Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Với chủ đề “Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam”, hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9-2024 khuyến nghị doanh nghiệp (DN) cần thích ứng với những quy định mới của các thị trường xuất khẩu.
Thay đổi ở nhiều thị trường
Trao đổi với P.V, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong bối cảnh nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước, khu vực có hiệu lực, Việt Nam đang trở thành một nền kinh tế có độ mở cao và ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế. Nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của Bình Dương đang có những bước phát triển vượt bậc, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh liên tục tăng trưởng mạnh thời gian gần đây.
Thương vụ thị trường Châu Á, Châu Phi chia sẻ thông tin với các DN Bình Dương
“Chiến lược của mỗi DN thường có sự khác biệt đáng kể, phụ thuộc vào mục tiêu sản xuất, kinh doanh tổng thể, thị trường xuất khẩu trọng tâm và tài nguyên sẵn có. Tuy nhiên, một điểm chung là tất cả DN đều cần thực hiện các hành động chủ động nhằm từng bước xanh hóa quy trình sản xuất. Điều này bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau như năng lượng, nguyên phụ liệu, quy trình sản xuất, quy trình đóng gói, và các quy định về môi trường…”, bà Duyên nói.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may tỉnh cho biết, chuyển đổi xanh không chỉ là một yêu cầu bắt buộc mà còn là điều kiện tiên quyết để DN duy trì và mở rộng thị trường trong tương lai. Bằng việc áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến và phương pháp quản lý hiệu quả, DN không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
“Hiện nay, nhu cầu xanh của người tiêu dùng là xu hướng tất yếu đối với các DN ngành dệt may. Cụ thể, nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu về các sản phẩm bền vững đã trở thành một thực tế không thể phủ nhận. Thêm vào đó, tại các thị trường xuất khẩu lớn khác như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, xu hướng tiêu dùng xanh trong ngành thời trang cũng đang ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy, dệt may là một trong những ngành công nghiệp chịu áp lực chuyển đổi xanh lớn nhất hiện nay. Bên cạnh những khuyến nghị chung về cách ứng phó với các chính sách và pháp luật xanh của EU, các DN dệt may xuất khẩu cần xây dựng một chiến lược chuyển đổi xanh cụ thể ngay từ bây giờ để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, đặc biệt là từ phía người tiêu dùng và khách hàng”, bà Phan Lê Diễm Trang khuyến cáo.
Đối với phần lớn các DN dệt may tham gia vào hoạt động gia công xuất khẩu, việc chuyển đổi quy trình sản xuất nhằm giảm phát thải và hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời sản xuất các sản phẩm xanh trở thành yếu tố then chốt trong việc cạnh tranh và thu hút đơn hàng. Sự gia tăng nhận thức của thị trường về vấn đề bền vững đã khiến các khách hàng ngày càng ưu tiên lựa chọn nhà cung cấp có cam kết bảo vệ môi trường.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương
Tại Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương, về năng lượng, DN này nên chuyển dần sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái. Việc này không chỉ giúp giảm lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất mà còn góp phần làm giảm chi phí năng lượng về lâu dài. Trong lĩnh vực nguyên phụ liệu, DN phát triển các nguồn nguyên liệu xanh như nguyên liệu từ thực vật tự nhiên hoặc từ xơ sợi tái chế. Điều này không chỉ giúp nâng cao tỷ trọng nguyên liệu xanh trong sản xuất mà còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm bền vững.
“Đối với quy trình sản xuất, DN chuyển đổi công nghệ nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguyên vật liệu, tiết kiệm nước và hạn chế hóa chất độc hại, từ đó giảm thiểu rác thải và nước thải. Việc nâng cấp công nghệ xử lý giúp đạt được hiệu quả xử lý cao hơn, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”, bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, Trưởng phòng Hành chính Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương cho biết.
Bám sát thương vụ
Trao đổi với P.V, bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay cơ quan điều tra nước ngoài ngày càng đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với Chính phủ, DN bị điều tra (thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...). Phạm vi điều tra ngày càng mở rộng, bao gồm cả các nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Do một số nước như Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá.
DN Bình Dương trình bày ý kiến về thông tin thị trường xuất khẩu tại cuộc gặp gỡ thương vụ tháng 9-2024
“Các DN phải bám sát thông tin Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt thông tin các giai đoạn, diễn biến, kết quả của vụ việc và kịp thời thông báo về nhà. Trong nhiều vụ việc, ngay khi nhận được thông tin về việc cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ hợp lệ từ phía các DN trong nước, Thương vụ Việt Nam đã gửi thông tin cho Chính phủ Việt Nam, thông báo về khả năng nước bạn sẽ tiến hành điều tra đối với mặt hàng này. Nhờ cảnh báo sớm từ Thương vụ, Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các DN có liên quan tới vụ việc đã chuẩn bị tinh thần và có thêm thời gian lên phương án kháng kiện khi vụ việc xảy ra. Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài còn thay mặt Bộ Công Thương trao đổi, trình bày lập luận, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về kết luận của cơ quan điều tra”, bà Linh khuyến cáo.
Bà Trương Thuỳ Linh nhấn mạnh: “Trước viễn cảnh các vụ kiện trong lĩnh vực phòng vệ thương mại sẽ ngày càng nhiều trong thời gian tới, các DN mong muốn Thương vụ Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đồng hành cung cấp thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu, hỗ trợ trình bày ý kiến, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về quan điểm, kết luận của cơ quan điều tra…". |
Tiểu My - Cẩm Tú