Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Là gián điệp của phe Đồng Minh, cũng là người tham gia vào việc bảo vệ tuyến đường sắt ngầm hộ tống người Do Thái gốc Ý trong Thế chiến II, Giuseppe Lella tự coi mình là kẻ hèn nhát cho đến khi một tác giả người Mỹ thuyết phục ông mạnh dạn chia sẻ đời mình.
Cuốn tiểu thuyết hé lộ sự thật
Chiến tranh đến với Giuseppe “Pino” Lella khi anh chăm chú theo dõi Fred Astaire khiêu vũ với Ginger Rogers. Đó là mùa hè năm 1943 và Lella khi đó mới tròn 17 tuổi, đang ngồi cạnh em trai Mimmo ở rạp chiếu bóng tại quê hương Milan, chăm chú dõi theo cặp đôi thần tượng điện ảnh xoay người điệu nghệ trên màn ảnh. Trong một khoảnh khắc ngắn, cuộc chiến nhấn chìm Châu Âu và nước Ý do Đức Quốc xã (ĐQX) chiếm đóng đã bị dập tắt bởi chủ nghĩa thoát ly thuần túy của Hollywood. Và rồi hiện thực sụp đổ. Đầu tiên, máy chiếu dừng lại một cách kỳ quặc trên khuôn mặt tươi cười của Rogers và Astaire. Một lát sau đó, tiếng còi báo động không kích vang lên bên ngoài rạp chiếu bóng và tiếng nổ của súng phòng không khiến khán giả la hét hoảng sợ từ các chỗ ngồi hòa vào khung cảnh hỗn độn bên ngoài.
Cựu điệp viên Pino Lella (bên phải). Ảnh nguồn: Elmundo.es.
Lella và em trai lao về lối thoát hiểm ở bên phải rạp khi oanh tạc cơ của quân Đồng Minh thả bom xuống phía sau rạp, xé toạc bức tường phía sau và chiếc màn hình lớn huyền diệu một thời, quăng những mảnh vỡ về phía đám đông đang nháo nhào chạy thoát thân, họ va đập vào má Lella và chảy máu. Khi ở tuổi 91 (bài viết này công bố vào ngày 31/3/2018) và cũng đang sống ở Milan, cụ Lella bồi hồi nhớ lại: “Chúng tôi thật là may mắn vì nằm trong số những người đầu tiên thoát ra an toàn. Rất nhiều người đã chết”.
Hai anh em Lella cuốc bộ về nhà ngay trong thành phố mất điện tối thui, ánh sáng duy nhất dẫn đường cho họ là từ ngọn lửa bùng cháy sau vụ tấn công. Họ an toàn về với vòng tay cha mẹ, nhưng đây không phải là lần đầu tiên Pino Lella thoát chết trong gang tấc. Hai năm tiếp sau đó, ông đã nhiều lần mạo hiểm sinh mạng mình để cứu vớt những người khác và xác định ý nghĩa để trở thành vị anh hùng.
Khi chiến tranh ở quê nhà ngày càng lan rộng, Pino Lella trở thành một phần của một tuyến đường sắt ngầm chuyên giúp đỡ đào tẩu cho các nạn nhân Do Thái thoát khỏi nước Ý thông qua rặng núi Alps Thụy Sỹ, và sau đó ông hoạt động gián điệp cho quân Đồng Minh trong lúc lái xe chở tướng Đức, Hans Leyers (Hans Leyers là một thiếu tướng quân đội Đức, người được giao nhiệm vụ cuối cùng trong Thế chiến II với tư cách là Đặc mệnh toàn quyền của Bộ Vũ khí và Sản xuất Chiến tranh của ĐQX tại Cộng hòa Xã hội Ý).
Pino Lella đã giữ kín chuyện đời mình suốt nhiều thập kỷ cho đến khi ông gặp nhà văn Mark Sullivan, người đã lặn lội tìm đến ông sau khi nghe câu chuyện thú vị tại một buổi tiệc từ năm 2006. Mark Sullivan bay đến Milan để thực hiện cuộc phỏng vấn nước rút với Pino Lella, người tuyên bố rằng chuyện đời mình hết sức tầm thường.
