| 15-12-2020 | 07:48:07

Vượt qua nghịch cảnh, nâng niu mầm sống…

“Cuộc sống như một bản nhạc với những thanh âm trầm bổng, dù ta đang ở nốt nhạc nào trên đường đời, ta có quyền lựa chọn thái độ sống để đến lúc nhắm mắt xuôi tay không phải hối tiếc”. Đó là tâm sự của chị Trần Thị Sen, nhân viên hỗ trợ điều trị, Phòng khám ngoại trú, khoa truyền nhiễm lao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Là một bệnh nhân nhiễm HIV, hơn ai hết chị thấm thía sự kỳ thị của xã hội, sự mặc cảm tự ti của bản thân người bệnh để mạnh mẽ đấu tranh cởi trói tư tưởng, hồi sinh niềm ham sống, giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng.

 Chị Trần Thị Sen phát hồ sơ, hướng dẫn người bệnh đến khám và nhận thuốc

 Bóng tối dần lui

Chúng tôi tình cờ gặp chị Sen nhân chuyến đi thực tế tìm hiểu đời sống bệnh nhân điều trị HIV/AIDS tại Phòng khám ngoại trú, khoa truyền nhiễm lao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong khuôn viên phòng khám có rất nhiều bệnh nhân đến khám, lấy thuốc định kỳ và hơn hết là chờ đợi chị Sen tư vấn, nhỏ to tâm sự hay thủ thỉ giãi bày. Chị Sen được các bệnh nhân ở đây đặt cho biệt danh là “Người mẹ tận cùng của sự sống” và chị luôn chân tình, đầy ắp tình người. Chị đã giúp đỡ biết bao bệnh nhân nhiễm HIV vượt qua sự tự kỷ bản thân, sự xa lánh, kỳ thị của xã hội khi mang trong mình “án tử” của căn bệnh thế kỷ.

Điều làm chúng tôi bất ngờ hơn khi được biết chị Sen cũng là bệnh nhân nhiễm HIV. Nhìn gương mặt tươi tắn, tự tin trong giao tiếp của chị, chúng tôi không nghĩ rằng chị đã từng trải qua những ngày tháng khổ đau vì nhiễm HIV. Chị rơm rớm nước mắt khi kể về cuộc đời nhỏ bé nhưng đầy biến động của mình. Chị Sen trải lòng: “Tôi mang ơn cuộc đời, mang ơn người bạn đời của mình”… và cứ thế câu chuyện về cuộc đời của chị cuốn hút tôi lúc nào chẳng hay.

Năm 20 tuổi, số phận đa đoan đẩy đưa chị gặp và lấy một thanh niên có gia cảnh khá giả nhất, nhì ở một làng quê Nghệ An. Sau vài năm chung sống ấm êm, đứa con trai chào đời, những tưởng hạnh phúc đong đầy nhưng không ngờ thật ngắn ngủi với chị. Người chồng học đòi ăn chơi, theo đám bạn hút chích, bỏ lại chị một mình với nỗi buồn câm lặng. Vào cái ngày bác sĩ cho hay tin chị bị nhiễm HIV, mọi thứ như sụp đổ dưới chân, chị rơi vào tận cùng nỗi đau và không còn thiết sống. Như dối lòng mình, chị xin phép gia đình chồng vào Bình Dương khẳng định lại kết quả và xây dựng lại cuộc sống mới.

Ngay trong đêm đông mịt mù sương giá, một gia đình 3 con người vội vã, dìu dắt nhau trên chuyến tàu vào Bình Dương. Chuyến đi vội vã của hai vợ chồng nhiễm HIV và một con trẻ những mong trốn chạy thực tại phũ phàng nhưng nào được gì ngoài sự thật đau lòng. Đường xa vạn dặm làm sao trốn tránh được sự thật nghiệt ngã khi số phận éo le như đang vùi dập chị đến bước đường cùng. 2 năm sau đó, chồng chị qua đời.

