| 13-05-2011 | 00:00:00

Đừng để mai một hình ảnh người thầy thuốc!

Thời gian trước đây, trên các phương tiện truyền thông có đăng tải phát hiện một phòng khám bệnh tư ở TP.HCM bác sĩ cho toa bán thuốc trị bệnh trẻ chán ăn rất hiệu quả. Thế nhưng, qua kiểm tra của ngành chức năng mới phát hiện các loại thuốc bác sĩ đó dùng trị bệnh đều là thuốc chống chỉ định dùng quá liều cho trẻ em, thuốc mang tính độc dược cao. Kết quả phòng mạch đóng cửa, bác sĩ đó phải chịu hình phạt của pháp luật. Mới đây nhất, một thông tin cũng làm xôn xao dư luận là vụ một nhóm thầy thuốc ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) làm giả hồ sơ bảo hiểm y tế để trục lợi... Trong những người vi phạm pháp luật này có cả những thầy thuốc còn khá trẻ?

Thời gian gần đây, trên địa bàn Bình Dương rộ lên thông tin “Thầy Yên trị bệnh câm điếc, bại liệt như một thần y”. Và thực tế phóng viên Báo Bình Dương có đi đến tận nơi, tận chỗ thầy Yên khám chữa bệnh để thông tin cho công luận khắp nơi biết về một người có khả năng đặc biệt chữa một số loại bệnh mà y học Tây y gần như bó tay. Từ đó nhiều người đã đưa thân nhân mình đến trị bệnh có kết quả bất ngờ. Thế nhưng thầy lại chữa bệnh không nhận tiền thù lao của bất cứ ai.

Và rồi từ chuyện có những thầy thuốc như thế của bức tranh tối sáng mà nhìn lại hoạt động khám chữa bệnh của các thầy thuốc. Hiện nay nơi nào cũng vậy, bác sĩ hành nghề khám bệnh đa phần kiêm luôn cả bán thuốc. Lại bẽ bàng hơn khi bác sĩ đưa cho người bệnh những viên thuốc đã bị bóc nhãn hiệu (do sợ bệnh nhân mua thuốc lần 2 ở nơi khác). Theo Luật Khám chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011 thì một trong những quy định là bác sĩ không được bán thuốc dưới mọi hình thức (trừ bác sĩ đông y, lương y). Tuy nhiên, tình trạng bác sĩ vừa khám bệnh, vừa bán thuốc vẫn diễn ra hết sức phổ biến và hầu như không được xử lý. Có nơi phòng khám lách luật bằng cách thuê dược sĩ đứng tên mở một nhà thuốc trong khuôn viên phòng khám. Chính vì vậy khi thanh tra y tế đi kiểm tra thì các phòng mạch này đều không phạm luật. Có phải lợi nhuận từ việc khám bệnh không nhiều và lợi nhuận chủ yếu là từ bán thuốc nên các phòng mạch đa số đều có hoạt động bán thuốc. Chính vì thế, các phòng mạch tìm mọi cách lách luật để thu được lợi nhuận cao hơn từ các phòng mạch tư nhân. Lại nữa, bác sĩ thường được các trình dược viên mời bán thuốc và qua mỗi đơn thuốc sẽ có phần trăm hoa hồng. Đó là khoản thu nhập không nhỏ đối với các bác sĩ đông bệnh nhân. Vì lợi nhuận, bác sĩ bán thuốc với giá trên trời và không quan tâm đến lợi ích của người bệnh là hành vi sai trái và vô trách nhiệm. Đa số thuốc được lột ra khỏi bao bì nên không ai biết là thuốc gì, hoặc thuốc còn hạn dùng hay không. Bên cạnh đó nhiều loại thuốc nội và thuốc ngoại khá giống nhau. Bác sĩ bán thuốc nội nhưng giá thuốc ngoại thì cũng chẳng ai biết. Hơn nữa việc phòng mạch bác sĩ kiêm bán thuốc còn làm cho Nhà nước thất thu thuế khá lớn.

Đã có những vụ việc vỡ ra từ sai phạm trong nghề thầy thuốc và không có liều thuốc nào trị bệnh được cho thầy thuốc. Không gì đánh đổi lại được với việc bị mất lòng tin về những người thầy thuốc, nếu không chú trọng lại việc giáo dục y đức cho người thầy thuốc tương lai từ lúc còn ở ghế giảng đường đại học. Song hơn hết chính người thầy thuốc cũng phải tự rèn luyện bản thân mình để có lối sống, phong cách sống có ích thật sự cho xã hội, cho đất nước. Đừng để một con sâu làm rầu nồi canh; đừng để mai một hình ảnh người thầy thuốc trong lòng mọi người.

 

 

Chia sẻ