| 26-09-2020 | 04:22:32

Cù lao thêm một lần kỳ vọng…

Một ngày đẹp trời đầu tháng 9-2020, chúng tôi có dịp về cù lao Bạch Đằng (TX.Tân Uyên), sau 25 phút chạy xe từ trung tâm TP.Thủ Dầu Một, trước mắt tôi mở ra một vùng quê mênh mông sông nước. Những mái nhà nho nhỏ san sát nhau, những con thuyền lững thững trôi nhẹ trên dòng Đồng Nai khiến tôi có cảm giác ấm áp, bình yên đến lạ.

 Từ khi cầu Bạch Đằng I được đưa vào sử dụng, việc đi lại và lưu thông hàng hóa giữa cù lao Bạch Đằng và các địa phương lân cận đã trở nên dễ dàng, tiết kiệm hơn nhiều

 Chuyện 10 năm trước

Nhắc đến cù lao Bạch Đằng, có lẽ người dân nơi đây không quên những ngày vất vả ngồi hàng giờ chờ đò ở bến ngang sông. Nhớ về những năm 90 thế kỷ trước, cụ Lê Thị Loan, người dân cù lao kể: “Hồi đó mỗi lần có việc cần đi ra ngoài, bà con phải ngồi chờ đò hàng giờ đồng hồ. Có những ngày cao điểm, phải chờ từ sáng tới trưa mà chưa đi được”. Theo cụ Loan, mãi đến những năm 2000, khi những con đò cũ kỹ được thay thế bằng những chiếc phà lớn, chắc chắn, việc lưu thông mới trở nên dễ dàng hơn.

Dẫu rằng việc di chuyển qua về cù lao bằng phà tiện lợi, dễ dàng hơn, nhưng vẫn còn đó những rủi ro không ai đoán trước được khi gặp con nước, con sóng lớn bất chợt. Ngoài ra, việc di chuyển qua lại bến sông cũng khiến bà con hai bên cù lao tốn kém vì mỗi lượt đi về là “mất toi” gần chục ngàn đồng.

Anh Võ Bá Linh, người dân ấp Tân Trạch, cù lao Bạch Đằng, cho biết vào năm 2010, khi cầu Bạch Đằng (sau đây gọi là Bạch Đằng I) được hoàn thành, cuộc sống của người dân nơi đây mới thật sự thay đổi. Theo đó, việc làm nông, kinh doanh và các loại hình dịch vụ đều có sự phát triển rõ nét. Thu nhập từ việc bán nông sản, hoa màu của người dân Bạch Đằng tăng lên đáng kể bởi cây cầu Bạch Đằng I đã giúp giảm rất nhiều thời gian và chi phí cho việc lưu thông hàng hóa. Thương lái cũng dễ dàng vào tận vườn để thu mua nông sản với giá tốt hơn.

 Người dân hai bên sông Đồng Nai đang di chuyển qua lại hàng ngày bằng phương tiện phà, tốn kém, không linh hoạt và kém an toàn

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đằng, cho biết cây cầu Bạch Đằng I là cú hích lớn giúp cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa giữa xã Bạch Đằng và các vùng lân cận thuận lợi. Theo bà Phượng, trong 10 năm trở lại đây, đời sống và thu nhập của người dân cù lao Bạch Đằng được cải thiện đáng kể, mà “công lớn” phải kể đến đầu tiên là cây cầu Bạch Đằng I.

Đứng trên cầu Bạch Đằng I, nhìn những chiếc thuyền bé nhỏ lững lờ trôi nhẹ trên sông mà lòng vui mừng thay cho những người dân nơi đây. Trong phút chốc, lòng mình bất chợt nghĩ về một ngày không xa khi được đứng trên cây cầu Bạch Đằng II để ngắm toàn cảnh đôi bờ sông Đồng Nai, nơi mà chỉ cần phóng tầm mắt ra xa chút là có thể nhìn thấy Thành phố mới Bình Dương, TP.Biên Hòa…

Kỳ vọng hôm nay

Về cù lao Bạch Đằng vào ngày đầu tháng 9, điều đập vào mắt chúng tôi đầu tiên sau khi đổ dốc cầu Bạch Đằng I là bảng thông tin mặt cắt ngang chi tiết về dự án cầu Bạch Đằng II. Theo đó, cây cầu này sẽ nối cù lao Bạch Đằng (Bình Dương) và xã Bình Lợi (Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Đây quả thật là một tin vui không hề nhỏ cho những người dân sinh sống hai bên bờ sông Đồng Nai đoạn qua Bạch Đằng - Bình Lợi.