“Tôi trở về quê lo hậu sự cho chồng mà lòng càng thêm đau đớn khi gia đình chồng hắt hủi, ghẻ lạnh. Tôi bị mọi người xa lánh, hễ thấy tôi lại gần họ bỏ chạy, tôi đi xa thì họ chỉ trỏ, bàn tán rì rầm. Mọi vật dụng trong nhà tôi đụng vào họ đều sợ lây nhiễm rồi vứt bỏ. Tôi không dám ngồi ăn cơm chung cùng gia đình mà lủi thủi sau bếp, đợi đêm khuya mới ăn vội chén cơm nguội chan đầy nước mắt”. Sau cái chết của chồng, chị Sen cũng không còn thiết sống, lúc nào trong người cũng thủ sẵn gói thuốc chuột để từng phút, từng giây đấu tranh lựa chọn giữa sự sống và cái chết. Trong lúc quẫn trí nhất, chợt ý nghĩ lóe lên, chị còn có con: “Con tôi cần tiếp tục được sống”. Chị lại tất tả ôm con bắt xe quay lại Bình Dương giữa không gian mù mịt, không gia đình.

Ông trời thật không triệt đường sống của ai bao giờ! Chị Sen chọn Bến Cát là nơi dừng chân để nương thân, kiếm sống bằng cách đi mót khoai, bắp. Thời gian này sức khỏe của chị yếu dần, người xanh xao hết lao đến suyễn, gầy gò như khúc củi di động. Năm tháng và những nỗi đau bệnh tật đã làm se sắt tâm hồn cứng cỏi và thể xác cằn cỗi của chị. Mỗi ngày, vi rút HIV càng xâm lấn sâu hơn vào các cơ quan nội tạng khiến cơ thể chị trở nên bại hoại vật vã, khoang miệng lở loét, tiêu chảy dài dài và không thể kìm được.

Chị Sen không cam tâm nằm chờ cái chết đến với mình, chị bật dậy, bước đi xiêu vẹo, chân cao chân thấp tìm đến Phòng khám ngoại trú, khoa truyền nhiễm lao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Làm xét nghiệm đo tải lượng vi rút HIV trong cơ thể cao ngất ngưỡng, chị được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc ARV, hạn chế sự phát triển của vi rút HIV và phục hồi hệ miễn dịch. Tin tưởng và hiểu được phương pháp điều trị của bác sĩ, niềm ham sống trong chị lại trỗi dậy mãnh liệt hơn. Từ đó, chị quyết định tự thay đổi tư tưởng của bản thân để vượt qua định kiến xã hội về căn bệnh thế kỷ. Chị Sen muốn làm điều gì đó giúp các bệnh nhân cùng cảnh ngộ như mình bởi chị hiểu rằng “Bệnh HIV không đáng sợ, đáng sợ hơn là sự kỳ thị của xã hội và của chính bản thân người nhiễm bệnh”.

Cuộc điện thoại đầy duyên số

Thời gian đầu, hàng ngày, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chị Sen lại lọc cọc đạp xe từ Bến Cát xuống phòng khám xin phụ bác sĩ làm những việc lặt vặt: Đọc tên, sắp xếp bệnh nhân vào khám, lấy thuốc hay tình nguyện lắng nghe những câu chuyện số phận, cuộc đời của từng bệnh nhân để đồng cảm và chia sẻ với họ. Cũng tại đây chị được các bác sĩ mời đi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm điều trị HIV và sau đó được tuyển làm nhân viên hỗ trợ điều trị theo dự án hỗ trợ điều trị HIV/AIDS của Bộ Y tế.

