại các gian hàng, các trường còn tổ chức nhiều hoạt động cho HS trải nghiệm như pha chế, vẽ henna, viết thư pháp, tham gia các trò chơi liên quan đến ngành học, đố vui có thưởng.

 ÁNH SÁNG

Chia sẻ