Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Anh A Ri Fin, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên các dân tộc phường Dĩ An, TP.Dĩ An được nhiều công nhân đặt cho biệt danh là “Lão rắc rối”. Ấy vậy mà khi A Ri Fin đi vắng, về quê chừng vài hôm thì công nhân ở xóm lại í ới gọi anh trong điện thoại: A Ri Fin con tôi đi bệnh viện! A Ri Fin giới thiệu cho tôi một việc làm ở Bình Dương nhé… Và rất nhiều cuộc điện thoại như thế cần A Ri Fin tư vấn, giúp đỡ.
Anh A Ri Fin (thứ 3, từ phải qua) cùng các thành viên trong Chi hội Thanh niên các dân tộc phường Dĩ An sinh hoạt tại phòng trọ
Chi hội trưởng “miệng nói, tay làm”
Được cán bộ Đoàn giới thiệu, A Ri Fin là cán bộ hội tiêu biểu của Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh, tôi nóng lòng được gặp anh bởi cái tên nghe ngồ ngộ. A Ri Fin - tôi tưởng tượng anh là người nước ngoài, “nói tiếng Anh tốt” nhưng khi gặp, tôi mới biết anh nói tiếng Anh không rành, A Ri Fin cũng đang tham gia khóa học tiếng Anh vào buổi tối tại một trung tâm Anh ngữ.
“A Ri Fin ở trọ khu này. Ban ngày đi làm ở công ty, tối về đi học tiếng Anh. Hễ có công nhân nào gặp nạn cần giúp đỡ là anh cuống cuồng chạy đi. Khó gặp anh lắm”, cô Nguyễn Thị Đào, chủ nhà trọ của anh A Ri Fin cho biết. Thấy tôi tìm gặp A Ri Fin, nhóm công nhân cuối dãy nhà trọ len lén nhìn tôi dò xét. Tôi nghe những câu đại loại như: À nhờ anh xin việc, nhờ tư vấn, hỗ trợ hay xin tham gia sinh hoạt chi hội…
Lời xì xào, bàn tán trong khu trọ chưa kịp lắng xuống, một nữ công nhân giọng nói miền Tây tiến lại gần tôi nhìn điện thoại, nói: “Chị tìm lão A Ri Fin này hả, cái lão rảnh hơi, rắc rối lắm. Chị coi, đường trong hẻm này có phải đường của nhà lão đâu mà lão không cho để rác. Hôm qua mình dán tờ rao vặt “Nhận sơn móng tay tại nhà” lên cây cột điện đầu đường, lão đến tận phòng nhắc nhở. Được dịp, chị công nhân người An Giang vừa đi làm về cũng góp vài lời: “Hôm bữa A Ri Fin còn đến phòng tui, nói rỉ rả: “Đàn bà không nhậu, đã nhậu thì không lái xe, Nghị định 100 của Chính phủ đã có hiệu lực…”. A Ri Fin dặn tôi vậy đó.
Chưa hết, giọng một công nhân quê Nghệ An phát ra từ sau lưng tôi: “Cả tuần đi làm từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối mới về nhà trọ, có ngày chủ nhật nghỉ ngơi, A Ri Fin đến vận động công nhân trong dãy nhà trọ đi sinh hoạt chi hội công nhân”. Câu chuyện mỗi lúc càng sôi nổi, một chị công nhân khác nhạo lại giọng nói ồm ồm của A Ri Fin vào mỗi chiều chủ nhật: “Anh là A Ri Fin, ai đi sinh hoạt với anh thì đi luôn”. Cả nhóm cười ồ lên, giọng vỡ ra “lão hề thật”, chị công nhân nói thêm vào: “Rõ khổ, suốt ngày vác tù và hàng tổng nên đến giờ lão còn cưỡi chiếc xe máy cà tàng. Phòng bà Lam, bà Thi thấy lão xuất hiện từ xa là chạy về phòng khóa trái cửa. Vậy mà không thoát được tay lão, lão cứ đến phòng nói rỉ rả để động viên anh chị em công nhân cùng đi sinh hoạt”.
