| 28-09-2016 | 08:55:10

Chuẩn bị gì khi cho trẻ học bơi?

(BDO) Là người thường đến hồ bơi như một liệu trình trị liệu cho bệnh thoát vị đĩa đệm, tôi nhận thấy nhiều bà mẹ cho con mình đi bơi theo… phong trào! Họ chưa trang bị kỹ những kiến thức cần thiết cho con khi tiếp xúc với nước. Điều này vô tình sẽ gây nên “lợi bất cập hại” khi con chưa biết bơi, bệnh đã rề rề…

Theo lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ tỉnh, bơi lội rất tốt cho quá trình phát triển của trẻ. Không những giúp cho trẻ phòng, tránh mức thấp nhất bị đuối nước khi trẻ tiếp xúc với sông hồ, biển mà còn là  môn thể thao tốt cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Khi ở trong nước, cơ thể gần như ở trạng thái không trọng lượng, áp lực tì nén lên các khớp xương giảm đến mức thấp nhất, giúp kích thích sự tăng trưởng chiều dài của xương. Khi bơi, sóng nước xung quanh sẽ tác động xoa bóp làn da và cơ bắp toàn cơ thể. Điều này sẽ kích thích tăng sự lưu thông máu, cung cấp thêm nhiều dinh dưỡng cho các tế bào, thải trừ các chất không cần thiết hay độc hại và gần như toàn bộ cơ thể đều tham gia vận động khi chúng ta bơi. Cho nên bơi giúp cho cơ thể trẻ phát triển toàn diện về thể lực, nhất là chiều cao, cơ bắp săn chắc hơn, vóc dáng thon gọn trông trẻ khỏe và đẹp hơn.

Tuy nhiên, trẻ sau khi học bơi thường dễ mắc các bệnh cảm cúm, đau mắt nhất là đau mắt đỏ, lỵ, bệnh ở ống tai, nấm da, dị ứng với hoá chất khử trùng nước hồ bơi... Đó là điều các bà mẹ cần lưu ý để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Hồ bơi cần đạt chuẩn về vệ sinh nước và an toàn cho trẻ. (ảnh chụp tại hồ bơi Minh Thư - TX.Tân Uyên 

Để đảm bảo sức khỏe cho người bơi, nước hồ bơi được xử lý khử trùng bằng cách cho clo (javel), một số hóa chất khác để đảm bảo độ pH chuẩn, cho hóa chất làm nước có màu xanh giống nước biển nhưng không có hại cho con người. Nếu nồng độ các hóa chất này quá mức sẽ dễ gây nên viêm da, dị ứng. Ngoài ra, nước hồ bơi cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn từ không khí, bụi, nước mưa,...

Số lượng người đi bơi đông, trong đó sẽ có người lành mang vi trùng hoặc người bị bệnh cảm cúm mà chưa có biểu hiện bệnh, người bị đau mắt hoặc người đi bơi không tuân thủ biện pháp làm sạch trước khi xuống hồ bơi, khạc nhổ, tiểu dưới hồ. Do đó, trẻ dễ tiếp xúc với các nguy cơ qua hạt bụi, dịch tiết qua nhảy mũi, ho và bị nhiễm bệnh nếu sức khoẻ của trẻ không tốt.

Thế nên, trước khi quyết định cho trẻ học bơi, cần trẻ đi bác sĩ khám xem sức khỏe trẻ có học bơi được không vì có một số bệnh như suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính, viêm da dị ứng... thì trẻ sẽ được bác sĩ khuyên không nên đi học bơi! Một khi trẻ không mắc các bệnh trên, nên chọn địa điểm bơi an toàn, có uy tín, đảm bảo hồ bơi được vệ sinh định kỳ. Mùi nước hồ bơi ngửi không khó chịu, nước hồ bơi màu xanh nhẹ như màu trời là ổn.

Cần  có thầy hướng dẫn cho trẻ cách học bơi một cách bài bản nhằm giúp trẻ bơi đúng cách và mang lại hiệu quả cao cho sức khỏe của trẻ. Cho trẻ vận động trước khi xuống hồ, mang kính khi bơi, luôn luôn quan sát theo dõi con trẻ dưới hồ bơi, không để trẻ vượt quá chiều sâu cho phép theo nhóm tuổi của trẻ. Cho trẻ bơi vào buổi sáng, không cho trẻ bơi quá lâu. Thời lượng bơi tốt nhất cho trẻ là dưới 5 tuổi bơi 30 phút. Trẻ lớn hơn, bơi 60 phút chứ không nên ở dưới hồ bơi quá lâu!

Sau khi trẻ bơi, choàng khăn khô cho trẻ, đưa trẻ tắm gội lại với sữa tắm và nước sạch, nghiêng đầu cho nước trong ống tai chảy ra, vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước muối sinh lý. Có thể súc miệng với nước súc miệng thông dụng. Bên cạnh đó là chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ hợp lý, cho trẻ uống đủ nước. Khi bơi, tiêu hao khoảng 300k calo cho mỗi giờ, đòi hỏi việc cung cấp một lượng lớn chất glucose cho các tế bào cơ hoạt động. Bữa ăn trước những buổi đi bơi cần tập trung bổ sung các loại thực phẩm giàu bột đường để tăng tối đa lượng glycogen dự trữ trong cơ thể. Nên chọn các loại thực phẩm cung cấp chất bột đường dễ tiêu hóa, dễ hấp thu như bún, hủ tíu, bánh mì, bánh ngọt, chocolate… và cho trẻ ăn nhẹ không quá no.

Nếu trẻ đi bơi ngay sau ăn no sẽ ảnh hưởng đến dạ dày. Về việc bổ sung nước sau khi bơi, có thể uống bất kỳ loại nước nào cũng được, nước lọc hoặc nước trái cây có pha đường nồng và ít muối hoặc các dạng nước chanh muối, tắc muối pha loãng chính là dạng nước này hoặc một ly sữa 200ml.

Phụ huynh tuyệt đối không đưa trẻ đi bơi nếu trẻ có dấu hiệu của bệnh hoặc đang mắc bệnh nhất là các bệnh nhiễm trùng như cúm, đau mắt, viêm đường hô hấp... Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải đưa trẻ đi bác sĩ khám và điều trị ngay.

Quỳnh Như

 

Chia sẻ
Tags
bơi lội