| 02-07-2019 | 09:00:10

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong tình hình mới

Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những bức xúc của người lao động (NLĐ), các cấp công đoàn tỉnh đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp (DN) bằng hình thức đối thoại, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), ký kết TƯLĐTT nhóm…


DN và công đoàn cơ sở các DN chế biến gỗ thuộc Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương ký kết TƯLĐTT nhóm

Đối thoại để hiểu nhau hơn

Để có mối quan hệ lao động hài hòa trong DN, mang lại lợi ích cho các bên, một trong những biện pháp là cần tăng cường đối thoại. Với ý nghĩa đó, những năm qua, công đoàn các cấp cũng phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại giữa công đoàn - người sử dụng lao động - NLĐ để nắm diễn biến tình hình, tư tưởng, giải quyết những kiến nghị và các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ. Nhiều DN thực hiện thường xuyên và thực chất việc đối thoại với những hình thức phong phú, đa dạng. Tại đây, những vấn đề NLĐ quan tâm được đề cập đầy đủ, công khai biện pháp giải quyết.

Điển hình như Công ty TNHH TM-SX Sao Nam (TX. Tân Uyên), sau khi đối thoại đã đi đến thống nhất cải thiện chất lượng bữa ăn cho NLĐ. Theo đó, DN tự tổ chức nấu ăn và tăng tiền ăn từ 20.000 đồng/ người/suất lên 24.000 đồng/ người/suất. Từ đó nhằm cải thiện khẩu phần ăn, bảo đảm dinh dưỡng phong phú và thay đổi đa dạng thức ăn hàng ngày cho NLĐ có sức khỏe tốt để lao động, sản xuất.

Đối với Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc (TX.Tân Uyên), đối thoại đã giúp Ban Giám đốc hiểu những khó khăn của NLĐ để thay đổi chính sách, quan tâm hơn đến họ... Bà Vũ Thị Hạnh Giang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc khẳng định, đối thoại là kênh thông tin 2 chiều, tạo môi trường lao động hài hòa, giúp quan hệ giữa DN và NLĐ gắn bó hơn. Thông qua đối thoại, nhiều ý kiến của NLĐ được DN thực hiện.

Ký kết thỏa ước lao động tập thể

Bên cạnh các DN thực hiện tốt công tác đối thoại tại nơi làm việc, vẫn còn không ít DN chưa làm hoặc có tổ chức đối thoại nhưng hời hợt, không thực chất, nội dung và chất lượng chưa bảo đảm. Do đó, theo bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, với quyết tâm khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo để công tác đối thoại ngày càng hiệu quả, góp phần xây dựng quan hệ lao động trong các DN hài hòa, ổn định, tiến bộ.

LĐLĐ tỉnh khuyến khích DN, công đoàn cơ sở nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Mục tiêu nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN; nâng cao trách nhiệm của mỗi bên trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN phát triển bền vững, chăm lo và bảo vệ quyền lợi của NLĐ được bảo đảm tốt hơn. Một trong những mục tiêu của TƯLĐTT là hạn chế tình trạng biến động lao động, tranh chấp lao động tập thể và đình công.

LĐLĐ cũng hướng đến việc ký kết TƯLĐTT nhóm DN. TƯLĐTT nhóm đang là xu thế chung trong quan hệ lao động, đang được Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị, địa phương cả nước triển khai thực hiện. Mới đây, LĐLĐ tỉnh tổ chức lễ ký kết TƯLĐTT nhóm của 16 DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ thuộc Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa). Đây là bản TƯLĐTT nhóm đầu tiên ở tỉnh.

“Bình Dương có nhiều DN chế biến gỗ nhưng các DN này hoạt động rời rạc thiếu sự kết nối với nhau. Bởi vậy, những DN cùng “chung sân” cần ký với nhau TƯLĐTT để liên kết lại. TƯLĐTT nhóm là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, giúp cho các DN cùng nhóm ngành nghề liên kết chặt chẽ trong việc chăm lo đời sống NLĐ. Qua đó, tạo mặt sàn ưu đãi chung, góp phần hạn chế dịch chuyển lao động, khuyến khích lao động nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, gắn bó với DN. Ký kết TƯLĐTT từng DN đã khó, ký kết TƯLĐTT nhóm càng khó hơn. Để thực hiện ký kết thành công, LĐLĐ tỉnh đã thực hiện qua nhiều bước. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu ký kết TƯLĐTT nhóm ở các ngành nghề khác”.

(Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh)

THIÊN LÝ

Chia sẻ