| 31-08-2023 | 07:59:26

Xuất khẩu vươn tới nấc thang giá trị cao

 Nhận thức sâu sắc về cơ hội và thách thức, trách nhiệm vươn lên phát triển ở một nấc thang giá trị cao hơn, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương nỗ lực để có được kết quả cao trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất siêu ấn tượng. Kết quả này đến từ năng suất lao động và cải tiến công nghệ, từ đó hàng hóa nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh.

 Bình Dương từng bước hiện đại hóa dịch vụ logictics để hạ thấp giá thành, nâng cao giá trị hàng hóa. Trong ảnh: Hàng hóa xuất nhập khẩu tập kết tại cảng Bình Dương

 Liên tục xuất siêu

Kết quả xuất siêu liên tục, luôn nằm trong top 5 của cả nước về xuất khẩu thời gian qua là minh chứng sinh động về khát vọng nâng tầm giá trị Bình Dương trên đường đi tới. Đây cũng là thực tiễn thành công trong xây dựng những giá trị cốt lõi trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế của Bình Dương. Bằng sự năng động, biết nghĩ, dám làm, sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã mở đường cho hàng hóa của Bình Dương vươn cao, vươn xa.

Bằng chứng rõ nét nhất, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Bình Dương đạt 61,5 tỷ đô la Mỹ, trong đó xuất siêu đạt trên 9,2 tỷ đô la Mỹ, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ lệ lớn nhất. Đây là mức xuất siêu cao nhất những năm gần đây của Bình Dương. Kết quả tích cực này được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là tổng hòa của 3 yếu tố: Sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết, cùng với sự hỗ trợ linh hoạt của chính quyền địa phương. Trong đó, nhận định thời thế để có biện pháp ứng phó kịp thời chính là mấu chốt giúp Bình Dương duy trì và phát triển trong khó khăn, thách thức.

Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh, cho biết doanh nghiệp kho vận hàng xuất nhập khẩu tại Bình Dương vẫn tăng trưởng 5% trong năm 2022. Trước đó, khi có dấu hiệu khó khăn, doanh nghiệp đã nhanh chóng đầu tư máy móc công nghệ, tạo thuận lợi cho quá trình xuất nhập khẩu, đồng thời cùng các hiệp hội ngành hàng gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo tỉnh để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Ông Masaya Nakagawa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ắc quy GS Việt Nam (VSIP I), khẳng định: “25 năm có mặt tại Bình Dương chúng tôi cảm thấy hài lòng, cũng như thuận lợi nhận thấy được là sự hỗ trợ hết mình của lãnh đạo chính quyền các cấp cho công việc kinh doanh của chúng tôi. Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển thị trường rất lớn, do nhu cầu sử dụng ắc quy cho phương tiện đi lại ngày càng tăng cao”. Ông Masaya Nakagawa cho biêt thêm, đội ngũ nhân viên người Việt Nam có kỹ năng làm việc rất tốt, đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của công ty. Công ty đã không ngừng tăng dần tỷ lệ nội địa hóa. Từ năm 2008, GS Việt Nam đã có chính sách phát triển, đào tạo các nhà cung cấp nguyên phụ liệu trong nước nhằm bảo đảm nguồn cung với chất lượng ổn định, giá thành hợp lý nhất.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm, động lực liên kết vùng và liên vùng, tiếp tục là hình mẫu địa phương tiên phong trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Cùng với đó Bình Dương cố gắng nâng tầm giá trị hàng hóa trên cơ sở vận dụng linh hoạt sáng tạo các chủ trương, chính sách, lĩnh hội và ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại, tìm kiếm sự cộng hưởng và đồng hành từ các tỉnh, thành bạn, các quốc gia và vùng lãnh thổ để tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.

 Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Singapore tại Bình Dương vừa thành lập sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái sản xuất công nghiệp, trong việc đào tạo lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai và thúc đẩy chuyển đổi, nâng cấp liên tục của doanh nghiệp sản xuất với các hoạt động toàn diện: Giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển, giới thiệu công nghệ, đánh giá mức độ sẵn sàng và tư vấn để hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ 4.0 phù hợp giúp cải thiện năng suất và quy trình quản lý kinh doanh của doanh nghiệp.

Cơ cấu hàng hóa tiếp tục cải thiện

Năm 2023 tiếp tục là một năm đầy thử thách, song với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu của Bình Dương tiếp tục giữ ổn định. Theo đó, trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7-2023 ước đạt hơn 3,12 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,6% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong 7 tháng đầu năm 2023, Bình Dương xuất siêu 5,2 tỷ đô la Mỹ… Những con số này cho thấy rất nhiều điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của Bình Dương dù thị trường vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, đặc biệt là bức tranh lạm phát khiến tổng cầu giảm sút.

Đáng chú ý, các ngành hàng chủ lực của Bình Dương tiếp tục khẳng định vai trò, đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực. Dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7-2023 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ. Điểm nhấn là hàm lượng xuất khẩu thô đã giảm dần đồng thời tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Bình Dương tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu thể hiện sự nỗ lực của Bình Dương trong vận dụng chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ, các bộ, ngành, đồng thời thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó là sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu, nắm bắt cơ hội phục hồi và khan hiếm hàng hóa từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết kết quả xuất siêu của Bình Dương có sự đóng góp không nhỏ của các FTA. Việc hàng hóa của địa phương tìm được chỗ đứng trên thị trường thế giới đã cho thấy năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, sự đóng góp tích cực của các ngành hàng chủ lực cũng là tiền đề để ngành công thương và các doanh nghiệp nỗ lực đạt được kết quả cao nhất trong năm 2023.

Để tiếp tục đạt được nhiều kết quả cao và tích cực, ngành công thương đã tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ xuất nhập khẩu; tiếp tục phát huy vai trò kết nối với hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.

 Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: Sở Công thương chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững…; đồng thời phát huy hơn nữa hiệu quả của kênh thương mại điện tử, nỗ lực cải cách hành chính, giảm chi phí logistics để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ông Majima Toshihiro, Tổng Giám đốc Công ty Takako Việt Nam (VSIP I): Hiện công suất nhà máy đạt 100% so với bình thường, tuy nhiên rất nhiều thử thách đang ở phía trước. Khi đơn hàng mới về là đòi hỏi rất lớn về công suất, hiệu quả công việc mà doanh nghiệp phải đối mặt. Tuy vậy, chúng tôi xác định phải vượt qua, không phải cứ có lãi mới làm, phải chia sẻ để cùng nhau vượt khó. Bình Dương là nơi đầu tư tốt nên chúng tôi hoạt động mang tính bền vững.

 TIỂU MY

Chia sẻ