Đêm ấy vùng này không có chiến tranh
Mười bảy tuổi chị Phạm Thị Bảy về làm
dâu nhà người. Quê chồng và ông bà thân sinh chị đều ở thôn Khánh Lộc, xã Tân
Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Thủ Dầu Một bấy giờ. Người chồng hơn chị hai
tuổi, tên Ngô Văn Tài. Trong hai thời kỳ kháng chiến, gia đình chị Bảy làm
nông, làm ăn hợp pháp với địch ở vùng tranh chấp. Nhưng thực chất là cơ sở bí mật
trong hai cuộc kháng chiến và cho con em mình thoát ly làm cách mạng. Ngày 16-3-1946. Tại một trận càn ở
vùng này. Pháp đã bắn chết ông Ngô Văn Tài, khi chị mới 28 tuổi. Hoàn cảnh loạn
lạc, chị Bảy một mình gồng gánh địu con chạy giặc, tần tảo nuôi 5 con nhỏ. Sau
5 năm chồng mất, mối tình muộn mằn lại đến với chị. Đi bước nữa, người chồng
sau sống với chị cũng được không lâu thì mất. Thời gian ấy chị sinh thêm cậu
con trai (Ton) và cô gái Út… Bước sang năm 1947, Khánh Lộc thuộc
vùng chiến khu Hố Đá, chị Bảy cùng đồng bào vùng này đào địa đạo, lập làng chiến
đấu chống Pháp… Đồng bào rải truyền đơn, quyên góp tiền của ủng hộ kháng chiến,
đào hầm trong nhà giấu cán bộ. Ngô Văn Rén con trai thứ ba của chị Bảy kể lại:
“Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vào năm 1947 lứa tuổi chúng tui mới lớn nhưng
còn nhớ rất rõ. Bấy giờ, Hố Đá này còn là chiến khu chống Pháp, mẹ tui và bà
con chiến khu đã sát cánh cùng du kích đào địa đạo. Đây là một công trình sáng
tạo mà thời gian kiến tạo kéo dài nhiều năm. Địa đạo chống Pháp còn được sử dụng
và phát huy suốt cả thời kỳ chống Mỹ”. Ba Rén là tên thường gọi của anh từ hồi
còn nhỏ, còn trong thời gian hoạt động anh có biệt danh Chín Lùn. Chín Lùn đã
xuất hiện trong các truyện “Bà mẹ tu hành”, “Người chị dũng cảm”, “Ba mươi tết
giỗ Mười Nếp” mà tôi viết về vùng đất này. * * *Năm 1961, Ba Rén công tác tại huyện
Châu Thành, một lần trên đường về xã Tân Khánh, anh bị địch bắt. Lúc này mẹ Bảy
tuổi đã lớn, gia cảnh rối bời. Bà vừa được tin Tư Rẻn (xã đội phó) đêm qua cùng
du kích về đánh bót Bình Chuẩn đã hy sinh. Giờ lại tin Ba Rén Bị bắt! Nhà trống
vắng, chỉ còn mẹ và con gái út. Như còn hồ nghi, bà tất tả chạy ra bót xem có phải
con mình không? Thấy bà địch kêu lại gần, một thi thể nằm đó. Trưởng đồn hất
hàm: “Phải con bà không? Cùng chòm xóm tui nhận ra thằng Tư Rẻn đó”- “Dạ đúng
con tôi, xin ông trưởng đồn cho đem xác nó đi chôn!”. Tên hội đồng tề đứng cạnh
khúm núm, nham hiểm: “Thưa ông đội xếp phải bêu xác thằng Việt Cộng này ngoài
chợ để dân chúng không còn dám nổi loạn” - Trưởng đồn gật gù. Nhưng rồi bà năn
nỉ quá, hắn đành cho bà đem xác Tư Rẻn đi... Nhờ bà con xóm ấp chôn cất Tư Rẻn rồi
mẹ hối hả đi thăm Ba Rén. Bà lật đật ra đến đầu ngõ thì gặp con trai về. Mừng
quá! Bà níu lấy con mà hỏi: “Sao bảo con bị bắt?”. Không đợi trả lời, bà kể Tư
Rẻn hy sinh và khóc sướt mướt! Mới cách đây ít phút, mẹ Bảy còn hăng hái phải
tìm con bằng được mà giờ chân bà bước hết nổi? Khuôn mặt quá đau khổ của bà gầy
xọm đi. Lệ nóng ứa ra từ hai hốc mắt lăn trên gò má gầy guộc! Ba Rén vỗ nhẹ lên
đôi vai mảnh mai của mẹ, an ủi rồi dìu bà về nhà. Anh kể với mẹ: “Nhờ con không khai gì
hết nên hồ sơ vẫn trắng. Địch không khai thác gì được, cơ sở đâu vẫn vững đó.
