| 09-06-2023 | 08:45:05

Xây dựng vùng trồng bền vững, an toàn với môi trường

Thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương theo Quyết định 3265 của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa, từng bước ổn định đời sống người dân, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

 Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh lấy mẫu đất tại vườn bưởi ở xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên để đánh giá điều kiện chứng nhận VietGAP

 Xây dựng thương hiệu sản phẩm

Với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị vùng nam Bình Dương, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng các địa phương triển khai thực hiện Dự án “Phát triển vùng cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng phía nam tỉnh Bình Dương” ngay khi UBND tỉnh phê duyệt dự án. Dự án tập trung thực hiện trên địa bàn các xã, phường ven sông Sài Gòn thuộc TP.Thuận An và xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên.

Mục tiêu của dự án là xây dựng các mô hình du lịch sinh thái vườn cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái, nhằm tăng thu nhập cho nhà vườn và quảng bá du lịch sinh thái vùng phía nam tỉnh. Dự án được triển khai với các nội dung chính, như: Xây dựng 2 mô hình du lịch sinh thái vườn cây ăn trái đặc sản ở TP.Thuận An (4 điểm) và xã Bạch Đằng (3 điểm). Đây là những mô hình áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn cây đặc sản bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11892-1:2017 (VietGAP trồng trọt). Mô hình còn là điểm đến cho du khách trong và ngoài tỉnh, tăng thu nhập cho các hộ tham gia dự án, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, hình thành hệ thống du lịch sinh thái vườn…

Loại hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Thông qua đó, người nông dân có thể quảng bá các sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững hơn.

Bà Lưu Đình Lệ Thúy, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết đã tổ chức 2 lớp tập huấn về áp dụng quy trình thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ năng và giải pháp tổ chức xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái vườn cho cán bộ quản lý nông nghiệp và các nhà vườn sản xuất cây ăn trái các xã, phường với 80 người tham dự. Qua lớp tập huấn, học viên đã được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về đón tiếp, giới thiệu và phục vụ khách tham quan vườn cây ăn trái đặc sản, các kiến thức về bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, hướng dẫn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, có 20 hộ nông dân tham gia dự án được cấp giấy chứng nhận VietGAP, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, 10 hộ trồng bưởi trên địa bàn xã Bạch Đằng và 10 hộ trồng măng cụt ở địa bàn TP.Thuận An. Đây cũng là điều kiện tốt để khẳng định chất lượng của sản phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng và thị trường tiêu thụ ổn định. Sản phẩm của các hộ tham gia dự án được hỗ trợ bao bì, tem nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc.

Chú trọng phát triển vùng sản xuất tập trung

Cũng theo bà Lưu Đình Lệ Thúy, nhờ thông qua thực hiện các nội dung của dự án đã góp phần thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người dân sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn (VietGAP). Song song đó, góp phần gìn giữ và phát triển các vườn cây ăn trái đặc sản của tỉnh, tạo cảnh quan môi trường sinh thái xanh, khai thác có hiệu quả các lợi thế từ các vườn cây ăn trái đặc sản ven sông.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư để phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, từng bước góp phần hình thành vùng phát triển du lịch sinh thái vườn và các hộ có đủ điều kiện sẽ phát triển đa dạng các loại hình du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm trái cây đặc sản, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Cùng với đó, ngành tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến cáo, tư vấn, hướng dẫn sản xuất theo hướng hữu cơ, dần hình thành vùng trồng cây ăn trái có múi hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xây dựng được vùng trồng cây có múi phát triển bền vững, an toàn với môi trường.

Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường thúc đẩy việc sản xuất cây ăn trái đặc sản theo chuỗi có sự gắn kết từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ sản xuất cây ăn trái có múi nhằm thu hút những nông dân cùng sinh hoạt theo các chuyên đề, đặc biệt là các hợp tác xã kiểu mới với vai trò liên kết sản xuất bảo đảm truy nguyên nguồn gốc, kết nối các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu cho sản phẩm trái cây đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển, các chính sách khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết - tiêu thụ sản phẩm. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp cận được các chính sách hỗ trợ một cách tốt nhất.

 Nhằm bảo tồn, phát triển và khai thác có hiệu quả các lợi thế từ các vườn cây ăn trái đặc sản ven sông, bảo vệ môi trường, kết hợp khai thác các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống, thời gian tới chi cục tiếp tục xác định tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Đẩy mạnh chỉ đạo, tổ chức sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn, chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn; theo dõi, đánh giá, lựa chọn các loại cây ăn trái phù hợp, hiệu quả cho từng vùng. Đặc biệt, ngành nông nghiệp ưu tiên phát triển các loại, giống cây đặc sản, có nhãn hiệu, có lợi thế cạnh tranh thị trường.

 THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC

Chia sẻ