Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Nhằm đáp ứng linh hoạt các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo điều kiện cho khách hàng cập nhật kịp thời các thông tin liên quan, tiết kiệm thời gian và chi phí, Công ty Điện lực Bình Dương đã đẩy mạnh ứng dụng phát triển công nghệ thông tin trên nền tảng số, phấn đấu hoàn thành lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2019-2025.
Công ty Điện lực Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh nền tảng công nghệ số vào công tác sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Trạm biến áp 110kV Mỹ Hòa, TX.Bến Cát được đầu tư, trang bị công nghệ kết nối thông minh với Trung tâm Điều hành SCADA
Nền tảng số vững chắc
Ông Lê Hồng Khanh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD), cho biết trong năm 2022, PCBD đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đơn vị. PCBD không ngừng phát triển các hoạt động trực tuyến bằng nhiều giải pháp hiệu quả, nâng cao việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng sử dụng điện, vừa linh hoạt trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý điều hành, vừa tạo điều kiện cho khách hàng, đặc biệt đối với khách hàng vùng xa đô thị trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ cho cán bộ, công nhân viên, ngành điện đã tổ chức nhiều chuyến ra quân tuyên truyền và hướng dẫn cài đặt các ứng dụng tiện lợi cho khách hàng, như: Cấp điện điện tử, hợp đồng điện tử, ghi chỉ số và lập hóa đơn, tra cứu công nợ…
Hiện nay, các hệ thống phần mềm dùng chung của ngành điện đã căn bản thống nhất nghiệp vụ trên từng lĩnh vực hoạt động, đáp ứng những nghiệp vụ chính trong công tác quản lý về các lĩnh vực. Việc xây dựng nền tảng số của ngành điện nói chung và của PCBD được triển khai đồng bộ với giải pháp tối ưu, tiết kiệm chi phí, phù hợp với yêu cầu phát triển công nghệ thông tin. Cụ thể, hệ thống thông tin tập trung, hệ thống mạng cáp quang tốc độ cao với các thiết bị truyền dẫn dung lượng lớn, hệ thống lưu trữ với tính năng sẵn sàng cao, hệ thống bảo mật thông tin từng bước được hoàn thiện tốt hơn, nhất là áp dụng công nghệ ảo hóa cho hệ thống máy chủ, đem lại nhiều lợi ích như tăng tính di động, giúp việc quản lý và chia sẻ tài nguyên tốt hơn, đáp ứng nhu cầu về máy chủ cho các ứng dụng.
Mang lại lợi ích cho khách hàng
Việc triển khai cho khách hàng sử dụng dịch vụ trực tuyến của PCBD đã nhận được sự ủng hộ tích cực với 99,47% khách hàng tham gia giao dịch. Ngoài ra, 100% hồ sơ công việc trong lĩnh vực kinh doanh, chăm sóc khách hàng được xử lý trên mạng theo phương thức điện tử, số hóa. Từ việc ứng dụng môi trường làm việc số trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng, trang bị thiết bị thông minh và phần mềm ứng dụng hiện trường số hóa đã giải quyết kịp thời các yêu cầu, kiến nghị của khách hàng.
Các dịch vụ điện lực kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ mang lại sự thuận lợi, đơn giản cho khách hàng, khi các loại hồ sơ, giấy tờ cá nhân kèm theo giấy đề nghị mua điện như giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu sẽ được thay thế bằng các thông tin về số định danh cá nhân của công dân, chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú, nơi ở hiện tại, thông tin chủ hộ, số sổ hộ khẩu… thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng tiên phong trong kết nối hóa đơn điện tử (E-Invoice) và truyền nhận dữ liệu với hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế. Hệ sinh thái số của EVN sẽ giúp người dân không phải đến các cơ sở giao dịch để làm thủ tục các dịch vụ điện, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí in ấn hồ sơ, giấy tờ.
Ông Lê Hồng Khanh, Phó Giám đốc PCBD, cho biết thêm xác định chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng công nghệ thành công đó chính là “nhiệm vụ kép”, không chỉ hỗ trợ cho ngành điện lực mà còn hỗ trợ đắc lực cùng địa phương phát triển bền vững. Trên cơ sở xác định chỗ nào càng khó khăn thì chuyển đổi số sẽ lại càng đem đến nhiều lợi ích, ngành điện lực tăng tốc triển khai nền tảng số đến khách hàng, đặc biệt là khách hàng vùng xa. “Ngành điện xác định chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mà là quyết tâm cao vì mục tiêu phục vụ khách hàng tốt hơn”, ông Khanh nói.
Hiện nay, các phương thức thanh toán tiền điện mới mang lại thuận lợi cho khách hàng như QR code, Mobile Money; nâng cấp website và app CSKH, ứng dụng AI... Đặc biệt, các khách hàng ở vùng nông thôn, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng vẫn có thể thanh toán tiền điện theo hình thức không sử dụng tiền mặt. Thực hiện chuyển đổi số của ngành điện nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về điện của khách hàng, đồng thời tạo động lực để đơn vị hướng đến sự phát triển toàn diện và bền vững trên con đường hội nhập.
MINH DUY