 Anh Võ Bá Linh, người dân ấp Tân Trạch, xã Bạch Đằng đang chỉ cho phóng viên vị trí cột mốc hành lang an toàn công trình cầu Bạch Đằng II bên phía Bạch Đằng

Lân la khu vực bến phà Bạch Đằng - Bình Lợi, chúng tôi mới thấu hiểu hơn về sự khó khăn trong việc di chuyển của người dân nơi đây. Theo đó, trung bình mỗi ngày, phà Bạch Đằng - Bình Lợi phục vụ việc đi lại qua hai bên sông cho trên dưới 1.500 lượt người. Trong đó có khoảng 1.000 lượt người là công nhân sinh sống ở cù lao Bạch Đằng và làm việc ở các công ty, nhà máy có trụ sở đóng tại địa bàn huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Trao đổi với phóng viên về dự án cầu Bạch Đằng II, bà Lê Thị Bé, người dân sống ở gần bến phà Bạch Đằng - Bình Lợi, cho biết người dân đang rất mong chờ cây cầu xây dựng hoàn thành để việc đi lại trở nên dễ dàng, an toàn và đỡ tốn kém hơn. Bà Bé cho biết con gái bà làm ở Công ty Chang Shin ở địa bàn huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, mỗi ngày phải dậy từ rất sớm để ra chờ phà, đến tối khi tan ca lại phải tất bật chạy cho kịp chuyến phà trở về nhà. “Mỗi ngày con gái tui và nhiều người khác (chạy xe gắn máy) phải mất hơn 10.000 đồng cho hai lượt đi và về. Tính ra, mỗi tháng là 300.000 đồng chứ ít ỏi gì đâu. Bà con ở đây mong chờ cây cầu Bạch Đằng II sớm hoàn thành, để còn tiết kiệm được một khoản tiền, đi lại cũng nhanh chóng, thuận lợi hơn”.

Đồng quan điểm với bà Bé, bà Trần Thị Oanh, người dân sống ở ấp Tân Trạch, cho biết người dân Tân Trạch nói riêng và hai bên bờ sông Đồng Nai đoạn qua xã Bạch Đằng thuộc tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi thuộc tỉnh Đồng Nai nói chung đang rất mong chờ ngày khởi công cầu Bạch Đằng II. “Nhiều lúc phà đang chạy mà gặp chiếc xà lan lớn chạy cắt ngang qua, sóng nước vỗ mạnh khiến chiếc phà bị chao đảo mà tui hết cả hồn. Bà con chúng tôi rất mong cây cầu sớm được xây và đưa vào hoạt động”, bà Oanh nói với phóng viên.

Tìm hiểu kỹ về vị trí địa lý chúng tôi phát hiện, cù lao Bạch Đằng là điểm kết nối giao thông, giao thương hàng hóa quan trọng đối với khu vực vành đai kinh tế Mỹ Phước - Tân Vạn - Long Thành. Theo đó, một khi cây cầu Bạch Đằng II được hoàn thành, việc lưu thông hàng hóa và di chuyển qua lại giữa các vùng kinh tế nói trên sẽ rất dễ dàng. Bộ đôi cầu Bạch Đằng I và cầu Bạch Đằng II cũng là giải pháp giúp tiết kiệm chi phí, thời gian từ Bình Dương đi Đồng Nai và ngược lại lên đến 30% cho người dân và doanh nghiệp. Dự án này hứa hẹn sẽ là bước đệm giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương hai bên sông Đồng Nai nói riêng và toàn vùng Đông Nam bộ nói chung.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc xác định xây dựng cầu Bạch Đằng II là một quyết định mạnh dạn và sáng suốt của lãnh đạo hai địa phương. Xây dựng cầu Bạch Đằng II không chỉ giúp việc lưu thông cho người dân hai bên sông trở nên tiện lợi, an toàn hơn mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của hai tỉnh. Rồi đây, việc di chuyển qua lại giữa các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ trở nên dễ dàng hơn. Điều đó cũng khiến các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm này.

 ĐÌNH THẮNG  

Chia sẻ