Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Vào mùa mưa thường xảy ra tai nạn rắn cắn. Ở Việt Nam nói chung và vùng miền Đông Nam bộ nói riêng các tai nạn rắn cắn thường xảy ra quanh năm nhưng đặc biệt vào những tháng mưa nhiều. Có hai nhóm rắn hay gặp ở Việt Nam là nhóm rắn hổ cắn gây nhiễm độc thần kinh và nhóm rắn lục cắn gây rối loạn đông máu.
Làm gì khi bị rắn cắn?
- Khi bị rắn cắn nạn nhân và người thân cần bình tĩnh không hốt hoảng, trấn an nạn nhân.
- Bất động chi bị cắn bằng nẹp gỗ, hay băng treo bằng băng vải, băng ép đủ chặt, chỉ nên băng ép bằng gạc tại vết thương, không băng ép toàn bộ chi bị rắn cắn.
- Tránh can thiệp vào vết cắn như: Chích, rạch, nặn máu, đắp lá... vì như thế sẽ làm vết thương nặng thêm nguy cơ nhiễm trùng, nọc độc sẽ phát tán nhiều hơn, tăng sự hấp thu của nọc độc, nguy cơ chảy máu trầm trọng hơn.
- Nên garo chi bị rắn cắn đúng cách, nếu không đúng nguy cơ hoại tử chi do bị garo quá chặt.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để điều trị.
Cách băng ép vết thương bị rắn cắn:
- Dùng băng rộng khoảng 10cm, nếu có thể dài ít nhất khoảng 4,5m. Nếu không sử dụng băng chun giãn, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Không cố cởi quần áo vì dễ làm chân, tay phải vận động, có thể băng đè lên quần áo.
- Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (đủ để mạch máu lưu thông). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn.
- Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng...) cố định chân, tay với nẹp.
- Duy trì băng ép bất động tới khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức hoặc huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu (bác sĩ là người quyết định tháo băng ép hay không).
Phòng ngừa rắn cắn:
- Giáo dục người dân để biết được tập quán sinh hoạt của rắn ở địa phương.
- Cảnh giác rắn vào mùa mưa lũ, mùa gặt, những nơi rắn có trú ẩn.
- Đi giày, ủng, mặc quần áo dài.
- Dùng đèn chiếu sáng khi đi trong đêm.
- Tránh ngủ trên nền nhà.
- Tránh cầm, bắt rắn bằng tay.
Hiện nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương vừa được triển khai điều trị huyết thanh kháng nọc rắn lục tre cắn. Nếu người dân bị rắn cắn nói chung nên tới bệnh viện để được tư vấn và điều trị kịp thời.
BS. TRẦN XUÂN HIẾU (Khoa Cấp cứu - BVĐK tỉnh)