Mọi người được dịp thi nhau “tố tội” A Ri Fin, đề tài về anh đang rất nóng ở khu nhà trọ này. Bỗng nhiên, điện thoại tôi reo lên, mọi người im lặng nhìn tôi rồi A Ri Fin đang gọi, đầu dây bên kia vang lên giọng nói ồm ồm: “Xin lỗi cô, tôi có việc về trễ, đợi tôi nhé!”. Anh chị em công nhân lại trở về phòng.
Người bạn đồng hành của công nhân
Khoảng 20 giờ, tôi gặp được A Ri Fin. Giải thích về sự chậm trễ của mình, A Ri Fin bùi ngùi nói: “Tui đang học, nghe điện thoại ở Chi hội khu Nhị Đồng báo tin con chị Ánh, công nhân Công ty Yazaki bị cây vợt cầu lông sút cán đâm vào cổ nên tôi chạy đến giúp đỡ. Tội nghiệp con bé đang chơi ngoài sân, tự nhiên phải rước họa vào thân! Chồng chị Ánh bị xơ gan nay thêm con bị tai nạn, hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo”. Cuộc trao đổi của chúng tôi với anh đành gác lại để anh đi quyên góp tiền ủng hộ cho con chị Ánh. Anh chạy lên gác xép, lục trong chiếc va-li cuốn sổ tay nhỏ xíu, cũ mèm rồi ghi ghi, chép chép ra mảnh giấy tên, địa chỉ, số điện thoại của các nhà hảo tâm. Anh lại đến từng phòng trong các khu nhà trọ, vận động hội viên “của ít lòng nhiều”, “lá lành đùm lá rách” giúp chị Ánh vượt qua hoàn cảnh khó khăn này.
“10 triệu đồng ủng hộ con chị Ánh đi viện là sự sẻ chia đầy ắp tình cảm của anh chị em công nhân trong chi hội”, A Ri Fin công bố. Đọc tên từng người đã ủng hộ trong cuộc họp chi hội cuối tuần, nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên từ hàng trăm công nhân. Chị Ánh nhận tiền ủng hộ từ sự quyên góp của A Ri Fin mà hai hàng nước mắt giàn giụa, nói không nên lời.
Cuối tuần, tôi lại đến thăm chi hội của A Ri Fin. Theo thường lệ cứ mỗi cuối tuần là chi hội lại tổ chức sinh hoạt, vui chơi giải trí, chia sẻ buồn vui cuộc sống nhưng đã 3 tháng nay, chi hội sinh hoạt trên Zalo để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tôi theo A Ri Fin đến khu nhà trọ Hồng Ánh. Hôm ấy, A Ri Fin đích thân đến từng phòng trọ có công nhân nghỉ việc vì sợ dịch bệnh Covid-19 để giải thích: “Anh chị em công nhân không nên quá lo lắng mà ảnh hưởng đến đời sống, việc làm. Rồi A Ri Fin nói thêm: “Đảng, Nhà nước chủ trương “Chống dịch như chống giặc”, cán bộ Bình Dương đẩy mạnh quản lý lao động nước ngoài, đến từng nhà, rà từng công ty nắm tình hình lưu trú người nước ngoài, công dân Việt Nam đi công tác, du lịch ở nước ngoài trở về từ các vùng có dịch theo dõi, cách ly”. Để thuyết phục anh còn tỉ mỉ, hướng dẫn mọi người mở từng trang báo Bình Dương, Lao động Bình Dương... xem thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh của tỉnh.
Trước khi chào ra về, anh còn động viên công nhân: “Mọi người hãy yên tâm, mỗi chúng ta hãy thực hiện tốt việc phòng bệnh tắm rửa sạch sẽ, ăn chín uống sôi, rửa tay đúng cách, lau, dọn nơi ở, để rác đúng nơi quy định và làm việc chăm chỉ. Hãy gọi cho tôi nếu không yên tâm”.
Tôi chào A Ri Fin ra về, chưa kịp nói lời nào thì chiếc điện thoại của anh reo lên. Tôi nghe giọng người đàn ông đứng tuổi vang lên trong điện thoại: “Ngày mai tôi lên Bình Dương, A Ri Fin giới thiệu cho tôi một việc làm nhé!”.
KIM HÀ