Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Cho đến nay, chùa Hội Khánh vẫn còn lưu giữ được khá nhiều cổ vật có giá trị về lịch sử văn hóa, tôn giáo, mỹ thuật, kể cả nhiều tự khí mộc bản (khắc in), kinh sách, liễn đối, tài liệu, văn thơ, địa lý, y học cổ.
Chùa Hội Khánh là một ngôi chùa cổ ở TP.Thủ Dầu Một. Chùa khai sơn vào năm Tân Dậu (1741). Nguyên thủy, chùa được xây dựng trên đỉnh đồi thuộc ấp Bộng Dầu, dưới tàn cây cổ thụ xum xuê. Có lẽ đây là ngôi chùa nhỏ trên mảnh đất không rộng rãi lắm và cũng rất hẻo lánh, cách xa đô hội Cù lao Phố và xứ Gia Định nên ít được biết đến. Điều này đã giải thích vì sao chùa Hội Khánh không có tên trong mục tự quán của sách Gia Định thành thông chí cũng như Đại Nam nhất thống chí.
Một số tượng Thập Điện Diêm Vương
Bộ tượng Thập Điện Diêm Vương gồm 10 vị: Nhất điện: Tần Quảng Vương; Nhị điện: Sở Giang Vương; Tam điện: Tống Đế Vương; Tứ điện: Ngũ Quan Vương; Ngũ điện: Diêm La Thiên Tử; Lục điện: Biện Thành Vương; Thất điện: Thái Sơn Vương; Bát điện: Đô Thị Vương; Cửu điện: Bình Đẳng Vương; Thập điện: Chuyển Luân Vương.
Trải qua thời gian dài, chùa đã thực sự khẳng định tên tuổi của mình bằng những giá trị đặc sắc về mặt kiến trúc và lịch sử. Kiến trúc của chùa được xem là kiếc trúc gỗ lớn nhất tỉnh. Nhưng đặc biệt hơn hết là phải kể đến giá trị lịch sử to lớn của chùa trong những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Nét nổi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ cho đến nay. Chùa Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ Bình Dương: “Trong tỉnh có nhiều chùa cổ, đặc biệt ở đây là xứ sở của nghệ thuật, nên các chùa này đều xây dựng theo quy mô đẹp, trong chùa có nhiều tác phẩm trang trí, nhất là hệ thống tượng thờ đạt tiêu chuẩn, không nơi nào có được”.
Một số tượng Thập Bát La Hán
Bộ tượng Thập Bát La Hán, gồm 18 vị: 1. La Hán Ba Tiêu; 2. La Hán Bố Đại; 3. La Hán Cử Bát; 4. La Hán Hàng Long; 5. La Hán Khai Tâm; 6. La Hán Kháng Môn; 7. La Hán Khánh Hỷ; 8. La Hán Khoái Nhĩ; 9. La Hán Kỵ Tượng; 10. La Hán Phục Hổ; 11. La Hán Quá Giang; 12. La Hán Thác Tháp; 13. La Hán Thám Thủ; 14. La Hán Tiếu Sư; 15. La Hán Tĩnh Tọa; 16. La Hán Tọa Lộc; 17. La Hán Trầm Tư; 18. La Hán Trường Mi.
Trong chùa hiện còn lưu giữ gần 100 pho tượng, nhất là các pho tượng thờ ở chánh điện đều được tạc bằng gỗ mít và sơn son thếp vàng, nổi bật trên hết là 2 bộ tượng Thập Bát La Hán và Thập Điện Minh Vương được thờ ở hai bên chánh điện.