Tờ Fra Noi (trụ sở ở Chicago, tờ báo phục vụ cho cộng đồng người Mỹ gốc Ý suốt 53 năm) dẫn lời Pino Lella: “Tôi không muốn nói về chiến tranh nữa. Tôi đã nhìn thấy những thứ mà đáng lý tôi không tham gia”. Nhưng nhà văn Sullivan vẫn hết sức kiên trì, thực hiện những cuộc phỏng vấn dài lê thê với Pino Lella và tham quan những địa danh nổi tiếng trong cuộc đời ông ở Milan cũng như các khu vực lân cận. Sau một thập kỷ viết lách và tìm kiếm, tháng 5/2017, tác giả Sullivan đã cho phát hành cuốn sách “Dưới gầm trời đỏ”, một phiên bản hư cấu nhẹ về chuyện đời của Pino Lella.
Trên trang web của mình, tác giả Sullivan viết: “Rất nhiều nhân vật khác đã chết trước khi tôi nghe kể về Pino Lella, cũng như ĐQX đã đốt cháy nhiều tài liệu xoay quanh chuyện về ông, ngay cả sau 10 năm nghiên cứu tôi vẫn phải đưa ra những giả định sáng suốt. Khi phát hiện điều đó, tôi biết mình đang ở trong lĩnh vực hư cấu lịch sử, tôi đã nhượng bộ và tự điều chỉnh bằng cách thay đổi nghĩa vụ”.
Cuối cùng, ông Pino Lella ước tính rằng nội dung trong cuốn sách “Dưới gầm trời đỏ” có từ 80% đến 90% sự thật, ông bày tỏ sự vui mừng với cuốn sách và sự kiện ra mắt nó, lúc đầu với quy mô nhỏ rồi dần dần thu hút sự chú ý của độc giả khi bán hàng trăm nghìn bản sao bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Có lẽ ấn tượng nhất là gần đây cuốn sách đã được Hollywood lựa chọn làm phim truyện. Ngôi sao của phim “Người Nhện” hiện tại là Tom Holland đã được chọn vào vai Pino Lella thời trai trẻ, và ông trùm nổi tiếng Amy Pascal (“The Post”) đang sản xuất bộ phim.
Ghi nhận công lao một người hùng
Cuộc đời của Pino Lella chắc chắn là một bộ phim ly kỳ. Sinh năm 1926, ông lớn lên trong sự thương yêu của cha mẹ ở Milan, gia đình kiếm sống bằng nghề sản xuất và bán đồ da. Pino Lella là con cả trong số 3 anh em (bao gồm em trai Mimmo và em gái Francesca, 2 người này đã qua đời nhiều năm trước). Thời trẻ, Pino Lella dành 3 tháng mỗi năm trong rặng Alps gần hồ Como tại Casa Alpina để leo núi khi thời tiết ấm áp, và trượt tuyết khi tuyết bắt đầu rơi. Cựu vận động viên trượt tuyết kiêm tay đua xe cự phách, kể: “Tôi ưa núi non. Đó là nơi nhiều người ở phố muốn tìm thấy bình an”. Và trong khi Casa Alpina là bối cảnh cho những ngày tháng vô tư lự ở thuở thanh xuân, thì nó cũng dùng làm nơi trú ẩn cho anh em Lella khi họ được cha mẹ gửi Trường hè của đức Cha Re ở đây để Pino Lella học lái xe.
Nhưng khi ĐQX bắt đầu lùng bắt người Do Thái ở Ý để tiêu diệt, thì hai anh em Lella đã bước vào cuộc chiến, họ thường xuyên đưa những nhóm gồm 8 người vượt qua núi non hiểm trở và các trạm kiểm soát của bọn Đức để giúp họ sang đất Thụy Sỹ an toàn. Sau này, cụ Pino Lella xúc động kể: “Chúng tôi thật may mắn khi có được một nơi để an trú”. Cuối cùng, Pino Lella trở về nhà nhưng khi đó quân Đức bắt đầu cưỡng bức thanh niên Ý và đưa họ đến mặt trận Nga với tư cách là lao động khổ sai. Các bậc cha mẹ do lo sợ tính mạng các con trai đã mạnh mẽ thúc giục Pino Lella đi lính để tránh thân phận nô lệ. Mặc dù căm ghét ĐQX nhưng ông cũng buộc phải miễn cưỡng tuân theo. Khi đó chàng trai trẻ chỉ có 2 sự lựa chọn: một là tham gia vào một trong những đội quân phát xít của Mussolini và rất có thể sẽ đổ bộ lên mặt trận Nga, hai là bị quân đội Đức Quốc xã điều động.
