Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thời gian qua, việc triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (CTRSHTN) ở 3 ấp Phú Thuận, An Thuận, Bến Giảng thuộc xã Phú An đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen, hành vi ứng xử với môi trường.
Người dân cùng nhau dọn dẹp vệ sinh bảo đảm cảnh quan môi trường của địa phương
Kết quả bước đầu
Trên địa bàn 3 ấp An Thuận, Phú Thuận và Bến Giảng có 1.556 hộ với 8.406 người, trong đó có 70 hộ kinh doanh nhà trọ với 800 phòng, 171 hộ kinh doanh và 19 tổ chức (3 trụ sở cơ quan, 4 trường học, 12 doanh nghiệp). Theo lãnh đạo UBND xã Phú An, thời gian qua, địa phương đã tổ chức thực hiện trên 19 tuyến đường; trong đó có 3 tuyến đường chính là đường ĐT744, ĐH608, ĐH609; 9 tuyến đường giao thông nông thôn là đường xe chuyên dụng loại 6 tấn đang thu gom; 7 tuyến đường hẻm giao thông nông thôn (đường xe ba gác/xe lôi thu gom) với tổng chiều dài khoảng 27km. Khối lượng rác phát sinh tại thời điểm thực hiện chương trình phân loại khoảng 7,6 tấn/ngày, số lượng điểm tập kết rác được bố trí là 130 điểm được thu gom bằng 1 xe chuyên dụng 5 tấn và 1 xe tải thùng loại 10 tấn.
Sau khi kế hoạch ban hành và được tập huấn về nghiệp vụ, UBND xã đã tổ chức triển khai thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt đến tất cả các hộ dân trong khu vực thí điểm. Ngoài ra, xã còn lồng ghép nội dung phân loại vào các hoạt động tuyên truyền chung và các buổi họp dân định kỳ, đồng thời thường xuyên phát thanh các nội dung hướng dẫn phân loại… để người dân biết và thực hiện.
Ông Đặng Trung Kiệt, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết xã trang bị đầy đủ cho các hộ dân trong khu vực thí điểm các dụng cụ lưu chứa phục vụ cho việc phân loại, như 3.300 thùng rác loại 15 lít (2 màu), 100 thùng loại 180 lít, 120 thùng 240 lít, 30 thùng loại 660 lít, 6 tấn túi nylon (2 màu) phân phát đến từng hộ, cơ quan và trường học, bổ sung thêm cho các điểm tập kết hiện hữu. Cùng với đó, địa phương bê tông hóa, bố trí các thùng chứa rác có dung tích phù hợp, lắp bảng hướng dẫn tại các điểm tập kết để tạo mỹ quan, bảo đảm vệ sinh và dễ dàng cho người dân thực hiện. Đồng thời, xã đã thành lập tổ giám sát, tuyên truyền với 84 thành viên bao gồm ban lãnh đạo các ấp và những thành viên trong tổ tự quản môi trường của địa phương.
UBND xã cũng tổ chức họp dân tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chương trình ở các ấp triển khai thí điểm được 12 cuộc. Qua đó, 100% các hộ dân đã đăng ký, cam kết tham gia thực hiện chương trình; có hơn 80% các hộ dân đã nhận diện được 2 loại chất thải (rác thải hữu cơ dễ phân hủy và rác thải còn lại), khoảng 60% số hộ thực hiện phân loại rác thải tại gia đình.
Tiếp tục tuyên truyền
Trong năm 2023, xã kiện toàn lại hệ thống thu gom rác thải trên địa bàn như ký hợp đồng với đơn vị mới; xây dựng lộ trình thu gom theo thời gian quy định trên các tuyến đường; tiếp tục triển khai thêm 16 tuyến đường hẻm cụt. Mặt khác, xã tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện, kiện toàn lại tổ tự quản về môi trường, tổ giám sát công tác thu gom, vận chuyển rác thải, quy chế hoạt động của tổ để chuẩn bị tiếp tục thực hiện chương trình giai đoạn 2023-2025.
Ông Đặng Trung Kiệt cho biết thêm, trong quá trình thực hiện chương trình thí điểm, UBND xã Phú An cũng gặp một số khó khăn như thời gian đầu đơn vị chưa thu gom, vận chuyển rác theo thời gian quy định, chưa bố trí được phương tiện thu gom các loại rác thải sau khi phân loại tại nguồn. Do địa bàn nông thôn, dân cư còn ít nên phí thu trả cho đơn vị thu gom còn thấp, không bù đắp được chi phí. Đồng thời, người dân có đất rộng nên thói quen tự xử lý rác tại vườn nhà, không chuyển giao cho đơn vị thu gom...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ông Đặng Trung Kiệt cho biết xã Phú An tiếp tục phát động toàn bộ hệ thống chính trị chung sức thực hiện chương trình; lồng ghép với các chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện Đề án 02 ở địa phương. Mặt khác, xã tiếp tục kiện toàn lại hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải sau khi thực hiện phân loại rác theo từng loại rác cụ thể. Đồng thời, xã xây dựng các điểm tập kết rác thải cồng kềnh, rác thải nguy hại; xây dựng lộ trình, thời gian thu gom cụ thể cho từng loại rác trên từng tuyến đường. Song song đó, UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phân loại rác thải theo quy định.
THOẠI PHƯƠNG