| 14-03-2014 | 00:00:00

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể

Thực hiện xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thời gian qua trên địa bàn tỉnh, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể (VHPVT) được quan tâm đẩy mạnh. Không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, việc khôi phục, phát huy giá trị VHPVT còn phục vụ thiết thực xây dựng đời sống văn hóa.  

Lễ cúng đình là một di sản VHPVT cần được bảo tồn, phát triển. Trong ảnh: Nghi thức trống, phèng la... tại lễ cúng đình Tân Trạch (Bạch Đằng, Tân Uyên)

Bình Dương - địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và chứa đựng đa dạng, phong phú các loại hình di sản VHPVT. Tập trung nhiều nhất ở nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và lễ hội truyền thống, làng nghề. Cụ thể, đờn ca tài tử (ĐCTT) Bình Dương cùng các tỉnh phía Nam góp phần được UNESCO công nhận làDi sản văn hóa đại diện của nhân loại. Theo thống kê, Bình Dương có gần 60 CLB, đội, nhóm ĐCTT, chủ yếu ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An, TX.Thuận An, huyện Tân Uyên. Từ những sân chơi nhỏ, nhiều “nghệ sĩ” không chuyên đã được trau dồi kỹ năng trở thành những nghệ nhân đem nghệ thuật tài tử “bay cao, bay xa” đến với công chúng. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Lộc, cho biết: Hiện sở đang triển khai các chương trình, đề án nhằm tuyên truyền, quảng bá ĐCTT trên các kênh thông tin đại chúng để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng thưởng thức. Để mọi người hiểu sâu hơn về ĐCTT, sở sẽ phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ; mở lớp dạy đờn, dạy ca bài bản; thường xuyên tổ chức liên hoan, giao lưu...  

ĐCTT gắn bó với người dân Bình Dương từ bao đời và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Trong ảnh: CLB ĐCTT huyện Bến Cát đang tập dượt chuẩn bị biểu diễn

Trải qua hơn 300 năm, múa bóng rỗi đã trở thành một nét văn hóa trong đời sống văn hóa tinh thần của người Bình Dương nói riêng, người dân Nam bộ nói chung. Nguồn gốc xuất xứ không phải ở Bình Dương nhưng múa bóng rỗi được người dân nơi đây tiếp nhận và lưu giữ. Đây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, xuất hiện trong những dịp cúng miễu, đình ở các tỉnh Nam bộ. Múa bóng rỗi gồm hai phần: Hát rỗi và múa bóng. Hát rỗi là sự kết hợp của các điệu hát lý, hát thờ, lối hát rỗi cùng những câu hát, câu văn đầy ý nghĩa của các tuồng tích. Hát rỗi có nhiều phần, gồm: Rỗi vào đám, rỗi mời Bà (mời các Nữ thần như Ngũ Hành nương nương, Bà Chúa Xứ, Cửu Thiên Huyền Nữ…), rỗi mời Ông (Quan Công), rỗi mời chiến sĩ trận vong, rỗi mời Tiên (Bát Tiên), rỗi an vị. Trong nghệ thuật múa bóng có múa dâng bông, múa dâng lộc, múa mâm vàng... “Nội dung các bài múa mang đậm chất nhân văn, giáo dục con người lòng biết ơn, hướng tới tổ tiên, cội nguồn. Bên cạnh giá trị tâm linh, múa bóng rỗi có giá trị giải “cơn khát” tinh thần của đông đảo nhân dân lao động”, ông Từ đình Tân An (TP.Thủ Dầu Một) Trần Phát, nói.

