Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Những năm gần đây, cây ăn quả có múi dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp của huyện Dầu Tiếng. Đây được xác định là cây trồng trọng tâm thúc đẩy phát triển hàng hóa, góp phần thiết thực vào mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới huyện nhà.
Vườn cây có múi của gia đình ông Phan Hùng Cường, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: HỒNG NGA
Khai thác tốt lợi thế đất đai
Để giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác hiệu quả diện tích đất, những năm gần đây, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng đã xây dựng và triển khai các mô hình trồng cây có múi, tập trung chủ yếu ở các xã Minh Hòa, Minh Thạnh, Thanh An, Thanh Tuyền và thị trấn Dầu Tiếng.
Là một trong những hộ đầu tiên trong huyện tham gia mô hình này, năm 2016, ông Phan Hùng Cường, ngụ tại khu phố 1, thị trấn Dầu Tiếng đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo vườn trên khu vực sườn đồi tại ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng để trồng thử 2.000 gốc quýt đường và 620 gốc bưởi da xanh. Để cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, bên cạnh việc bón phân, gia đình ông đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp nước cho cây.
Nhờ linh hoạt trong lựa chọn giống và cách chăm sóc, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, cuối năm 2018 vườn quýt đường của gia đình ông Cường bắt đầu cho quả, chất lượng tốt, với khoảng 80 tấn quýt xuất ra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sắp tới. Hiện thương lái đến tận vườn của gia đình ông thu mua quýt với giá 22.000 đồng/kg.
Đây là lứa quýt đầu tiên ra thị trường, sau khi trừ chi phí, mỗi kg quýt gia đình ông có lãi trên 12.000 đồng. Trước khi cây quýt, cây bưởi bắt đầu cho trái, ông trồng xen kẽ cây ổi ruột đỏ và cũng khá thành công với mô hình này. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu hoạch 4 đợt ổi, mỗi đợt ông thu lãi 13 triệu đồng. Hiện nay, diện tích vườn cây ăn trái của gia đình ông lên tới 4,5 ha. Ông cho biết, dịp Tết Kỷ Hợi sắp tới ông sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan miễn phí. Qua đây, ông cũng sẽ thăm dò ý kiến người dân để hướng đến phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.
Không chỉ gia đình ông Cường, hộ ông Tống Văn Hướng, ngụ tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng cũng thành công với mô hình trồng cây có múi. Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, ông cùng một số gia đình trong xã đã thành lập Hợp tác xã Minh Hòa Phát. Hiện nay hợp tác xã có 11 hội viên với diện tích 61 ha, chủ yếu là trồng cam, bưởi, quýt. Các hội viên hợp tác xã còn được Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay 100 triệu đồng/hộ với lãi suất thấp để phát triển vườn cây.
Mở ra hướng phát triển mới
Theo ông Cường, để thành công với mô hình có múi, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, như sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học, tưới nước vào mùa khô, thoát nước vào mùa mưa, tỉa cành tạo tán, thụ phấn bổ sung nhằm nâng cao tỷ lệ đậu quả, cải thiện kích thước quả... Từ thành công ban đầu, ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và áp dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp và vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế vườn của mình cho các hội nông dân trong huyện.
Kết quả bước đầu của mô hình trồng cây có múi tại huyện Dầu Tiếng sẽ mở ra hướng phát triển mới, hướng làm giàu mới cho người nông dân khu vực nông thôn từ việc cải tạo vườn đồi trồng những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao tiêu chí thu nhập, góp phần giúp các địa phương duy trì đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Theo Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng, việc phát triển mô hình trồng cây có múi là bước đi đúng hướng theo quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 huyện Dầu Tiếng; Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái và Kế hoạch số 18 của UBND huyện về phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020.
HỒNG NGA