| 25-08-2020 | 07:26:49

Đắc Nô - Nơi ấy rừng sâu...

Nằm sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), Đồn Biên phòng Đắc Nô từng được biết đến với biệt danh là “Đồn 5 không” (Không có dân cư sinh sống, không hệ thống điện lưới thắp sáng, không có điểm mua bán trao đổi hàng hóa, không sóng điện thoại, không nước sạch) và cán bộ, chiến sĩ đóng quân nơi đây vẫn phải ăn ở, sinh hoạt trong doanh trại tạm bợ, vách ván. Nhưng ở đó, các cán bộ, chiến sĩ vẫn đang ngày đêm bám trụ để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc...

 Đồn Biên phòng Đắc Nô nằm sâu trong vùng lõi rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập, điều kiện vẫn còn khó khăn, thiếu thốn…

 Lá chn thép

Chúng tôi đến Đồn Biên phòng Đắc Nô trong những ngày cao điểm mùa mưa. Nước trắng xóa! Con đường tuần tra biên giới quanh co gần 30km, phủ đầy dây rừng, tre, lồ ô càng tăng thêm cảm giác rờn rợn. Tiếp chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, trung tá Nguyễn Thế Hùng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Đắc Nô, chia sẻ: “Đơn vị mới thành lập, bước đầu còn vô vàn khó khăn về điều kiện vật chất, sinh hoạt và công tác. Nhưng với vai trò, trách nhiệm và cũng là vinh dự khi được là những người đầu tiên ghi dòng chữ đầu tiên vào sổ vàng truyền thống của đơn vị, 100% cán bộ, chiến sĩ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, không phụ lòng tin tưởng của cấp trên”.

Đồn Biên phòng Đắc Nô (bộ đội biên phòng Bình Phước) thành lập theo Quyết định số 5571/QĐ-BQP ngày 27-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài gần 12km, với 6 cột mốc quốc giới, từ cột mốc 60/17(2) đến 60/22(2). Theo chia sẻ của đồn trưởng Nguyễn Thế Hùng, đoạn biên giới đơn vị quản lý, bảo vệ là một trong những đoạn có địa hình hiểm trở nhất, hệ thống cột mốc quốc giới cũng nằm trong danh sách những mốc nằm xa đường tuần tra biên giới nhất của tỉnh Bình Phước. Để đến kiểm tra được cột mốc phải cắt rừng đi bộ mấy giờ đồng hồ qua những con dốc thẳng đứng.

Tận mắt chứng kiến mới thấy được những vất vả, khó khăn của đơn vị. Đồn Biên phòng Đắc Nô đóng quân cạnh Trạm kiểm lâm số 8, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. 4 gian phòng được dựng bằng ván gỗ cũ tận dụng lại từ một đơn vị bạn. Đây vừa là nơi ngủ nghỉ, cũng vừa là nơi làm việc của cán bộ, chiến sĩ đồn. Giữa bộn bề khó khăn nhưng với quyết tâm cao nhất, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Nô đang từng bước vượt khó sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Trung tá Lê Xuân Hữu, chính trị viên đồn cười tươi, nói: “Nay đơn vị khá lắm rồi. Đợt đầu năm được doanh nghiệp trao tặng hệ thống điện năng lượng mặt trời, cộng với ti vi, tủ lạnh... nên đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ khá lên; chứ lúc trước thì không điện, không nước, không sóng điện thoại... cán bộ, chiến sĩ cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài...”.

30km đường tuần tra biên giới không có dân sinh sống. Đường vắng người qua lại, có chăng chỉ là cán bộ, chiến sĩ và lực lượng kiểm lâm đi tuần. Vì vậy, ngoài hành trang của người lính, các anh còn có thêm đồ nghề vá xe, sửa xe và cả dao, rựa để đề phòng cây ngã chắn ngang đường. Như minh chứng cho điều này, một chiến sĩ trẻ chia sẻ: “Hôm qua em đi nửa đường phải quay về cầu cứu đồng đội trợ giúp, vì cây to ngã giữa đường, xe không qua được”.

