Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nhà trường vốn dĩ là nơi chắp cánh ước mơ, là mái nhà thứ hai nuôi dưỡng tâm hồn học sinh (HS). Thế nhưng, trong thời gian gần đây, bóng đen bạo lực học đường (BLHĐ), gây ra nỗi ám ảnh và những tổn thương dai dẳng cho những tâm hồn non nớt. BLHĐ là vấn nạn vẫn đang âm ỉ len lỏi, trở thành nỗi nhức nhối trong môi trường học đường.
Những năm qua, nhận thức được vấn đề BLHĐ, các trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động phong phú nhằm hạn chế BLHĐ. Trong ảnh: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP.Thuận An phối hợp với trường Đại học Bình Dương tổ chức phiên tòa giả định về các vụ án BLHĐ
Ngày càng biến tướng
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video clip ghi lại cảnh một em HS bị đánh ngay trước cổng trường học, có nhiều em HS đứng xem nhưng không ai dám vào can ngăn. Trong video clip này, em HS ngã xuống đất bị một cô gái dùng nón bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu. Không chỉ vậy, người này còn dùng chân đạp vào bụng và người nữ sinh.
Video clip lan truyền trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh người bị đánh là HS của trường THCS Bình Chuẩn (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An) và nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân trên mạng xã hội. Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã phối hợp với Công an phường Bình Chuẩn để làm rõ vụ việc.
Đây chỉ là một trong số những vụ BLHĐ được ghi nhận trong thời gian gần đây với sự vào cuộc chính thức của cơ quan chức năng. Nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế số vụ BLHĐ còn nhiều hơn nhưng vẫn bị bỏ qua do chưa gây ra các hậu quả nghiêm trọng hoặc chưa lan truyền thông tin trên mạng xã hội. BLHĐ đang diễn biến phức tạp với nhiều hình thức đa dạng, không chỉ giới hạn trong những trận đòn roi mà còn thể hiện qua nhiều hình thức tinh vi, nguy hiểm khác, như: Bạo lực tinh thần, bạo lực mạng, tẩy chay, cô lập, quay clip đánh hội đồng rồi chia sẻ trên mạng xã hội… và nạn nhân của BLHĐ có thể là bất kỳ ai.
Thực tế cho thấy đã có nhiều vụ việc xảy ra trong môi trường học đường, là HS dùng bạo lực với HS, ngay cả giáo viên cũng dùng bạo lực với HS và HS bạo lực với giáo viên…, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn BLHĐ. Nhìn lại những vụ BLHĐ đã xảy ra cho thấy, căn nguyên bắt nguồn từ những mâu thuẫn không đáng có. Với HS là nói xấu nhau, xích mích với nhau..., còn giáo viên vì không đồng tình với HS về một vấn đề gì đó nên đã thiếu sự kiểm soát hành vi... BLHĐ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề cho cả nạn nhân và người thực hiện hành vi BLHĐ. Mặt khác, vấn nạn này còn ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, gây ra sự lo lắng, hoang mang cho phụ huynh và HS, đồng thời làm giảm niềm tin vào môi trường học tập an toàn.
Cần nghiêm trị
Trước thực trạng BLHĐ có xu hướng gia tăng và biến tướng theo nhiều hình thức, những năm qua, công tác phòng, chống BLHĐ được ngành giáo dục và đào tạo xem là nhiệm vụ cấp bách. Nhận thức được vấn đề này, các trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động phong phú như tổ chức các hoạt động tập thể vui chơi lành mạnh, tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống cho HS.
Tổ tư vấn tâm lý học đường của trường Tiểu học Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một góp phần định hướng, giúp học sinh phát triển theo hướng tích cực
Cách đây 2 năm, tổ tư vấn tâm lý học đường của trường Tiểu học Hòa Phú (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một) đi vào hoạt động. Cô Lê Thị Thu Hằng, Tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý học đường nhà trường, cho biết công tác tư vấn tâm lý giúp HS, giáo viên và nhân viên nhà trường có thể nhận ra các hành vi bạo lực và học cách giải quyết các mâu thuẫn một cách hiệu quả từ gốc rễ vấn đề. Qua đó, trường sẽ chấn chỉnh, định hướng, giúp HS phát triển theo hướng tích cực.
Thực tế cũng cho thấy, dù đã có rất nhiều nỗ lực, giải pháp nhưng tình trạng BLHĐ vẫn có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào. Để đẩy lùi BLHĐ cần sự chung tay góp sức của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Gia đình cần quan tâm, giáo dục con cái về đạo đức, lối sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn một cách đúng đắn. Nhà trường cần tăng cường công tác giáo dục đạo đức, pháp luật cho HS, xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi BLHĐ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn nạn này. Đối với những vụ BLHĐ thể hiện tính côn đồ, hung hãn và để lại hậu quả nặng nề, cần có biện pháp giáo dục mạnh hơn nữa mới đủ sức răn đe, để những sự việc đau lòng như vậy không tái diễn.
BLHĐ là vấn đề cần được quan tâm và giải quyết một cách toàn diện. Chúng ta cần chung tay xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Một cái đấm, một cái tát hay những lời mỉa mai chửi rủa, tất cả đều là những hành vi bạo lực có thể gây ra hậu quả nặng nề về cả thể chất và tâm lý của nạn nhân. Thay vì để những sự việc rắc rối xảy ra rồi mới giải quyết, ngay từ sớm chúng ta cần vun đắp cho tâm hồn con trẻ về cách đối nhân xử thế với mọi người xung quanh.
HỒNG PHƯƠNG