Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sống xa quê hương, bản sắc văn hóa của cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Sán Chay hiện cư trú tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo đã mai một dần, nhưng với phương châm “gìn giữ những nét độc đáo đặc trưng của dân tộc”, họ đang cố gắng khôi phục lại những nét đẹp văn hóa truyền thống. Trong đó, việc tổ chức văn nghệ, lễ hội truyền thống... là những việc làm không thể thiếu để thế hệ trẻ hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Cuộc sống ĐBDTTS Sán Chay tại Phú Giáo
Đi dọc hai bên đường từ thị trấn Phước Vĩnh (Phú Giáo) đến UBND xã Tam Lập (Phú Giáo), chúng tôi thấy một màu xanh bất tận của những khu rừng cao su. Thấp thoáng hai bên đường nhiều ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc đan xen với những ngôi nhà sàn truyền thống của ĐBDTTS Sán Chỉ (một trong số các tên gọi của ĐBDTTS Sán Chay). Dân tộc Sán Chay còn gọi là: Cao Lan, Sán Chỉ, Mán Cao Lan, Hờn Bận. Người Sán Chay có hai nhóm phân biệt với nhau về ngôn ngữ đó là: Nhóm nói tiếng Cao Lan gần gũi với tiếng Tày, Nùng và nhóm nói tiếng Sán Chỉ gần với thổ ngữ Hán. Anh La Văn Sự, một trong những người Sán Chay đầu tiên đến Phú Giáo, cho biết: “Những năm 1990, cuộc sống mưu sinh tại vùng quê Thái Nguyên quá khó khăn, chúng tôi đã cùng nhau rời quê hương đến Bình Dương lập nghiệp. Là những người cả đời làm nông nghiệp nên đối với chúng tôi nơi nào vắng người, nhiều đất là nơi lý tưởng để lập nghiệp. Bởi vậy, chúng tôi đã chọn Tam Lập là “mảnh đất thiêng” để cùng nhau xây dựng kinh tế”.
Đồng bào dân tộc Sán Chay tham gia nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc trong liên hoan văn hóa, thể thao đồng bào dân tộc huyện Phú Giáo
Nhìn chung, nhờ các chính sách đầu tư thỏa đáng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là của tỉnh, đời sống ĐBDTTS Sán Chay đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, phải kể đến sự vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của chính mình, họ đã biết thâm canh trồng cao su, hoa màu... Từ một vài người, hiện nay vùng đất Tam Lập đã là nơi sinh sống của hơn 30 hộ ĐBDTTS Sán Chay. Bên cạnh sự phát triển về kinh tế cũng đã kéo theo những thay đổi đối với bản sắc văn hóa dân tộc. Với cách nghĩ “phép vua thua lệ làng”, các hộ ĐBDTTS Sán Chay tại đây đã một phần hòa nhập với người Kinh. Điển hình trong đó là nhà ở. Xưa kia dân tộc Sán Chay sống chủ yếu trên nhà sàn. Nhà sàn đối với họ được mường tưởng như con “Trâu Thần”, 4 cột chính tượng trưng cho 4 chân, dui mè là xương sườn, nóc nhà được coi là sống lưng nhưng hiện nay nhiều hộ gia đình đã chuyển sang xây dựng nhà cửa khang trang. Song song đó, trang phục ăn truyền thống cũng đã được mặc theo chiều hướng đơn giản hoặc theo thời trang hiện đại của người Kinh. “Thấy thế hệ trẻ thờ ơ với trang phục truyền thống, chúng tôi thế hệ cha chú cũng lo ngại cho bản sắc văn hóa dân tộc mình. Tuy nhiên, phải thông cảm bởi trang phục truyền thống rất dày, dài và nóng, nếu mặc đi cạo mủ cao su, cuốc đất với khí hậu nắng nóng tại Bình Dương sẽ rất khó chịu”, anh Sự nói.
Những bản sắc văn hóa còn lưu giữ
Nhà ở, trang phục đã được “cách tân”, tuy nhiên, người ĐBDTTS Sán Chay sống tại xã Tam Lập vẫn cố gắng gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Điển hình họ đã sưu tập bộ kèn, trống đặc trưng của dân tộc Sán Chay. Với 1 cái kèn, 3 cái trống, 3 chiêng, được dùng đánh vào những ngày lễ, tết. Ông Sự, người giữ bộ kèn trống, nói: “Muốn chơi được dàn nhạc cụ này phải đủ 7 người. Trong các loại nhạc cụ chiếc kèn là nhạc cụ khó thổi nhất. Khi bắt đầu chơi, người cầm kèn sẽ thổi bắt nhịp trước cho các loại nhạc cụ khác. Bộ nhạc cụ này được góp từ các thành viên trong làng, mỗi người một món. Thông qua bộ nhạc cụ giúp người Sán Chay giới thiệu đến con cháu mình những bản nhạc “Sình ca”, lối hát giao duyên nam nữ với hình thức “Hát ở bản về ban đêm”, “Hát trên đường đi hoặc ở chợ”, những bài hát đám cưới...”.
Chia tay với ông Sự, chúng tôi đến thăm ông La Văn Hùng, người giữ hơn 20 bộ trang phục truyền thống dân tộc Sán Chay. Những trang phục này sẽ được những người lớn tuổi trong làng mặc giới thiệu đến con cháu trong các ngày lễ, tết. Theo quan sát của chúng tôi, trang phục truyền thống của người Sán Chay không thêu thùa nhiều màu sắc. Phụ nữ mặc váy chàm dài ngang bọng chân, mặc áo chàm dài ngang váy. Thường ngày, họ chỉ dùng một thắt lưng chàm nhưng ngày lễ họ dùng 2 - 3 chiếc thắt lưng bằng lụa với nhiều màu khác nhau. Nam giới búi tóc đội khăn xếp màu chàm có thêu hoa văn, mặc áo chàm dài hoặc ngắn, quần thụng màu nâu hoặc trắng.
Anh Hùng, chia sẻ, ngoài trang phục, nhạc cụ, điểm độc đáo của ĐBDTTS Sán Chay đó là văn nghệ. Dân tộc Sán Chay có nhiều truyện cổ, thơ ca, hò, vè, tục ngữ, ngạn ngữ. Sình ca, Tắc xinh là hình thức sinh hoạt văn nghệ phong phú hấp dẫn nhất của người Sán Chay. Song song với văn nghệ, vào ngày hội xuân, Tết Nguyên đán... chúng tôi còn tổ chức vui chơi giải trí, có những trò diễn sôi nổi như: đánh quay, “trồng cây chuối”, “vặn rau cải”, tung còn... Qua đó, giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu hơn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
T.LÝ - B.MINH