Bình Dương vốn là vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa nước, mỗi lần xuống đồng mọi người “mượn” điệu hò, tiếng hát để vơi đi nỗi vất vả. Từ đó, hò cấy Bình Dương ngày càng ăn sâu, gắn bó với mỗi người dân Bình Dương xưa. Hò cấy - còn gọi là hò đối đáp, là một thể loại dân, gắn liền với nghề nông “chân lấm tay bùn”. Hò cấy thường diễn ra ngay trên đồng ruộng. Các nhóm hò, có kẻ xướng người xô. Tác giả của những điệu hò chính là người dân thuộc nhiều thế hệ ở địa phương. Tất cả bài bản hò cấy đều làm theo thể lục bát hoặc biến thể lục bát. Nội dung phong phú, đa dạng, phần lớn là các câu hò giao duyên tình cảm, ca ngợi luân thường đạo lý, nặng tính giáo dục. Nhiều bài còn có nội dung chê bai đả kích kẻ bất trung, gian nịnh. Những điệu hò được lưu truyền bằng con đường truyền miệng, không được ghi chép cụ thể. Một cuộc hò cấy thường trải qua ba chặng: Hò thăm hỏi (giai đoạn làm quen, tìm hiểu đối phương, rào đón và dò dẫm tình ý, tài nghệ); hò đối đáp (bên trai đố thì bên gái giải, bên gái gài thì bên trai gỡ); hò giã từ, hò tiễn bạn (đôi bên giã từ nhau qua những câu hò nặng tình lưu luyến, cảm phục, thương nhớ). Hiện nay, với lối sống hiện đại, những điệu hò cấy cũng mất dần. Để giải được “bài toán” bảo tồn, ông Phạm Ngọc Phú, cựu cán bộ văn hóa, Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao TX.Dĩ An, bộc bạch: Muốn khôi phục lại điệu hò cấy, các cán bộ VH-TT xã, phường cần đi sâu, đi sát tìm kiếm những người còn lưu giữ lại điệu hò. Bên cạnh đó, cần tổ chức các CLB, đội, nhóm cho các cụ cao niên đam mê hò cấy họp mặt, ghi chép lại những câu hò để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ. Đồng thời, mở lớp dạy, thường xuyên tổ chức biểu diễn, giao lưu nhằm giới thiệu hò cấy đến với mọi người. Tuy nhiên, dựng được nguyên bản nếp sinh hoạt xưa kia không phải dễ. Nếu sân khấu hóa được “cánh đồng” khi biểu diễn sẽ tránh được sự nhàm chán cho người xem và người diễn.

Xác định rõ vai trò của VHPVT trong đời sống hiện đại, năm qua nhiều địa phương đã có các hoạt động khôi phục, gìn giữ và phát huy các giá trị VHPVT hiệu quả. Nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng đã góp phần tìm lại sự phong phú, hấp dẫn vốn có của các lễ hội. Ðiển hình lễ hội đình tại các địa phương cũng đã góp phần khôi phục giá trị văn hóa lễ hội đình làng. Cụ thể, TP.Thủ Dầu Một hàng năm đều có lễ cúng đình Phú Cường, đình Tân An…; Thuận An đình Phú Long; Dĩ An đình Dĩ An, Bình Đường, Tân Phước, Tân Bình… Điều đáng mừng, mới đây, tại lễ cúng đình, được sự quan tâm của chính quyền địa phương; sự phối hợp hỗ trợcủa các tổ chức, cá nhân; sự quyết tâm của người dân… nhiều đình đã trình diễn điệu múa bóng rỗi mang nét độc đáo.

Ngoài ra, các làng nghề truyền thống trong tỉnh cũng được xếp vào di sản VHPVT như: Sơn mài, gốm sứ, tráng bánh tráng, làm guốc gỗ, điêu khắc gỗ, đan lát, heo đất, thớt gỗ, chẻ tăm nhang… Những làng nghề trên đã góp phần giúp người dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Theo quy luật có suy có tàn, nhiều làng nghề đang dần mất đi chỗ đứng, thế nhưng những người đã từng “sống chung” với nghề vẫn một lòng quyết tâm lưu giữ. Bên cạnh đó, họ hy vọng tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợđể “cứu” nghề và trả lại thời hoàng kim cho làng nghề truyền thống.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đa dạng, phong phú di sản VHPVT. Công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị VHPVT là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước. Không chỉ có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội, hoạt động này còn góp phần bảo vệ di sản VHPVT của dân tộc; đồng thời khai thác và phát huy các giá trị phục vụ cho sự nghiệp xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, Bảo tàng tỉnh đã tích cực thống kê, lập danh sách, xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị văn hóa trên địa bàn, góp phần xây dựng, giữ gìn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, làm tiền đề cho phát triển xã hội bền vững.

Khái niệm di sản VHPVT của UNESCO: Di sản VHPVT được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng và các nhóm và trong một số trường hợp là cá nhân công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản VHPVT được cộng đồng, các nhóm không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.

THIÊN LÝ

Chia sẻ