Tháng 6/1944, Pino Lella tròn 18 tuổi, độ tuổi bị nhà nước Ý bắt đi nghĩa vụ quân sự. Vì dì và chú của Pino Lella có mối liên hệ với Tổ chức Todt (Bộ Vũ khí và sản xuất chiến tranh của nền Đệ Tam ĐQX) nên ông đã gia nhập và trở thành thành viên của quân đội Đức vì sự an toàn của bản thân, nhưng chống lại niềm tin nội tâm của mình. Nghe theo lời khuyên của cha mẹ, Lella đã chuyển đến trại Todt Boot ở Modena (Modena là một thành phố ở phía nam của thung lũng Po, thuộc tỉnh Modena, vùng Emilia-Romagna của Ý. Thành phố cổ này được mệnh danh là "thủ đô động cơ" do có các nhà máy sản xuất xe hơi thể thao như Ferrari, De Tomaso, Lamborghini, Pagani và Maserati). Trải qua một loạt tình huống đặc biệt, bao gồm cả vết thương trong một vụ đánh bom của quân Đồng Minh mà Pino Lella được đưa trở lại Milan để hồi phục trong hai tuần.
Giấy tờ tùy thân kèm ảnh chân dung của điệp viên Giuseppe “Pino” Lella.
Với việc sử dụng lưu loát nhiều thứ tiếng gồm Pháp, Anh, Đức và tiếng mẹ đẻ Ý, cũng như tài lái xe hơi điêu luyện mà Pino Lella đã lọt mắt xanh của tướng Hans Leyers (Đặc mệnh toàn quyền của Bộ Vũ khí và sản xuất chiến tranh Đức, cánh tay mặt của Adolf Hitler ở Ý), chẳng mấy chốc ông trở thành tài xế riêng của viên tướng này. Các thành viên trong gia đình Lella tham gia vào phong trào du kích kháng ĐQX đang lan rộng khắp nước Ý tại thời điểm đó. Là tài xế của Hans Leyers, Pino Lella làm gián điệp cho quân kháng chiến và cả quân Đồng Minh.
Trong các nhiệm vụ của mình, ông đã làm quen với các vị trí bẫy xe tăng, mìn, hầm đạn và tất cả các công sự giữa Florence và Milan, đồng thời theo dõi việc xây dựng những tuyến phòng thủ quan trọng nhất của quân Đức. Lella bí mật ghi lại các hoạt động di chuyển của quân đội, ghi chép và chụp ảnh, đồng thời cung cấp cho quân Đồng Minh những thông tin quan trọng nhất qua đài phát thanh sóng ngắn của người chú ruột.
Ngày 24/4/1945, Pino Lella chuyển giao tướng Hans Leyers cho Tập đoàn quân số 5 của Hoa Kỳ đặt dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Frank Knebel (đó là một cuộc hành trình gian truân qua đèo Brenner vào ngày 3/5/1945, nhiệm vụ của Pino Lella là đưa Hans Leyers từ Ý đến biên giới Áo và giao ông ta cho người Mỹ). Trong những ngày tiếp theo, ông trở thành tài xế và phiên dịch riêng của Knebel. Suốt thời gian đó, Pino Lella đã hơn 20 lần đánh cược tính mạng mình để cứu sống những người khác.
Từng chỉ thì thầm về đời mình với những người khác trước khi tác giả Mark Sullivan đến gõ cửa nhà, ông Pino Lella trần tình: “Chính vì hay gặp may mắn nên tôi sợ. Cuộc đời tôi bắt đầu khi chiến tranh cuối cùng kết thúc năm 1945”. Tác giả Sullivan viết rằng trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ, ông Pino Lella thường tự mô tả bản thân mình là kẻ hèn nhát hơn một người hùng, sau cùng Lella nói rằng việc ông kể lại đời mình đã giúp cho ông nhìn thấy một số khía cạnh định mệnh từ hơn 70 năm trước.
Thay cho lời kết, Pino Lella giải thích: “Nếu anh (nhà văn Mark Sullivan) hỏi tôi thì chắc tôi không có câu trả lời hay ho về những việc đã làm. Lịch sử thì đáng lẽ phải biết, nhưng không phải để nói về lòng dũng cảm của tôi. Tôi không dũng cảm. Tôi đã ở đó và tôi may mắn làm việc mà bản thân có thể”.
Theo CAND