| 12-01-2012 | 00:00:00

Góc khác của thế giới phế liệu!

May mắn được ngồi chung xe hơi với ông N., một đại gia trong ngành kinh doanh phế liệu tại TX.Dĩ An, ông N. bật mí: “Vừa lấy được hàng tại Công ty T.”... Rồi ông N. cao hứng cho biết hợp đồng mua phế liệu được giá hời, sắt phế liệu với giá chỉ hơn 5.000 đồng/kg. Tính ra người mua lời hơn 3.000 đồng/kg. Trong hợp đồng, ông N. ký mua số lượng hơn 1.000 tấn, số tiền lãi sẽ rất lớn. Ông mách nhỏ: “Phải “lót” 100 “chai” cho sếp mới được vậy đó!”. Đó là một phần nhỏ của câu chuyện về thế giới ngầm thị trường phế liệu đang diễn ra vùng giáp ranh giữa Sài Gòn - Bình Dương...

Tuy nhiên cũng ở đó còn có một góc khác của những mảnh đời cơ cực mưu sinh nghề “rửa phế liệu” để không chỉ kiếm cơm qua ngày mà chủ yếu là dành dụm tiền gửi về quê để nuôi gia đình... “Xóm hôi thối”, không biết cụm từ này xuất hiện từ khi nào, chắc có lẽ từ 10 năm nay khi khoảng hơn 20 người bắt đầu tụ lại khu Sóng Thần, giáp ranh Bình Dương và Sài Gòn để làm nghề sơ chế phế liệu, là công đoạn phân loại và làm sạch phế liệu trước khi tái chế.

Nghề phân loại

Rời bỏ quê Thanh Hóa với những ngày đói no thất thường, chị Nguyễn Thị Huệ đến với nghề phân loại phế liệu này cũng đã 10 năm nay, sau khi làm đủ nghề từ giúp việc nhà cho đến đi thuốc lá lậu. Chị cho biết đến với nghề phế liệu một cách tình cờ: “Lúc vào miền Nam ở nhà trọ thì tôi thấy những người dân Hà Tây làm phế liệu. Họ mua bao nilon cũ về rồi dùng tay xé nhỏ ra. Chúng tôi cũng bắt chước đi mua phế liệu, mua từ bao cát, sắt, đồng...”, chị Huệ thao thao kể về các công đoạn sơ chế phế liệu một cách rành mạch, như thể cái nghề này đã ăn vào máu của mình. Chị cho biết, trước khi phế liệu được mang đi tái chế nó phải qua nhiều công đoạn. Phế liệu sau khi mua về phải được phân loại như kiếng (PP), xốp (HD) hay dẻo (PE). Sau đó các sản phẩm này được giặt rửa, bằm nhỏ và đem phơi trước khi đóng thành từng khối để tái chế thành sản phẩm sử dụng hàng ngày. Các công đoạn này nghe qua thật đơn giản nếu máy móc có thể làm thay con người. Thế nhưng, không phải cơ sở sơ chế phế liệu nào cũng có điều kiện sử dụng máy móc và “xóm hôi thối” cũng vậy.

 Phân loại rác thải tại một cơ sở phế liệu khu vực Sóng Thần “Khi chưa có điều kiện mua máy, chưa mướn được bãi hay không có số lượng hàng nhiều thì phải giặt bằng tay và giặt như vậy cực lắm! Giặt tay còn mệt hơn bằm phế liệu bởi vì phải xé bao nilon cho vuông góc để bỏ vô thùng giặt”. Mỗi ngày tại “xóm hôi thối”, gần 20 con người ướt sượt phơi đầu trần đứng giẫm đạp trong thùng phuy như những con rối nước để “giặt” phế liệu. “Tôi phải ngâm xà phòng vào thùng phuy, bỏ bao vào và trèo vào thùng phuy đạp cho ra hết những chất dơ còn bám trong phế liệu hay các bao nilon thì bao mới trắng và sạch. Còn nếu chỉ rửa sơ thì mặc dù nhìn bao trắng nhưng khi phơi lên sẽ có ố vàng và khi nấu thành hạt nhựa lại không đẹp...”. Chị Nguyễn Thị Hoa, em gái chị Huệ tiếp lời.

