Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sau 12 năm “đèn sách”, hôm nay (27-6) các “sĩ tử” bước vào một kỳ thi quan trọng mang tính quyết định tương lai của các em học sinh (HS) cuối cấp học phổ thông. Trước mỗi mùa thi, cùng với việc củng cố kiến thức cho HS, hoạt động tư vấn hướng nghiệp và câu chuyện lựa chọn ngành nghề luôn nhận được sự quan tâm của ngành giáo dục - đào tạo và phụ huynh HS. Đây cũng là hoạt động rất quan trọng ở các trường THPT, nhằm giúp HS nâng cao hiểu biết về nghề, từ đó định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành học phù hợp.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ ổn định quy chế tuyển sinh. Theo đó, toàn bộ quy trình từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Hiểu mình, hiểu ngành, hiểu trường mà mình theo học trong tương lai như thế nào, vì vậy HS không được bỏ lỡ những quy định về mốc thời gian. Bên cạnh đó, các em cũng cần đặc biệt lưu ý khi tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Như mọi năm, khi các kỳ thi tuyển sinh bắt đầu khởi động thì cũng chính là thời điểm quan trọng nhất để HS đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt cuộc đời. Quyết định học gì, làm gì đương nhiên do chính các em HS, nhưng vai trò hướng nghiệp của người thầy, của nhà trường và sự quan tâm sát sao của gia đình là rất quan trọng.
Trước yêu cầu từ thực tiễn cũng như thực hiện chủ trương của ngành giáo dục - đào tạo, thời gian qua các trường học trong tỉnh đã, đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp, lựa chọn ngành nghề cho HS. Đặc biệt, đối với HS khối 12, nhà trường phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức chương trình giao lưu trực tiếp, chia sẻ nội dung liên quan đến lựa chọn ngành nghề nhằm giúp các em có được cái nhìn đầy đủ về nghề nghiệp cũng như ngành học mà mình lựa chọn.
Thế nhưng, quyết định học gì, làm gì phù hợp với bản thân, nhu cầu lao động đối với các em không phải chuyện dễ dàng. Bởi thực tế, đã có những em phải bỏ học giữa chừng do thấy không phù hợp hoặc có không ít trường hợp cố gắng cầm cự, học theo kiểu đối phó. Thậm chí có không ít trường hợp khi đã có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhưng sau đó lại làm công việc trái với ngành nghề được đào tạo... Điều này cũng đồng nghĩa, việc tư vấn, lựa chọn ngành nghề trước mỗi mùa tuyển sinh cần phải được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa nhằm giúp HS và phụ huynh có nhận thức đúng đắn trong việc học văn hóa, học nghề, lựa chọn ngành học phù hợp để tránh lãng phí về kinh tế cho gia đình và xã hội.
NHẬT HUY