| 26-10-2022 | 08:56:57

Xây dựng 3 tình huống ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

Hiện nay, TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện 2 ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, nguy cơ bệnh xâm nhập vào Bình Dương là rất lớn, việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là rất cần thiết. Bình Dương đã chủ động xây dựng 3 tình huống ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong bệnh đậu mùa khỉ.

 Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh kiểm tra công tác giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh

Chủ động ứng phó

Nhằm phát hiện sớm trường hợp bệnh đậu mùa khỉ, ngành y tế tỉnh chủ động xây dựng 3 tình huống ứng phó. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Các tình huống bao gồm: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh, xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh và dịch lây lan trong cộng đồng. Điểm chung của 3 tình huống là chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin cho người dân, cộng đồng biết về dịch bệnh để chủ động phòng, chống; truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao và khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh. Ngoài ra, ngành y tế cung cấp thông tin liên lạc của các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám, chữa bệnh, đơn vị tiếp nhận thông tin bệnh đậu mùa khỉ để người dân dễ dàng tiếp cận khi cần khai báo, tư vấn”.

Cùng với công tác tuyên truyền, ngành y tế cũng tăng cường hệ thống giám sát phát hiện ca bệnh tại cơ sở y tế công lập, ngoài công lập. Ngành chủ động phối hợp Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác giám sát các trường hợp nghi ngờ, ca mắc có liên quan; lập kế hoạch về nhân lực, quy trình, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm để chuẩn bị sẵn sàng công tác thu dung, điều trị bệnh.

Trong trường hợp xuất hiện bệnh, ngành y tế tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp bệnh nghi ngờ; điều tra, giám sát và theo dõi sức khỏe các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định. Sau đó ngành gửi mẫu đến Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh xét nghiệm. Ngành đặc biệt lưu ý phòng, chống dịch phải kịp thời, hạn chế thấp nhất lây lan cộng đồng, tiếp tục duy trì hệ thống giám sát phát hiện ca bệnh và chỉ đạo các cơ sở điều trị sẵn sàng phương án tiếp nhận thu dung điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Khi dịch lây lan trong cộng đồng, ngành y tế vẫn tiếp tục công tác tuyên truyền, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện các ổ dịch mới và theo dõi sức khỏe các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định. Song song đó, ngành tiến hành khoanh vùng, xử lý ổ dịch, điểm nguy cơ cao và sẵn sàng phương án tiếp nhận thu dung điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ.

Chú trọng giám sát cộng đồng

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc gần, vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn, tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh hoặc lây nhiễm từ mẹ sang thai nhi. Từ cơ chế lây bệnh, ngành y tế thiết lập hệ thống giám sát tại các tuyến để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Đặc biệt, ngành chú trọng giám sát tại các bệnh viện, chuyên khoa da liễu, các cơ sở khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục với các đối tượng: Người đồng tính nam, người có suy giảm miễn dịch. Đối với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, thông qua mạng lưới đồng đẳng viên và hệ thống giám sát trọng điểm để phát hiện sớm ca bệnh.

Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết khi phát hiện ca bệnh, ngành y tế tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ và trường hợp bệnh có thể; theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định trong vòng 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng. Đối với khu vực xác định là ổ dịch, ngành tiến hành điều tra mở rộng xung quanh tại các điểm nguy cơ cao (nơi ở, nơi làm việc...) theo phương châm “gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ.

Trong trường hợp dịch lây lan trong cộng đồng, ngành y tế sẽ lấy mẫu từ 5 - 10 trường hợp bệnh nghi ngờ đầu tiên để chẩn đoán ca bệnh xác định. Các trường hợp bệnh còn lại, nếu xác định là ổ dịch có thể cân nhắc xem xét xử lý như trường hợp bệnh xác định. Với những trường hợp tiếp xúc gần thì ngành lập danh sách, hướng dẫn đối tượng tự theo dõi sức khỏe 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng. Khi có triệu chứng nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, phát ban, nổi hạch... người dân cần hạn chế tiếp xúc với người khác và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly, điều trị kịp thời.

 Bệnh đậu mùa khỉ lây lan từ người sang người theo nhiều cách khác nhau, có thể lây lan từ khi các triệu chứng bắt đầu cho đến khi vết ban lành hoàn toàn, hình thành một lớp da mới. Tiêu chuẩn xuất viện với bệnh nhân đậu mùa khỉ là người bệnh cách ly tối thiểu 14 ngày và đã hết các triệu chứng về lâm sàng, không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các tổn thương cũ đã đóng vảy. Trường hợp tiếp xúc gần người bệnh xác định, người dân tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày.

 HOÀNG LINH  

Chia sẻ