| 03-07-2020 | 06:12:06

Chung tay hành động bảo vệ sức khỏe và tính mạng trẻ em - Kỳ 1

 LTS: Những năm gần đây, các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh đã có sự phối hợp tốt trong việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho trẻ em trên địa bàn bằng nhiều hoạt động thiết thực như tạo sân chơi, nâng cao chất lượng giáo dục, khám và điều trị bệnh… Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị đuối nước, hay chuyện ngã đổ cây xanh trong sân trường đã trở thành nỗi lo của các bậc phụ huynh. Kể từ số báo này, Báo Bình Dương đăng loạt bài nhiều kỳ về “Chung tay hành động bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho trẻ em” trân trọng gửi đến độc giả.

 Kỳ 1: Đừng để phượng buồn…

 Theo tìm hiểu của P.V, hiện cây xanh trong sân trường chủ yếu do các trường tự trồng, chăm sóc, chưa có sự liên kết trong việc quản lý, chăm sóc cây xanh theo định kỳ với cơ quan có chuyên môn. Như thế, nếu không may cây bị ngã đổ do mưa gió hay mục gốc, ảnh hưởng đến tính mạng của học sinh thì đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm? Và nói như các bậc phụ huynh, hậu quả thì gia đình tự gánh chịu, có chăng chỉ là hỗ trợ, thăm nom từ các bên liên quan.

 Một cây phượng ở trường học Thái Hòa A, TX.Tân Uyên bị bật gốc, rất may không làm học sinh bị thương

Quản lý cây xanh trong trường học

Dù đã hơn 1 tháng trôi qua, nhưng việc cây phượng già bật gốc ở sân trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.Hồ Chí Minh làm một học sinh tử vong và nhiều học sinh khác bị thương vẫn để lại nỗi ám ảnh khó quên trong lòng phụ huynh và học sinh trên cả nước. Hai chữ “phượng buồn” được nhắc nhiều trên các trang mạng xã hội cũng như khắp các mặt báo trong thời gian qua. Nhiều nguời tâm sự, không buồn làm sao khi hoa phượng gắn liền với tuổi thơ của các em, của mỗi con người trong tuổi đến trường với biết bao kỷ niệm. Tuổi học trò, thậm chí là sinh viên ai ít nhiều cũng vài lần rung động trước cánh phượng, sân trường. Và những kỷ niệm đẹp ấy, đi vào tiềm thức, sống mãi với thời gian trong mỗi chúng ta.

Càng buồn hơn, khi trong mùa hè, ngay những ngày học sinh nghỉ hè trễ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, phải tận mắt chứng kiến hàng loạt cây phượng trĩu hoa khắp nơi trên cả nước, ngay trước sân trường mình bị cưa hạ, chặt trơ nhánh, hoa vãi sân trường một màu đỏ. Những việc làm của nhà trường khi cưa hạ những cánh phượng đẹp, xanh tốt đã bị nhiều chỉ trích, bị ném “gạch đá”, mà người đứng đầu là hiệu trưởng phải nhận lấy trách nhiệm. Có người tỏ ra thông cảm, vì nhà trường lo xa, phải chặt bỏ phượng, vì dù sao sinh mạng các em vẫn quan trọng nhất. Có người đứng ở góc độ trung lập, nhìn sự việc một cách khách quan, họ cho rằng không đổ hết sự việc lên nhà trường hay người đứng đầu là hiệu trưởng. Quản lý cây xanh trước sân trường lâu nay bị buông lỏng, không có sự phối hợp giữa các bên từ khi trồng, chăm sóc, bảo vệ cây. Phải chung tay hành động, đừng để phượng buồn…

Những ngày qua, khi ngồi nhâm nhi tách cà phê ở góc phố, vỉa hè với các bậc phụ huynh, tuy tôi không hề đánh động, nhưng chủ đề cánh phượng cũng liên tục được các anh đưa ra bàn luận. Anh Trần Phụng, có con học ở trường Tiểu học Phú Hòa 1 (TP.Thủ Dầu Một), bảo rằng: “Trường con mình có vài cây phượng đang mùa nở hoa rất đẹp. Tuy cây ở trường không quá lớn, nhưng nếu không may xảy ra ngã đổ thì cũng rất nguy hiểm. Không biết phía nhà trường có liên kết với công ty cây xanh đi kiểm tra chưa”. Anh Đoàn Văn Quyền, có con học ở trường Tiểu học Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) nói xen vào: “Đó là nỗi lo chung của những người làm cha mẹ hiện nay anh à. Hôm nào chở con đến trường là mình thấy lo. Không lo làm sao khi TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, mới đây ở phường Thái Hòa (TX.Tân Uyên) và một số tỉnh ở Tây nguyên liên tiếp xảy ra ngã đổ cây phượng. Chuyện thời sự khi mới xảy ra thì ai cũng quan tâm nhiều, dần dần theo thời gian lại trôi qua hết. Tuy nhiên, nỗi đau lớn và ám ảnh nặng nề vẫn thuộc về phía gia đình khi có con em bị tai nạn như vừa qua…”.

