| 03-08-2024 | 09:35:13

Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh: Con người là trung tâm, là chủ thể

Sáng qua, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Công tác dân vận (CTDV) tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh (VH-VM)” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 (Đề án 02). Qua hơn 3 năm triển khai đồng bộ, quyết liệt, xuyên suốt Đề án 02, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cách làm hay, gương điển hình trong xây dựng nếp sống VH-VM.


Lãnh đạo tỉnh trao bằng khen cho các tập thể đã có thành tích xuất sắc thực hiện Đề án 02 của Tỉnh ủy. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Triển khai đồng bộ, xuyên suốt

Trong quá trình triển khai thực hiện, Đề án 02 luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo tập trung của Thường trực Tỉnh ủy; sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, mang lại những kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, vận động được tập trung thực hiện đã phát huy tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, nhận thức về xây dựng nếp sống VH-VM, ý thức tự giác, tự nguyện tham gia xây dựng nếp sống VH-VM của người dân được nâng lên; hành động vì cộng đồng ngày càng nhiều và lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, nhất là tích cực tham gia bảo vệ môi trường, đóng góp chỉnh trang, nâng cấp đô thị, hoạt động tương thân tương ái. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo nên diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh:

“Bình Dương phát triển, hướng đến mục đích lấy con người là trung tâm, nhân dân được hạnh phúc. Thành quả, thành tựu phát triển của Bình Dương là để nhân dân thụ hưởng. Cần xác định rõ việc vận động nhân dân thực hiện nếp sống VH-VM là việc làm chung của cả hệ thống chính trị, không phải chỉ là công việc riêng của ban dân vận các cấp...”.

Điểm nổi bật của đề án trong 3 năm qua là đã vận động nhân dân tham gia cùng với chính quyền các cấp thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từng khu phố, ấp, xã, phường đã chú trọng đến việc chỉnh trang, nâng cấp đô thị, xây dựng văn phòng khu phố, ấp, công viên, hoa viên, các tuyến đường hoa, tuyến đường kiểu mẫu, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, camera an ninh; nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường, tuyến hẻm...

Cùng nhau vào cuộc

Có thể nói, TP.Thủ Dầu Một là địa phương đi đầu với những mô hình, cách làm được triển khai đồng độ, lan tỏa. Nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân trong xây dựng nếp sống VH-VM ở địa phương này đã thay đổi rõ rệt. Nhiều tuyến đường, tuyến hẻm được xây mới trong hơn 3 năm triển khai đề án. Mặc dù chỉ đăng ký thực hiện 33 tuyến đường, 55 tuyến hẻm nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Thủ Dầu Một đã thực hiện được 135 tuyến đường, 249 tuyến hẻm, vượt gấp nhiều lần so với số lượng đăng ký ban đầu.


Từ Đề án 02, nhiều mô hình, việc làm ý nghĩa đã được lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh

Bà Nguyễn Thu Cúc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết các tiêu chí của đề án về xây dựng thành phố với những nét đặc trưng về VH-VM đô thị đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể, trong thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng “Thành phố xanh”, “Thành phố công viên”, “Tuyến hẻm văn minh đô thị”, công tác phát triển mảng xanh đô thị, tăng không gian công cộng phục vụ cộng đồng đã được thành phố tập trung thực hiện quyết liệt. Tận dụng các quỹ đất công, thành phố đã sắp xếp bố trí lại để đầu tư xây dựng công viên, hoa viên, mảng xanh đô thị kết hợp với mở rộng không gian sinh hoạt công cộng của các khu phố. Đến nay, thành phố đã có 132 công viên, vườn hoa; đất công viên cây xanh trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương là 142,61 ha…

“Đây cũng chính là niềm vui, niềm tự hào của thành phố khi người dân là chủ thể chính, được thụ hưởng các tiện ích công cộng. Qua đó, ý thức, nếp sống, đời sống người dân từng bước cũng thay đổi văn minh hơn, giữ gìn môi trường sống tốt hơn”, bà Cúc cho biết thêm.

Tại phường Lái Thiêu (TP.Thuận An), để thực hiện đạt các tiêu chí của Đề án 02, phường đã xây dựng và thực hiện nhiều mô hình, với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và có sự gắn kết, bổ sung với nhau để đạt hiệu quả. Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu, cho biết: “Rút kinh nghiệm các lần triển khai, phường quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nội dung của đề án. Xác định nhân dân là chủ thể trong thực hiện và thụ hưởng thành quả của việc xây dựng nếp sống VH-VM, nơi nào nhân dân đồng thuận thì việc thực hiện nhất định thắng lợi; do đó phường không làm hình thức, chạy theo thành tích mà xem nhẹ chất lượng, xem nhẹ ý kiến đóng góp của nhân dân; phải phát huy tối đa nội lực của địa phương, của người dân và sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của phường”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Đề án 02. Ông Lợi cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong triển khai, thực hiện đề án, như: Việc chuyển đổi nếp nghĩ, nếp làm của người dân từ cư dân nông thôn sang đô thị còn khó, đặc biệt là người dân từ các địa phương khác đến Bình Dương sinh sống; việc nắm bắt, tiếp nhận, xử lý thông tin về những khó khăn trong cuộc sống của người dân như việc làm, thu nhập, nhất là những đối tượng yếu thế có lúc, có khi còn khó khăn; ý thức bảo vệ môi trường, tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, quảng cáo, rao vặt... còn xảy ra, phần nào ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan đô thị...

Từ thực tế qua hơn 3 năm thực hiện Đề án 02, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, khẳng định: Đề án 02 hiện là đề án đầu tiên, duy nhất của công tác dân vận về lĩnh vực VH-VM; trong đó có sự chỉ đạo tập trung của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến khu, ấp. Từ những chủ trương đúng đắn, biện pháp cụ thể, càng làm càng thấy đề án có ý nghĩa thiết thực, sát sườn với từng ngành, từng cấp, từng nhà, từng con phố… cho đến từng cơ quan, đơn vị và đã lan tỏa mạnh mẽ ra toàn xã hội. Nhân dân là chủ thể trong thực hiện và thụ hưởng thành quả của việc xây dựng nếp sống VH-VM. Đề án 02 cần được thực hiện xuyên suốt, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân để ngày càng đi vào cuộc sống…

HUỲNH THỦY

Chia sẻ