 HIỆN NAY, CÓ RẤT NHIỀU BỆNH NHÂN ĐÃ TÌM ĐẾN CHỊ SEN TRONG TÌNH TRẠNG KIỆT QUỆ VỀ TINH THẦN NHƯNG RỒI LẠI KHỎE MẠNH, TRỞ VỀ VỚI GIA ĐÌNH, VỚI CỘNG ĐỒNG. CHỊ SEN CHIA SẺ: “THẬT HẠNH PHÚC KHI HỒI SINH, CỞI TRÓI TƯ TƯỞNG CHO NHỮNG CUỘC ĐỜI TƯỞNG NHƯ ĐÃ ĐI VÀO NGÕ CỤT ĐỂ THEO ĐÓ NIỀM TIN YÊU CŨNG ĐÂM CHỒI NẢY LỘC”.

Công việc hỗ trợ điều trị tại phòng khám khá nhiều, nhưng lại là những việc vặt không tên, có khi chị vừa làm vừa nghe điện thoại của một bệnh nhân cùng quẫn muốn tự tử khi phát hiện mình bị nhiễm HIV. Những cuộc điện thoại kéo dài và liên tục làm ảnh hưởng đến việc nhưng chị cũng không đành để người bệnh rơi vào vực thẳm đầy đau khổ, không lối thoát như chính mình đã từng đi qua. Chị làm một xấp hồ sơ xin việc để sẵn, vì đa số những công ty chị đến làm một thời gian đều cho chị nghỉ việc với lý do “nghe điện thoại, vi phạm nội quy trong giờ làm” .

Cũng trong một buổi như bao buổi vừa tranh thủ tư vấn qua điện thoại vừa quét dọn công ty, chị vội vàng gọi điện cho bệnh nhân với lời nhắn “Mạnh mẽ lên em nhé, về ăn cơm cùng chị”. Lời nhắn này không đến với người cần tư vấn mà lại qua số điện thoại của một người lạ hoắc lạ huơ, anh Nguyễn Chí Hiếu, một trung tá công an. Sau cuộc điện thoại nhầm số ấy, anh Hiếu chủ động tìm gặp chị như người bạn chia sẻ buồn vui cuộc sống. Có những đêm mưa gió anh Hiếu chạy xe từ Sài Gòn về Bình Dương đứng đợi hàng tiếng đồng hồ để gặp chị hàn huyên tâm sự như người bạn tri kỷ.

Cảm phục hoàn cảnh chị Sen nhiễm HIV, đơn thân nuôi con lại thật thà, có tấm lòng nhân hậu, anh vừa nể vừa thương và có ý giúp đỡ nhiều hơn. Có lần anh nói với chị: “Có đôi ủng đơn vị cấp, em cùng anh đi chung… quãng đời”. Anh Hiếu chưa dứt lời, chị Sen đã phản ứng dữ dội. Ký ức nỗi đau và bao khốn đốn ùa về, chị quay qua ghét cay ghét đắng những lời mộc mạc từ tâm can của anh Hiếu. Còn gì tuổi xuân khi bản thân mang trong mình căn bệnh thế kỷ! Cự tuyệt tình cảm, chị lên đơn vị anh báo cáo việc anh Hiếu “quan tâm” đời sống của chị. Sau vụ lùm sùm ấy, chị Sen ân hận vì mình làm quá để anh phải bị hạ hạnh kiểm cuối năm. Rồi như duyên trời định, anh Hiếu vẫn kiên trì đưa đón mỗi khi chị từ phòng khám trở về. Anh tình nguyện cùng chị đến nhà bệnh nhân có “H” làm chỗ dựa tinh thần, đấu tranh cởi trói tư tưởng, tìm lại mục đích sống từ những vật vã đau thương của bệnh tật và sự kỳ thị của mọi người.

Hiện nay có rất nhiều bệnh nhân đã tìm đến chị Sen trong tình trạng kiệt quệ về tinh thần nhưng rồi lại khỏe mạnh, trở về với gia đình, với cộng đồng. Chị Sen chia sẻ: “Thật hạnh phúc khi hồi sinh, cởi trói tư tưởng cho những cuộc đời tưởng như đã đi vào ngõ cụt để theo đó niềm tin yêu cũng “đâm chồi nảy lộc”.

 KIM HÀ

Chia sẻ