 Cây xanh ở các trường giao trường quản lý. Đối với các trường học, theo quy định nhà trường là chủ quản lý cơ sở vật chất trong khuôn viên trường kể cả xây xanh. Vừa qua các trường đã phối hợp với công ty công trình công cộng đô thị đi kiểm tra, đánh giá các cây xanh, từ đó đề ra giải pháp để xử lý. Những cây nào bị mục nát, có nguy cơ nguy hiểm thì mới xử lý, trên tinh thần cố gắng giữ lại mảng xanh cho trường. Thành phố yêu cầu khi xử lý cây xanh đều phải có phối hợp với công trình công cộng, báo cáo về Phòng GD-ĐT xin ý kiến.

(Ông Trần Sĩ Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một)

Anh Phạm Hùng, Giám đốc một công ty xây dựng, khi ngồi nghe câu chuyện về “phượng buồn” của bàn chúng tôi cũng kéo ghế lại gần tham gia. Anh Hùng cho rằng, với cơ chế quản lý như hiện nay, thì đề tài cây xanh trước sân trường chưa có hồi kết. Ở TP.Hồ Chí Minh, sau vụ tai nạn phượng đổ làm tử vong 1 học sinh, chính quyền địa phương đã mở nhiều cuộc họp, lấy ý kiến nhiều chuyên gia về việc trồng, chăm sóc cây trong sân trường. Trong đó có việc nên trồng loại cây nào cho phù hợp trong thời gian tới, có việc tiếp tục trồng và giữ cây phượng. Vấn đề cốt lõi là chưa có tiếng nói chung giữa nhà trường, cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cây xanh… vì liên quan đến nguồn kinh phí. Theo anh Hùng, sân trường mà không có hoa phượng thì còn gì là sân trường, nên xin đừng đốn hạ hay chặt phá một cách bừa bãi, rồi thay vào một cây trồng khác; hay khi xảy ra chuyện rồi đổ hết trách nhiệm lên phía nhà trường.

Anh Hùng nói tiếp: “Khi xây dựng và đưa vào hoạt động một ngôi trường mới, trên sân trường có thiết kế trồng cây xanh. Thường thì đơn vị thi công đảm nhận luôn việc này, sau đó bàn giao cho nhà trường. Tuy nhiên, khi chọn cây để trồng, không ai biết được loại cây ấy có chất lượng đến đâu, việc trồng cây có đúng quy trình kỹ thuật hay không, trồng sâu hay cạn. Có đơn vị khi trồng cây ở sân trường, đường phố không cần tháo bầu, vậy sao rễ cây phát triển được. Đến khi gặp mưa gió, cây ngã đổ mới lòi ra. Chuyện này thì địa phương nào cũng có…”.

Cần sự phối hợp giữa các ngành

Theo ghi nhận của P.V, trước sự chỉ đạo của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Sở Xây dựng về quản lý cây xanh trường học, rất nhiều ngôi trường trên địa bàn tỉnh đã tiến hành cắt tỉa cây xanh, đề phòng mưa gió bật gốc. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều trường chưa tiến hành việc này. Điển hình như trước sân trường THCS Phú Hòa có một cây điệp cổ thụ có đường kính đến 2 - 3 người ôm, nhánh cây lớn ôm trọn cả sân trường nhưng vẫn chưa thấy phía nhà trường kết hợp với cơ quan chuyên môn cắt tỉa.

Trao đổi với P.V, thầy Nguyễn Văn Chệt, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Dầu Một, cho biết từ ngày 26-5, phòng đã có văn bản gửi hiệu trưởng các trường trên địa bàn, nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình cây xanh trong trường học trước mùa mưa. Đề nghị hiệu trưởng các trường rà soát, phát hiện các cây xanh có dấu hiệu bị sâu gốc, ngã đổ; thực hiện ngay việc cắt tỉa cành bảo vệ cây, hạn chế tối đa nguy cơ gây mất an toàn với học sinh. Bên cạnh đó phải có kế hoạch định kỳ, nhất là vào trước mùa mưa.

Cô Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thuận An cũng cho biết, đã chỉ đạo các trường trên địa bàn thành phố tiến hành cắt tỉa nhánh cây, tạo khung sắt cho những cây nếu phát hiện gốc yếu, nghiêng ngã, có khả năng gãy đổ. Một số trường như Tiểu học Tuy An (phường An Phú), hay THCS Nguyễn Trường Tộ (phường Bình Nhâm) đã làm khung sắt cho cây.

Nhìn chung, tinh thần chỉ đạo của ngành GD-ĐT khá nhanh nhạy trước việc bảo đảm an toàn cây xanh trước cổng trường, nhưng chưa tiến hành kiểm tra, đôn đốc và thực hiện nghiêm việc này. Bởi theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Thuận An, đến thời điểm hiện tại, số trường trên địa bàn kết hợp với Phòng Quản lý đô thị đi kiểm tra cây là rất ít. Và từ trước đến nay, cây xanh sân trường đều do các trường chăm sóc, quản lý, chưa có sự liên kết giữa các bên. Để thực hiện việc này, TP.Thuận An phải họp bàn, tìm nguồn kinh phí…(Còn tiếp)

 QUANG TÁM

Chia sẻ