Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
LTS: Hòa trong khí thế tưng bừng hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015) và thời điểm cả nước cũng đang rộn ràng chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Báo Bình Dương xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt ký sự về chân dung các đảng viên cựu tù chính trị tham gia hoạt động cách mạng, xây dựng và phát triển các tổ chức Đảng trong nhà tù như là một thông điệp khẳng định sức mạnh chiến đấu vô song, tinh thần và lý tưởng cao cả của những người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngục tù có thể giam giữ được thân thể nhưng không thể giam giữ được khối óc và lý tưởng của những chiến sĩ cách mạng. Những thủ đoạn tàn độc của kẻ thù cũng không thể khuất phục được những con người kiên trung. Trong những “địa ngục trần gian”, vượt lên đau thương, những người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn âm thầm xây dựng, vun đắp lý tưởng cách mạng.
Kỳ 1: Gặp lại Sáu Bằng
“Đó là những năm tháng tôi không bao giờ quên. Chính những năm tháng đó đã làm tôi trưởng thành hơn về nhiều mặt. Sự hiện diện, lãnh đạo đấu tranh của các tổ chức cơ sở Đảng ngay trong nhà tù chính là yếu tố quyết định để người tù cách mạng có sức mạnh đấu tranh với kẻ địch, truyền niềm tin tất thắng đến những chiến sĩ bị tù đày, kiên định đến ngày toàn thắng trở về…”, ông Võ Văn Bằng (Sáu Bằng) ở phường Phú Cường (TP. Thủ Dầu Một) chia sẻ với chúng tôi khi nói về những tháng ngày tham gia đấu tranh, xây dựng tổ chức Đảng suốt từ năm 1969 đến 1973 tại nhà tù Phú Quốc.
Ông Võ Văn Bằng bên bàn thờ Bác Hồ tại nhà Ảnh: CAO SƠN
“Cánh chim báo tin vui”
Khi được chúng tôi đề nghị tìm hiểu để viết về quá trình đấu tranh hoạt động của ông và những người đảng viên khi ở trong tù, ông Sáu Bằng đã vui vẻ nhận lời. Trong không gian của phòng khách ngôi nhà chứa đầy những kỷ vật về quá trình công tác, chiến đấu, những tấm bằng khen ghi nhận những đóng góp của ông với cách mạng, cùng với làn hương nhè nhẹ tỏa ra từ bàn thờ người anh trai là liệt sĩ, người chiến sĩ cách mạng 68 tuổi này bắt đầu dẫn dắt chúng tôi vào câu chuyện. Trái hẳn với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi khi cứ nghĩ là ông sẽ rất hùng hồn khi nói về chuyện đấu tranh trong ngục tù, ông lại bắt đầu câu chuyện theo một cách từ tốn, nhẹ nhàng. Ông kể, ông chính thức tham gia cách mạng từ năm 1963, làm du kích xã Hòa Lợi (Bến Cát) khi mới 16 tuổi. Lúc này, ông đã tham gia vào các trận chống càn và phá ấp chiến lược. Với sự trưởng thành nhanh chóng qua các trận đánh, đến năm 1965 ông được kết nạp Đảng và được cử giữ chức Phó trưởng Công an xã Hòa Lợi. Ông Sáu Bằng còn nhớ rõ trận đánh ngày 21-12- 1968, khi đang cố thủ dưới hầm, ông và 2 người với 3 quả lựu đạn, địch có đầy đủ lực lượng tăng thiết giáp. Vì thế, ông và đồng đội đành thúc thủ và bị bắt nhưng đã kịp gài lựu đạn cho 2 tên địch “đi đời” khi chúng mò xuống hầm. Bị bắt, ông bị di lý qua Khám đường Bình Dương, Khu tù binh Hố Nai, Biên Hòa rồi đến tháng 1-1969, ông bị đày ra đảo Phú Quốc.
Là đảng viên, ngay từ khi còn ở Khám đường Bình Dương, ông đã kết nối được với tổ chức cơ sở Đảng tại đây và rất vui mừng khi biết trong lao ngục, tổ chức cơ sở Đảng của ta vẫn có “đất dụng võ”. Sau thời gian tìm hiểu, ông đã kết nối sinh hoạt được tổ chức Đảng nơi mình đang bị giam giữ tại phân khu A5. Nhiệm vụ đầu tiên mà Đảng ủy tại đây giao cho ông là tìm cách nói chuyện, thông tin thời sự cho anh em bạn tù được biết. “Đây là việc làm rất ý nghĩa lúc này bởi anh em trong tù trông ngóng tin tức tại các chiến trường như “nắng hạn chờ mưa”; đồng thời nhằm phản bác lại những thông tin xuyên tạc, sai sự thật của địch”, ông Sáu Bằng nói.
