| 06-01-2023 | 01:46:50

Vượt khó, kỳ vọng vào mục tiêu tăng trưởng

Khép lại năm 2022 với nhiều kết quả tích cực, ngành công thương Bình Dương đặt nhiều kỳ vọng ở năm 2023 - năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Dù dự báo vẫn còn không ít khó khăn thách thức, nhưng bằng những giải pháp quyết liệt, ngành công thương tỉnh tin tưởng sẽ tăng trưởng tốt, góp phần đáng kể cùng tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra trong năm mới.

Ngành công thương tiếp tục nắm bắt, hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường

 Vượt “chướng ngại vật”

Sau đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực. Tuy nhiên, với nhiều yếu tố từ tình hình địa chính trị thế giới, doanh nghiệp lại bước vào khó khăn nhất định, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào mặc dù có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, áp lực lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên thế giới, do tình hình lạm phát và giá năng lượng tăng cao, người dân các nước có xu hướng cắt giảm chi tiêu, điều này ảnh hưởng đến tình hình ký kết đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, chia sẻ tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới trở nên khó khăn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, dẫn đến các ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh (gỗ, dệt may, da giày) gặp khó, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm các đơn hàng giảm đột biến, dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng chậm lại, không đạt kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 35,687 tỷ đô la Mỹ, tăng 9% so với năm 2021 (năm 2021 tăng 13,5%, kế hoạch tăng 14,5%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 25,813 tỷ đô la Mỹ, tăng 1% (năm 2021 tăng 14,7%, kế hoạch tăng 17%). Bên cạnh đó, thị trường dầu thô và dầu đã qua chế biến của thế giới liên tục biến động, ít nhiều ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa mặt hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Trước tình hình đó, thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với sự lãnh đạo, điều hành linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Công thương đã tham mưu nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần đưa tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, sở đã đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia 4 chương trình xúc tiến thương mại trong nước tại các tỉnh, thành; tổ chức 7 phiên chợ thuộc chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương năm 2022; tổ chức đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương khảo sát xúc tiến thương mại và đầu tư tại tỉnh Champasak và tỉnh Sekong (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào); tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại thị trường Hoa Kỳ, hội nghị giao thương trực tuyến thị trường Ấn Độ, hội thảo thực trạng và tiềm năng phát triển logistics tại Bình Dương...

Để kịp thời nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, ngành công thương đã lắng nghe ý kiến hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước nhằm giải quyết vướng mắc, tổ chức hội nghị về cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách cho doanh nghiệp sản xuất.

Tạo lập môi trường thuận lợi

Trên tinh thần đó, năm 2023, Sở Công thương tiếp tục tham mưu và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc. Ông Nguyễn Thanh Toàn nhấn mạnh, năm 2023 sẽ là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, năm 2023 được dự báo nền kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng có thể chậm lại. Cùng với đó, lạm phát cao và các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh có thể tiếp tục phức tạp… Do đó, kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế Bình Dương nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

“Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được trong năm 2022, Sở Công thương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 13% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tăng 16% so cùng kỳ”, ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, ngành công thương tiếp tục hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; thực hiện công tác quản lý nhà nước chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm số lượng, chất lượng hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, sốt giá; triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đủ nguồn điện cho hoạt động sản xuất, tiêu dùng và phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức đoàn doanh nghiệp tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và liên kết hợp tác kinh doanh tại các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, ngành sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số, tham gia sàn thương mại điện tử; triển khai thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công, công tác tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, nâng tầm doanh nghiệp, phát triển xanh, bền vững.

 KHẢI ANH

Chia sẻ