| 05-10-2024 | 06:41:43

Cẩn trọng với “bác sĩ mạng”

Cuối tháng 9, một người đàn ông vì muốn chữa bệnh mà uống nước ion kiềm pha muối hàng chục ngày. Kết quả là nạn nhân bị suy kiệt cơ thể, rất may người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Thông tin ban đầu được biết cách để thanh lọc cơ thể của người đàn ông này là từ thầy lang và “bác sĩ mạng”.

Đã có nhiều khuyến cáo về việc người dân cần cẩn trọng trước những thông tin thiếu căn cứ, những sản phẩm không rõ nguồn gốc do các “bác sĩ mạng” đưa ra, tuy nhiên hiện nay nhiều người vẫn coi thông tin trên mạng là một nguồn tham khảo chính, từ đó dễ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Điểm chung của “bác sĩ mạng” là thường cập nhật đan xen video hướng dẫn người dân nhận biết những biểu hiện, triệu chứng hay khuyến cáo phòng bệnh và các nội dung quảng cáo, bán hàng. Với thủ đoạn này, người xem sẽ lầm tưởng rằng đây là lời tư vấn của bác sĩ đang công tác tại bệnh viện lớn, uy tín nên nghe và làm theo. Một vài thông tin đúng sẽ tạo được niềm tin cho người xem. Khi đã có niềm tin bởi những lời tư vấn “nhiệt tình”, “miễn phí”, người xem tương tác nhiều hơn và sử dụng các sản phẩm được “bác sĩ mạng” rao bán. Và người xem, người bệnh dần trở thành nạn nhân bị “bác sĩ mạng” lừa đảo, trục lợi.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng trước những thông tin do các “bác sĩ mạng” đưa ra. Mọi người phải biết chọn lọc thông tin trên mạng xã hội, nhất là các thông tin liên quan đến sức khỏe. Những thông tin thiếu căn cứ, những sản phẩm không rõ nguồn gốc do các “bác sĩ mạng” đưa ra luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân.

Khi có triệu chứng bất thường về sức khỏe, mỗi người cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Những thông tin trên mạng xã hội chỉ có thể mang tính chất tham khảo. Không có loại thuốc, đơn thuốc nào có thể phù hợp với tất cả bệnh nhân, bất kỳ thể trạng nào. Đặc biệt, không nên tin quảng cáo rao bán thuốc qua mạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi nghi ngờ bản thân có các dấu hiệu bệnh tật phải đến các cơ sở uy tín để được thăm khám, tránh việc quá tin tưởng vào các thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.

Khi phát hiện các địa điểm nghi ngờ hoạt động trái phép, người hành nghề không chứng chỉ hoặc quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội, người dân nên báo ngay đến “đường dây nóng” để các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt thông tin và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.

L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