Được chuẩn bị chu đáo, bí mật, an toàn, buổi nói chuyện này đã thu hút gần 200 cán bộ cốt cán tại Sài Gòn, Biên Hòa, Tây Ninh, Bình Dương tham dự. Bằng trí nhớ cực tốt cùng khả năng tổng hợp, truyền tải của mình, ông đã thông tin về tình hình diễn biến toàn bộ chiến trường miền Nam, những thất bại của Mỹ - ngụy. Trong gần 2 tiếng đồng hồ, buổi thông tin thời sự do ông diễn thuyết đã truyền đến niềm vui, niềm tin tưởng cho anh em bạn tù vào thắng lợi ngày mai của cách mạng. Nhớ về buổi thông tin thời sự đầu tiên ông bồi hồi: “Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh của buổi nói chuyện hôm đó. Anh em bạn tù đều chăm chú lắng nghe và rất phấn khởi về thành quả của cách mạng, đồng thời nhắn nhủ nhau cùng chịu đựng gian khổ, giữ vững ý chí cách mạng để đến ngày chiến thắng trở về…”.
Đến khoảng đầu năm 1970, ông lại bị chuyển ra Phân khu A7. Đây cũng là giai đoạn địch tăng cường tra tấn, moi móc để tiêu diệt cơ sở Đảng của ta. Được phân công giữ vai trò là Bí thư Chi bộ Phân khu A7, ông đã chỉ đạo cho các đồng chí trong chi bộ nắm sát tư tưởng anh em bạn tù; động viên anh em giữ vững lòng tin, khí tiết, không để bị lôi kéo, đầu hàng. Ông bảo, hoạt động của Chi bộ Phân khu A7 lúc này cũng phải bí mật hơn, các chỉ đạo thường được truyền đạt một cách nhanh gọn. Chủ trương đấu tranh của Chi bộ Phân khu A7 lúc này là khôn khéo, linh hoạt, bảo vệ được quyền lợi anh em và bảo toàn lực lượng. Chính vì vậy có rất ít trường hợp đầu hàng địch.
Biến nhà tù thành trường học cách mạng
Một trong những nghị quyết quan trọng mà Chi bộ Phân khu A7 đưa ra trong giai đoạn này là tổ chức cho anh em học văn hóa. Trong tù vốn thiếu thốn, khó khăn trăm bề, việc sinh hoạt đã khó, tổ chức cho anh em bạn tù học tập lại càng phức tạp hơn. Nhưng Chi ủy Phân khu A7 quyết tâm khắc phục khó khăn để thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này. Chỉ có một số ít tài liệu được tìm thấy khi chuyển đến khu giam do các anh em bạn tù trước cất giữ, chôn giấu. Còn lại, phần lớn tài liệu đều năm trong trí nhớ của những “giảng viên” tại đây. Nhớ về hoạt động này, ông cho biết: “Khi đó, trí nhớ tôi cực tốt, thuộc làu cả Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả cuốn lịch sử Đảng. Chính tôi cũng trực tiếp truyền đạt lại cho mọi người. Anh em được phân ra từng nhóm từ 2 - 3 người giả bộ là đang sinh hoạt nhưng thực chất là học văn hóa. Có như vậy mới qua mắt được bọn cảnh vệ. Người biết nhiều chữ thì dạy cho người biết ít hơn. Bảng thì được anh em lấy vải bọc lên một miếng tôn, sau đó phủ lên một lớp mỡ cá, cuối cùng là lấy một tấm nylon căng ngang. Khi viết, mội người dùng cây làm bút viết lên tấm nylon, lớp mỡ cá hằn xuống thành chữ, số, đầy thì lấy tay gạt đi viết tiếp. Khi có dấu hiệu bị theo dõi, chỉ cần lột tấm nylon là có thể dễ dàng phi tang. Cứ như thế, các kiến thức về lịch sử Đảng, lịch sử Cộng sản Quốc tế, lịch sử Việt Nam… được truyền đạt khá đầy đủ cho anh em”.
Nhớ về những tháng ngày đấu tranh, tham gia xây dựng Đảng nơi tù ngục, ông chia sẻ: “Đó là những năm tháng tôi không bao giờ quên. Chính những năm tháng đó đã làm cho tôi trưởng thành hơn về nhiều mặt. Sự hiện diện, lãnh đạo đấu tranh của các tổ chức cơ sở Đảng trong nhà tù chính là yếu tố quyết định để những người tù cách mạng có sức mạnh đấu tranh với kẻ địch, truyền niềm tin tất thắng đến những chiến sĩ bị tù đày, kiên định lý tưởng cho đến ngày toàn thắng trở về…”.
Kỳ 2: Quản gì phơi nắng, phơi sương
CAO SƠN