Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Kỳ 2: Cảnh báo tình trạng đuối nước ở trẻ em
Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ đuối nước trên sông Sài Gòn, ao hồ, cống rãnh làm cho các bậc phụ huynh không khỏi âu lo. Để các vụ tai nạn đáng tiếc như thế không xảy ra trong thời gian tới, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh cũng như sớm khắc phục cống rãnh trong mùa mưa có nguy cơ dẫn đến tai nạn.
Người dân địa phương và chính quyền tổ chức tìm kiếm thi thể cháu H. khắp các nhánh sông, suối trên địa bàn nhiều ngày liền sau tai nạn
Những cái chết thương tâm
Đã gần 2 tháng trôi qua nhưng gia đình cháu T.T.H. (4 tuổi), ngụ KP.Phước Hải, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên vẫn chưa vơi nỗi đau mất con sau cơn mưa lớn. Mỗi ngày, gia đình cháu vẫn đều đặn nhang khói, đi tìm tứ phương, mong sao có phép màu nào đó để tìm được xác con… Đó là vào chiều 27-5 vừa qua, trong cơn mưa nặng hạt, H. cùng nhiều bạn trong xóm tắm mưa, đã bất cẩn lọt chân xuống mương nước bên đường và bị cuốn trôi, mất tích. Phát hiện sự việc, những bé còn lại nhanh chóng chạy về báo tin cho gia đình. Tuy nhiên, lúc này trời mưa lớn, nước chảy xiết nên khi người lớn đến nơi thì không tìm thấy cháu H. Ngay sau đó, họ đã báo tin cho lực lượng cứu nạn cứu hộ TX.Tân Uyên.
Ngồi trong căn nhà cấp 4 hướng mắt ra mương nước nơi cháu H. gặp nạn, ông N.V.N, ông ngoại cháu H., cho biết: “Chiều 27-5, khi nhận được điện thoại từ con gái báo tin cháu gặp nạn, tôi rất đau buồn và bay vào ngay. Vậy là từ đó đến nay, rất nhiều thành viên trong gia đình bỏ cả công việc. Mỗi ngày trôi qua, nhìn thấy mẹ cháu H. đau khổ, tôi khuyên con gái hết lời, nhưng thật sự rất khó nguôi ngoai. Nếu sớm tìm thấy cháu để lo hậu sự, có lẽ mẹ của cháu bớt đau hơn nhiều. Chứ bây giờ, mỗi ngày nó lại hướng mắt về phía mương nước mà lòng quặn đau”. Dù đau buồn khi nói về người cháu xấu số của mình, nhưng ông N. không quên gửi lời cảm ơn của gia đình đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương TX.Tân Uyên. Bởi chỉ riêng trong KP.Phước Hải, sau những ngày cháu H. gặp nạn, đã có hơn 60 người bỏ công việc, tổ chức tìm kiếm cháu H. trong thời gian dài.
Và có lẽ năm nay, khi nghe đến hai từ đuối nước, các bậc phụ huynh ở TX.Tân Uyên không thể không lo. Bởi khi xác cháu H. bị mất tích dưới dòng nước và chưa tìm được thì đến chiều ngày 10- 6, trên địa bàn phường Tân Vĩnh Hiệp lại xảy ra một vụ đuối nước tương tự. Nạn nhân lần này là cháu T.V.T. (4 tuổi). Theo người dân, khi trời đang mưa lớn, cháu T. cùng một số đứa trẻ khác trong xóm trọ ra đường ĐX03 (khu phố Tân Hóa) để tắm mưa. Trong lúc nghịch nước tắm mưa, bé T. bị trượt chân ngã và bị nước mưa cuốn trôi xuống mương nước ven đường. Do nước chảy xiết nên bé T. bị cuốn vào trong ống cống. Khác với tình trạng cháu H., lần này cơ quan chức năng đã tìm được xác cháu T. cách đó không xa…
Lực lượng cứu nạn cứu hộ tổ chức tìm kiếm thi thể học sinh lớp 8 khi bị đuối nước trên sông Sài Gòn (đoạn qua phường Bình Nhâm, TP.Thuận An hơn 1 tháng trước)
Trước đó không lâu, cũng trên địa bàn này xảy ra vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 2 bé gái là H.T.T. (SN 2008) và N.T.V. (SN 2007), cùng ngụ tỉnh Cà Mau. Một buổi chiều nghỉ học, 2 em cùng nhóm bạn ngụ KP.Ông Đông, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên rủ nhau ra hồ nước cạnh một bãi đất trống để chơi. Trong lúc chơi tại đây, 2 bé T. và V. bị trượt chân xuống hồ, mất tích. Lúc này, nhóm bạn tri hô người dân đến giúp thì đã muộn.