Con nói với chúng: “Tui là người dân vùng này, đem tiền đi mua dầu cao su về
bán ở chợ Tân Khánh, bị lính Bảo an bắt giữ. Họ lấy hết tiền và nói phao lên
tui là du kích. Con được thả, chúng còn phải trả con cả món tiền đem theo khi bị
bắt”. Ba Rén kể với tôi: “Mình đã 3 lần vô
tù ra khám”. Lần thứ hai Ba Rén vô khám là vào đợt anh cùng hai cán bộ của trên
luồn rừng về công tác cơ sở. Họ gần tới điểm hẹn thì địch phát hiện. Không để
hai đồng chí mình sa lưới và giữ bí mật cho cơ sở, anh đánh lạc hướng địch, nhờ
vậy chỉ có mình anh bị bắt. Chúng đưa Ba Rén về chi khu, rồi giải anh về Nha cảnh
sát Sài Gòn. Tại đó, chịu đựng tra tấn, anh không khai gì hết . Địch đưa anh ra Côn Đảo. Tại đây Ba
Rén không nhận chế độ kỷ luật của nhà tù và chịu đựng tra tấn của địch. Ba Rén
không tiết lộ gì hết, hồ sơ của anh vẫn trắng. Khi địch lấy khẩu cung, anh
khai: “Tui chỉ ăn trộm một con gà và gây gổ đánh lộn với một người hàng xóm mà
bị tù” - “Chỉ có vậy sao?” - Cai ngục hỏi. Ba Rén đã thủ vai chàng nhà quê ngờ
nghệch rất đạt, nên địch tin. Tên cai ngục chửi bới om sòm bọn Bảo an Dân vệ ăn
hại “Quốc gia”… Chưa đầy mươi ngày anh có mặt công khai tại địa phương, với giấy
trả tự do của nhà tù Côn Đảo. Bọn địch ở vùng này nghi có sự nhầm lẫn nào đó
trong bộ máy của chúng? Chúng giả vờ yên lặng rồi chỉ sau thời gian ngắn lại bắt
anh - Đó là lần thứ ba anh vô khám. Địch lại đưa anh về chi khu, rồi giải
về Nha cảnh sát Sài Gòn. Trong lúc tạm giam chờ án, một tên lính có cảm tình với
anh đã hé lộ: Hồ sơ của anh còn trắng, chúng đang điều tra. Đây là cơ hội thuận
lợi cho Ba Rén giác ngộ tốp lính canh ngục. Một vài người trong số họ đã ngộ ra
con đường đúng đắn của cách mạng. Rồi vào một đêm đẹp trời, hai thanh niên
trong tốp lính ấy đã cùng Ba Rén vượt sông Sài Gòn đoạn chảy qua Bình Mỹ, đem
súng trở về với cách mạng. * * *Ngày 10-6-1964: Lực lượng bộ đội chủ
lực C62 kết hợp với Tiểu đoàn Phú Lợi về đánh bót Tân Khánh. Ngô Văn Rỏn, em thứ
năm của Ba Rén tham gia trận đánh này. Lúc
đó Rỏn là Tiểu đội phó tiểu đội xung kích đặc công. Trước đó Rỏn được
Ban quân sự tỉnh cho nghỉ chuẩn bị đi học. Nhưng Rỏn nhất định đòi được tham
gia trận đánh này, rồi mới tính chuyện đi học. Đồng đội kể: Mở màn, Năm Rỏn mau
lẹ dùng thủ pháo diệt hai lỗ châu mai tầng thấp. Anh đang cùng đồng đội tìm
cách đánh lỗ châu mai trên bót thì bị địch thả lựu đạn từ tầng cao xuống! Anh
đã hy sinh - lại thêm lần mẹ Bảy khóc con. Lần này mẹ không phải tới đồn năn nỉ
địch. Sau khi diệt xong bót Tân Khánh, thi hài Rỏn được đưa về chôn cất tại quê
nhà… * * *Dưới tán cây mít vườn nhà, Ba Rén nói
với tôi: “Chuyện của anh em tui thì dài dòng, kể như vậy vẫn còn thòm thèm, còn
cuộc đời má tui thì chỉ có vậy…”. Năm 1995, mẹ Phạm Thị Bảy đã được Nhà nước tặng
thưởng “Huân chương Độc lập”, danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Các con bà cũng
được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý khác, 3 người con được Tổ quốc ghi
công liệt sĩ. Nét chính về truyện mẹ Bảy, là mẹ đã sinh ra những người con dũng
cảm. Thêm vào câu chuyện đang rôm rả, Ba
Rén nhớ lại: Hồi còn chiến tranh, có dạo mỗi buổi tối địch bắt má lên bót, sáng
mai lại trả về. Làm như vậy để khống chế du kích không dám đánh bót. Vợ con tui
thì hoảng sợ - Còn bà thì nói vững dạ: “Ngày tên đồn trưởng còn nhỏ, bố nó đi
lính mẹ nó theo trai để con khát sữa, bà ngoại nó phải bế cháu đến nhà mình xin
mẹ cho cháu bú, thương tình mẹ cho bú - bởi nó cũng như trăm ngàn đứa trẻ khác.
Giờ nó không dám làm gì mẹ đâu?”. Rồi một tối, với quyết tâm diệt gọn
bót Bình Chuẩn, du kích sẵn sàng cho trận đánh. Nhưng gần tới giờ G lại được
tin, mới chiều đây trưởng đồn dùng xe Jeép chở má Bảy lên bót, giờ bà ở trong
đó. Các anh liền ngừng trận đánh, du kích rút lui. Qua đó mới thấy mẹ vĩ đại, sự
có mặt của mẹ ở đó dù là một đêm nhưng đêm ấy vùng này không có chiến tranh…NGUYỄN BÁ NHÂN