Cùng với nhiệm vụ chính trị, công tác sản xuất phục vụ đời sống của các chiến sĩ cũng được bảo đảm. Chính nơi thiên nhiên hoang sơ này mà những người lính biên thùy đã biến khó khăn thành những thành tích trong lao động, sản xuất. Vườn rau xanh, đàn heo béo tròn, đàn gà có tới trăm con... là thành quả của quá trình tăng gia, sản xuất, cải thiện bữa ăn cho anh em trong đơn vị.

Tm lòng hu phương

Trở lại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, ông Nguyễn Cương Trực, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Phòng Quân báo Miền - Trinh sát kỹ thuật (TSKT) Miền đầy cảm xúc. Ông chia sẻ: “Những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng đất này đã gắn bó máu, xương với những chiến sĩ quân báo, trinh sát. Đồn Biên phòng Đắc Nô nằm biệt lập giữa không gian hoang sơ của rừng lại gợi nhớ cho chúng tôi nhiều điều về người lính trong những năm kháng chiến...”.

 Ban Liên lạc truyền thống Phòng Quân báo Miền - TSKT Miền trao tặng tủ sách cho trường THCS Phú Nghĩa

Xuất phát từ tình cảm đó, Ban Liên lạc truyền thống Phòng Quân báo Miền - TSKT Miền đã có chuyến về nguồn và ký kết nghĩa với Đồn Biên phòng Đắc Nô. Đây chính là nguồn động viên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Nô vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, là lá chắn thép ở vùng biên ải. Chương trình kết nghĩa nhằm tạo điều kiện để các đơn vị giao lưu, trao đổi, thể hiện tình cảm gắn bó với hậu phương quân đội; thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hợp tác trên các lĩnh vực công tác.

Theo lời ông Nguyễn Cương Trực, TSKT Miền được thành lập nhằm đối trọng với phương tiện khí tài và tiềm lực chiến tranh hiện đại nhất của Mỹ - ngụy mà ngày nay người ta gọi là chiến tranh điện tử. Trong khi ấy, phương tiện của ta hết sức thô sơ. Chỉ là những chiếc máy vô tuyến thô sơ là khí tài tịch thu được của địch hoặc những chiếc radio mà thuở ấy người ta thường thấy chúng có mặt ở những gia đình trung lưu. Thời kỳ ấy người ta thường gọi nôm na TSKT là những người ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời. Nhưng khi bắt tay vào nhiệm vụ, những phương tiện kỹ thuật ấy đã giúp cho đơn vị TSKT làm nên những câu chuyện thần kỳ. Họ đã cung cấp cho Bộ Chỉ huy Miền những tin tức đánh đổi bằng hàng ngàn sinh mạng nếu không nắm chắc địch trong mỗi trận hành quân, ném bom khi phát hiện vùng mục tiêu oanh kích. TSKT trong chiến tranh chống Mỹ cũng giống như những cán bộ, chiến sĩ Đồn Đắc Nô hôm nay. Dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Dịp này, Ban Liên lạc truyền thống Phòng Quân báo Miền - TSKT Miền cũng trao tặng 200 phần quà cho các em học sinh nghèo xã Phú Nghĩa và 2 tủ sách cho trường Tiểu học và THCS Phú Nghĩa, tổng trị giá hơn 80 triệu đồng. Thầy giáo Lê Văn Thành, Phó Hiệu trưởng trường THCS Phú Nghĩa, cho biết trường có 500 học sinh, trong đó 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy trường thiếu thốn về cơ sở vật chất. Học sinh thì thiếu điều kiện đến trường. Vì vậy, những phần quà ý nghĩa này là nguồn động viên lớn để thầy và trò ở xã vùng biên vượt qua khó khăn, đến trường.

Trung tá Lê Xuân Hữu, chính trị viên Đồn Biên phòng Đắc Nô xúc động, cho biết những tình cảm thân thương này sẽ góp phần giúp cho cán bộ, chiến sĩ ở vùng biên xa xôi và hẻo lánh nơi đây thêm vững niềm tin, làm cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm gắn bó với biên giới và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

Chia tay các anh, hình ảnh người lính nơi biên cương Tổ quốc vẫn còn đọng mãi. Phía trước là muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, thiếu thốn, nhưng các anh vẫn kiên cường, vững vàng ý chí vì sự yên bình của quê hương, đất nước. Ở nơi xa đó, xen lẫn trong tiếng kêu của các loài muông thú là tiếng cười, nói rôm rả của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Nô.

 THU THẢO  

Chia sẻ