Mới đây, trong những ngày đầu tháng 5, trên địa bàn phường Bình Nhâm TP.Thuận An và Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước trên sông Sài Gòn là các em trong độ tuổi cấp 2. Các em đi chơi theo nhóm, rủ nhau tắm sông rồi gặp nan…
Cứ sau mỗi vụ tai nạn như thế, nỗi đau để lại cho gia đình, người thân của các em là vô cùng to lớn, không thể nói hết bằng lời!
Cần đẩy mạnh tuyên truyền
Vì sao các vụ đuối nước trên địa bàn liên tiếp xảy ra? Cô Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo TP.Thuận An, cho rằng: “Chúng ta đang xem nhẹ và chủ quan khi để các con đến gần vùng nguy cơ có thể đuối nước mà chưa quản lý tốt, trong đó có nhiều nguyên nhân. Có gia đình thì ba mẹ đi làm xa, bỏ con cái ở nhà với người thân là ông bà, hay đứa con lớn trông đứa nhỏ hơn. Và khi các cháu đi ra ngoài chơi, không được nhắc nhở kịp thời, quản lý tốt và dẫn đến tai nạn thương tâm. Có cháu dù đã biết bơi nhưng bản thân lại chủ quan khi cho rằng có thể xử lý tốt khi đến vùng nguy hiểm là ao, hồ, sông. Tuy nhiên, các cháu không biết rằng, môi trường trong tự nhiên nguy hiểm gấp hàng trăm lần ở hồ bơi thông thường mà các cháu đã được học. Tại TP.Thuận An, cứ sau mỗi lần có thông tin đuối nước xảy ra trên địa bàn tỉnh, tôi chủ động cập nhật, sau đó nhắn tin cho lãnh đạo các trường. Việc đầu tiên là các thầy, cô chủ nhiệm phải nhắn tin, tuyên truyền nâng cao ý thức cho phụ huynh và học sinh của lớp. Các buổi chào cờ đầu tuần, hiệu trưởng phải nhắc nhở chung học sinh toàn trường trong việc nghiêm cấm học sinh đến những nơi ao hồ, sông suối có thể xảy ra đuối nước. Khi học sinh ra khỏi nhà, phải xin phép ba mẹ, lý do đi đâu phải rõ để phụ huynh biết. Rèn luyện kỹ năng bơi cho học sinh luôn được các trường trên địa bàn quan tâm, tạo điều kiện cho các em theo học các lớp bơi cơ bản”.
Nói về tai nạn đuối nước, thầy Nguyễn Văn Chệt, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Đẩy mạnh tuyên truyền tai nạn đuối nước đến với học sinh là điều quan trọng nhất, nên vấn đề này các trường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một luôn quan tâm, nhắc nhở các em thường xuyên. Tuy nhiên, việc quản lý con em sau giờ học rất cần sự quan tâm nhiều hơn từ phía các bậc phụ huynh. Về phía chính quyền địa phương các huyện, thị, thành phố, tôi thấy cần phải khảo sát lại các nhánh sông, suối, ao hồ… qua đó gắn biển báo nguy hiểm đuối nước. Khi các em có đến đây vui chơi, nhìn thấy biển báo ắt hẳn sẽ không chủ quan, đề phòng dẫn đến những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”.
Và khi nói đến đuối nước, ai cũng biết đó là do sự bất cẩn, ham vui của các em dẫn đến chủ quan. Tuy nhiên, việc các em bị rớt xuống mương, cống và bị nước cuốn mất xác thì chính quyền địa phương cần phải rà soát tất cả hệ thống cống rãnh, phải sớm có biện pháp khắc phục, vì tai nạn như thế này đã xảy ra nhiều lần. Vào tháng 10-2016, một bé trai 8 tuổi bị nước cuốn xuống cống trên địa bàn TP.Dĩ An, đến 2 ngày sau mới tìm thấy thi thể của em trên một bãi cỏ gần ký túc xá khu B, trường Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Trước đó, tháng 9-2014 có tới 2 em bị nước mưa cuốn tử vong tại TX.Tân Uyên và TP.Thuận An. Trong đó, bé trai bị nước mưa cuốn vào cống trên đường 22-12, TP.Thuận An, chính quyền địa phương phải mất 3 ngày và huy động rất nhiều lực lượng mới tìm thấy thi thể.
Mùa hè cũng là mùa cao điểm của mưa bão đang đến, nên việc đẩy mạnh tuyên truyền từ phía nhà trường đến với học sinh trong phòng chống đuối nước là hết sức cần thiết. Các bậc phụ huynh tăng cường giám sát con trẻ khi vui chơi cùng chúng bạn. Chính quyền các địa phương chủ động phòng ngừa, khắc phục cống rãnh có thể dẫn đến tai nạn đuối nước là việc phải làm nhanh. Có như thế, các vụ đuối nước thương tâm mới được hạn chế. (Còn tiếp)
QUANG TÁM