Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hơn 10 năm nay, số người di cư từ Campuchia sang sinh sống ở ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng ngày càng đông. Hình thành hẳn một khu sinh sống tạm bợ, họ gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau như bị mất giấy tờ, không có giấy tờ hợp pháp…
Những người di cư từ Campuchia sang che bạt sống tạm bợ trong lô cao su
Sinh sống tạm bợ, không giấy tờ hợp pháp
Chúng tôi đến ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng và chứng kiến cảnh sống tạm bợ với những tấm bạt che trong lô cao su của những người từ Campuchia di cư sang, mà theo chính quyền địa phương là chưa xác định được quốc tịch Campuchia hay Việt Nam, vì họ hoàn toàn không có bất cứ các loại giấy tờ gì để chứng minh nhân thân. Hiện người dân ở đây và cả chính quyền địa phương đều cho rằng họ là người Campuchia. Được biết những người này vẫn thường giao tiếp với nhau bằng tiếng Campuchia và giao tiếp bình thường bằng tiếng Việt.
Ông Trần Thanh Tố, Trưởng Công an xã Long Nguyên cho biết, đến nay đã có hẳn một khu của những người di cư này ở ấp Bà Phái với 15 hộ, 56 nhân khẩu nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì phải có đến khoảng 20 hộ và trên 60 nhân khẩu. Phần lớn những người này không có giấy tờ để chứng minh nhân thân cũng như quốc tịch mà chỉ được công an ghi lại qua lời khai sinh ra ở Campuchia và từ Campuchia di cư sang.
Lớp học tình thương của cô Điểm
Di cư từ Campuchia sang, không đất đai, không tài chính, không giấy tờ hợp pháp… họ phải căng lều bạt sống tạm bợ trong lô cao su của người dân địa phương. Xung quanh những căn lều là lũ trẻ nhếch nhác đang chơi đùa và không có đứa nào được đến trường. Chị Mai Thị Châu, một người di cư cho biết, chị có 4 đứa con nheo nhóc và không có đứa nào được đi học, bản thân chị không có giấy tờ nên không xin được việc làm, chỉ đi làm thuê và nhặt mủ đất cao su bán kiếm tiền nuôi con. Nguyện vọng của chị cũng như nhiều người di cư đến đây luôn mong muốn sớm có được giấy tờ hợp pháp để xin được việc làm và có chỗ ở ổn định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Long Nguyên cho biết, tình trạng này đã diễn ra hơn 10 năm nay, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị huyện, tỉnh xem xét giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để. Tuy những người di cư này chấp hành pháp luật Việt Nam và không gây ảnh hưởng gì đến tình hình an ninh trật tự của địa phương nhưng nếu có xảy ra vụ việc gì thì rất khó giải quyết, kể cả việc bảo hộ quyền lợi chính đáng và giải quyết vấn đề an sinh cho họ cũng gặp không ít khó khăn. Hiện tại địa phương vẫn thường xuyên vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ những nhu yếu phẩm cho các đối tượng này.
Gieo con chữ cho các em
Trong cuộc sống tạm bợ của mình, những người di cư từ Campuchia sang rất cần những tấm lòng của người dân địa phương, đó là những người cho đất ở tạm, cho kéo điện nước để sử dụng… Trong những người hảo tâm đó có cô Lê Thị Tô Điểm (62 tuổi). Cô Điểm là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bà Phái, kiêm cộng tác viên dân số, chăm sóc trẻ từ hơn chục năm nay. Trước đây, cô Điểm có nhận dạy học cho một số trẻ em nghèo trong xóm, khi biết được tình cảnh của những đứa trẻ theo cha mẹ di cư từ Campuchia sang đây không được học hành nên cô liền nhận dạy miễn phí cho các em để các em biết đọc, viết tiếng Việt. Về sau việc làm của cô đã được nhiều người biết đến, các nhà hảo tâm đã chung tay giúp cô xây hẳn 2 lớp học tình thương được trang bị khang trang đầy đủ với kinh phí hơn 50 triệu đồng. Lớp học được khánh thành ngày 20-11-2015, từ đó cô có điều kiện dạy chữ cho các em, đến nay cô cùng 2 cô khác đứng dạy 2 lớp ( lớp 1, lớp 2) cho 17 em là con em của những người di cư từ Campuchia sang. 2 lớp học tình thương này được các cô duy trì thứ 2, 4, 6 hàng tuần, dạy từ 13 giờ đến 16 giờ. Vì điều kiện sống của các em bấp bênh nên các em đến ngày nào các cô dạy ngày ấy, có em đang theo học nhưng tới mùa thu hoạch thì xin nghỉ để đi lượm hạt điều cùng mẹ xong rồi trở về học lại, có em 24, 25 tuổi vẫn theo học lớp 1, lớp 2 của cô. Lúc đầu khi cô dạy học cho mấy đứa trẻ này mọi người xung quanh đều tỏ ra e ngại, nhưng bằng tấm lòng của mình, cô Điểm đã dìu dắt các em theo từng con chữ, uốn nắn dần dần để các em đi vào nề nếp trở nên ngoan ngoãn, nên ai nấy cũng đều công nhận ở sự tiến bộ của các em. Không chỉ chăm lo dạy cái chữ cho các em, cô Điểm cùng các nhà hảo tâm cũng luôn quan tâm chăm lo đời sống cho các em. Ở lớp học tình thương các em được cho quần áo, sách vở… Còn nhớ trường hợp của em Phạm Thị Ngoan (6 tuổi) đang học lớp 1 của cô Điểm bị bệnh tim, cô Điểm đã ra sức vận động các nhà hảo tâm để em Ngoan được đưa đi mổ tim, giờ em đã có được sức khỏe tốt và theo học chăm chỉ nên cô rất mừng. Cô Điểm lo lắng cho các em như người thân ruột thịt của mình, có những đêm trời mưa gió cô nằm ở nhà cứ lo lũ trẻ trong những tấm bạt ngoài lô cao su có sao không, đến ngày hôm sau các em đến lớp cô hỏi thăm mới yên lòng.
Nhìn những đứa trẻ đen nhẻm hồn nhiên nô đùa trước cửa lớp, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi các em đang lâm vào tình cảnh của những đứa trẻ vô gia cư, sống không giấy tờ hợp pháp. Trò chuyện với chúng tôi, em Nguyễn Văn Trung (12 tuổi) cho biết, em đang học lớp 1, hiện nay em đã biết đọc biết viết tiếng Việt, em rất vui khi được học ở đây vì cô giáo hiền dạy em nhiều điều hay.
Cô Điểm tâm sự, không chỉ dạy chữ mà cô còn chú trọng dạy đạo đức cho các em để làm sao uốn nắn các em vào nề nếp, ngoan ngoãn, có đủ kỹ năng và kiến thức để hòa nhập vào xã hội, không vướng các tệ nạn xã hội, giúp các em sớm hòa nhập với cuộc sống mới.
Như trên đã nói, những người di cư từ Campuchia sang sinh sống tạm bợ tại ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng đã hơn 10 năm nay với một cuộc sống không có việc làm, không có chỗ ở ổn định và nhất là không có giấy tờ tùy thân. Rất mong chính quyền các cấp vào cuộc để xem xét, giải quyết nhằm giúp những người dân này sớm có giấy tờ chứng minh nhân thân, có việc làm, con cái được học hành để họ được ổn định, yên tâm làm ăn sinh sống.
ĐỨC LÊ