Ngôi chùa cổ Hội Khánh có kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật độc đáo được công nhận di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia
Hình tượng các vị La Hán là một trong những đề tài rất quan trọng trong nền mỹ thuật Phật giáo. Tướng mạo các vị được khắc họa rất khác thường, không ai giống ai. Mỗi vị được người thợ đất Thủ khắc họa đúng với tên gọi; được tạo tác với dáng tượng tròn, có kích thước cao trung bình từ 87 - 90cm, đường kính chân đế 36x36cm. Bài trí thờ tự đặt trên 4 bàn thờ được chạm trổ tinh vi đến từng đường nét chi tiết hoa văn nhỏ nhất (hoàn thành vào năm 1925). Mỗi pho tượng thể hiện dáng vẻ nét chạm khắc khác nhau về tư thế dáng ngồi và bộ dạng mỗi tượng, mỗi vị có cầm trên tay một vật bảo bối riêng như: Hồ lô, cuốn sách, vòng chuỗi hạc, kiếm, chập chõa, tháp, giỏ quà… làm toát lên vẻ đẹp rất duyên và rất Nam bộ Việt Nam. Với tay nghề tài hoa, người thợ đất Thủ đã xử lý một cách tài tình về thần thái của tượng, vẻ đẹp tươi vui, phóng khoáng, hoan hỉ, dí dỏm… làm cho bộ tượng vừa rất thật, rất gần gũi và cũng rất linh thiêng.
Bộ tượng Thập Điện Diêm Vương là 10 vị vua ở địa ngục có các trách nhiệm phán xét các loại tội ác khác nhau của con người.
Gồm 10 pho tượng với cách bài trí thờ tự giữa hai bên là các vị La Hán (mỗi bên 5 vị) có kích thước trung bình từ 89 - 90cm, đường kính đế 32x42cm, với dáng tượng ngồi, thân mặc áo có nhiều đường nét hoa văn và áo phủ kín xuống chân, đầu đội mão, râu dài và hai tay chắp trước ngực, chân đi hài, mỗi pho tượng đều toát lên vẻ riêng biệt, sự nghiêm nghị nhưng thần sắc thì rất tươi. Đặc biệt, mỗi một bàn thờ đặt 5 vị và dưới bệ thờ có hai tượng người hầu (hay còn gọi là phán quan) đứng đối diện nhau cung kính.
Hai nhóm tượng này ở chùa Hội Khánh với dáng vẻ nghiêm trang, thần thái uy nghi, trông rất thật, rất “người”. Với bố cục tương xứng, thân hình cân đối, gương mặt hoan hỉ, dí dỏm... hàm chứa sự bao dung, chia sẻ, cảm thông... làm cho người đối diện luôn cảm thấy thư thái, vui tươi, phấn chấn lạ thường.
Đặc biệt, hệ thống tượng thờ ở chùa Hội Khánh có niên đại khá chính xác, có nguồn gốc rõ ràng và gắn liền với lịch sử ngôi chùa. Là hiện vật quý hiếm của chùa và cũng như của tỉnh Bình Dương, do chính tay những người thợ, nghệ nhân đất Thủ - Bình Dương thực hiện. Đây là công trình mang dấu ấn những bàn tay tài hoa độc đáo của lớp thợ xứ Thủ (Thủ Dầu Một) cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong đó, phải kể đến các người thợ như: thợ Phèn, thợ Đường, Trương Văn Cang, Nguyện Văn Ba, Nguyễn Văn Xù, Sáu Nhồng… và một số nghệ nhân khác đã tạc tác nên những tác phẩm tuyệt đẹp để đời cho hậu thế chiêm bái, thưởng ngoạn và suy ngẫm.
Hai bộ tượng còn chứng minh trình độ và tay nghề của các nghệ nhân đã có truyền thống lâu đời, được con cháu tiếp nối những tinh hoa đó, đánh dấu một giai đoạn lịch sử - văn hóa của vùng đất Thủ Dầu Một trong quá trình mở cõi của lưu dân Việt.
Trải qua gần 2 thế kỷ thăng trầm, lịch sử đã để lại trên tượng nhiều dấu ấn thời gian. Một số tượng gỗ trong chùa bị nứt, hư hỏng, mục rỗng nhiều chỗ hoặc bị bong tróc các lớp sơn phết bên ngoài, ngay cả lớp mạ thếp vàng cũng bị rộp... nhưng nhìn chung, thân tượng gỗ thì vẫn bền chắc như thách thức với thời gian. Người thợ đất Thủ xưa đã đặc tả và gửi hồn trên những pho tượng gỗ, làm toát lên vẻ đẹp chân chất, giản dị và rất thần, mang đậm tính nhân văn Nam bộ.
Hai bộ tượng gỗ cùng với kiến trúc cổ xưa của chùa Hội Khánh là niềm tự hào lớn của người dân Thủ Dầu Một nói riêng và cư dân Bình Dương nói chung.
HIỀN LAN