| 13-06-2014 | 11:53:14

DaiABank “tiếp sức” cho doanh nghiệp

Nguồn vốn trung dài hạn luôn là vấn đề đau đầu của ngân hàng lẫn doanh nghiệp (DN), bởi 80% nguồn huy động trên thị trường là vốn ngắn hạn. Hiểu rõ nhu cầu của DN, Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) đã dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ vay vốn. Đây được xem là giải pháp kịp thời, đúng lúc góp phần giúp DN vượt qua “cơn khát” vốn trong giai đoạn hiện nay...  Chương trình cho vay trung dài hạn của DaiABank đang là “làn gió mát” đối với DN

Điểm lại báo cáo hoạt động của một số ngân hàng thương mại trong 2 năm gần đây (2009-2011), cho thấy tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn đã có sự sụt giảm nhanh chóng trong cơ cấu, đa số chỉ duy trì tối đa 30 - 40% thay vì 50% như trước. Có những thành viên nhấn mạnh trong báo cáo thường niên rằng, hạ thấp tỷ trọng này là một chủ trương đúng đắn để ứng phó với bối cảnh hoạt động tài chính tín dụng đã có nhiều thay đổi. Hay nói đúng hơn, đó là sự phòng thủ khi thanh khoản trở nên khó khăn thường trực trong vài năm trở lại đây. Một thực trạng khá phổ biến trên thị trường tiền tệ trong những năm gần đây cũng cho thấy, hệ thống ngân hàng “túng quá hóa liều” khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn! Đây là vấn đề hết sức bất lợi cho ngân hàng trong bối cảnh cơ quan quản lý thực hiện chính sách siết chặt tiền tệ khiến nhiều ngân hàng rơi vào cảnh thâm hụt thanh khoản.

Vấp phải những khó khăn đó, nhiều ngân hàng buộc phải hạn chế dần các khoản vay trung và dài hạn và chủ yếu thực hiện cho vay ngắn hạn để phòng tránh rủi ro. Đây là một ứng xử cần thiết và phù hợp với thực tế hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là gắn với các dòng tiền gửi ngày càng linh hoạt hơn. Tuy điều này khá an toàn cho ngân hàng, nhưng phía sau phản ứng đó là khó khăn cho người vay vốn, nhất là đối với DN. Vốn ngắn hạn không thể phục vụ lâu dài cho sản xuất, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN rơi vào khó khăn.

Tổng Giám đốc DaiABank Lê Huy Dũng nhìn nhận, vài năm gần đây, tình hình kinh tế trong nước có nhiều biến động dẫn đến tình hình kinh doanh của khách hàng cũng thay đổi, đa phần kế hoạch kinh doanh không theo hoạch định và có chiều hướng xấu đi. Tham khảo tình hình trong DN cũng cho thấy, hầu hết các DN cũng khó hình dung hết những khó khăn đang vấp phải như hiện nay. Theo ông Dũng, những khó khăn đó gây khó khăn về nguồn vốn của DN và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. DN đứng trước thực tế phải co cụm trong kinh doanh. Nếu có được nguồn vốn vay trung dài hạn trong hoàn cảnh này là hết sức cần thiết với DN.

Theo ông Lê Huy Dũng, đó là lý do để DaiABank đưa ra chương trình mới “cho vay tái cấu trúc tài chính DN”. Trước khi triển khai chương trình này, quan điểm mà lãnh đạo ngân hàng này đưa ra là trong tình huống hiện tại, không hẳn tất cả các DN đều có “sức khỏe” kém mà do thiếu vốn trung dài hạn ổn định. Nếu giải quyết được nút thắt về vốn, tình hình của DN sẽ thay đổi. Do vậy, mục đích của chương trình là nhằm giúp khách hàng tái cấu trúc tài chính, tránh tình trạng mất cân đối giữa tài sản và nguồn vốn, với tổng mức cho vay lên đến 30 tỷ đồng/khách hàng; kỳ hạn từ 3 - 5 năm; phương thức cho vay từng lần, trả gốc linh hoạt. Đối tượng cho vay là các DN vừa và nhỏ thuộc nợ nhóm 1 và không có nợ quá hạn; có nợ phát sinh nhóm 2 do xếp hạng tín dụng hoặc có nợ quá hạn dưới 15 ngày nhưng không quá một lần trong vòng 12 tháng liền kề.

Theo ông Lê Huy Dũng, khách hàng nên hiểu đúng về tái cấu trúc tài chính cho khách hàng không đồng nhất với việc xử lý khoản vay cũ tại các ngân hàng khác, mà phải cần hiểu rằng, khách hàng khó khăn về nguồn vốn do mất cân đối bảng tổng kết tài sản hoặc nguồn trả không đủ khả năng trả nợ (dùng vốn tự có để trả nợ dẫn đến quy mô kinh doanh thu hẹp). Trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên thì việc cơ cấu các khoản vay không phù hợp của các tổ chức tín dụng (TCTD) là một nguyên nhân chứ không phải tất cả. Ví dụ như do thiếu vốn nên khách hàng không đạt điểm kinh doanh có hiệu quả, trường hợp này có thể DaiABank sẽ cho vay nhiều hơn các TCTD khác. Do đó, với sản phẩm này không đánh đồng với cách hiểu cơ cấu lại khoản vay cũ của TCTD. “DaiABank sẽ có những nghiệp vụ rõ ràng và bộ phận chuyên trách phân tích, xử lý và báo cáo lên Ban tín dụng để có hướng giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất cho khách hàng”, ông Lê Huy Dũng nói.

THANH HỒNG

Chia sẻ