Cơ cực mưu sinh...

20 chiếc thùng phuy chứa thứ nước đen ngòm là hỗn hợp của mồ hôi, của xà phòng, của đất cát và các chất dơ từ các phế liệu. Thứ hỗn hợp lợn cợn hôi thối ấy luôn ngập quá nửa người trong thùng phuy. Nghĩ đến cảnh những người này phải ngâm mình trong thứ nước ấy từ sáng đến chiều mỗi ngày mà rợn người. Chị Hoa cho biết, mỗi ngày thứ nước này văng vào miệng là bình thường vì hai chân làm việc nhiều quá đến nỗi mất cảm giác và quên rằng mình đang giặt phế liệu.

 Vui chơi cùng... rác   Thu gom rác thải, công việc mưu sinh của nhiều người

Công việc cực nhọc, đòi hỏi sự dẻo dai và không ngại mưa nắng vì mỗi ngày ngoài giặt phế liệu, họ còn phải phơi khô và đóng khối các sản phẩm. Có lẽ chính vì thế mà các công nhân ở đây có cả người Campuchia. “Người Campuchia chịu khó hơn và những người miền Bắc nếu đã từng làm nghề đóng gạch thì họ chịu được cực nhọc nên họ kham nổi nghề này. Chứ người miền Nam thì cũng ít có người bám trụ. Bởi vì cái nghề làm phế liệu nó vất vả và hôi thối lắm”. Chị Hoa còn kể rằng có mấy lần vì thiếu người, chị mướn dân địa phương nhưng không ai làm nổi một ngày vì bị thứ nước đen ngòm làm cho ngứa ngáy và mẩn đỏ. Ngay cả những người cùng quê ở Thanh Hóa từng làm gạch với chị cũng không thể làm quá tuần lễ.

Làm từ sáng đến tối, trung bình  mỗi người ra khoảng 100kg hàng khô mỗi ngày, nhìn số tiền kiếm mà xót mồ hôi. “Nếu tự mua hàng phế liệu còn dơ về tái chế thì 100kg hàng khô cũng có thể kiếm được 200.000 đồng. Còn nếu giặt mướn cho người ta thì kiếm khoảng 100.000 đồng”. Anh Tèng, một nhân viên người Campuchia làm việc tại đây lâu năm giải thích thêm: “Tùy theo người, nếu làm được việc thì kiếm được 80.000 - 90.000 đồng một ngày, còn nếu mới biết làm thì chỉ kiếm được 70.000 - 80.000 đồng một ngày. Mỗi ngày 10 người làm được khoảng một tấn bao đã phơi khô”. Vừa nghe anh Tèng trả lời, vừa nghe tiếng anh đạp xành xạch. Và anh cũng chỉ có thời gian nói được như thế vì còn phải làm việc.

Do hoàn cảnh nghèo khó, đa phần những người bám trụ tại đây là dân trôi dạt tứ xứ. Nơi đây là “xưởng” làm việc và cũng là nhà của những người này. Trong những căn lều tạm bợ, họ sống, ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt trên miếng đất chưa đầy vỏn vẹn một sào ruộng. Nghề làm phế liệu khá phổ biến và từ lâu đã trở thành một cái nghề dễ sống đối với rất nhiều người. Và đây cũng là nguyên nhân của nguy cơ bệnh hoạn, những vấn đề vệ sinh cùng vô số chuyện tế nhị khác.

...đành sống chung với lũ

Giọng trầm buồn pha chút ngượng ngùng, chị Huệ cho biết sống ở “xóm hôi thối” riết rồi ai cũng có cảm giác chị không sạch sẽ và chê bai chị. Có lẽ cũng chính vì thế mà chồng chị đã bỏ đi tìm một người đàn bà khác. Anh Sinh, một nhân viên rửa phế liệu tại đây cũng vì mặc cảm mình làm nghề “dơ bẩn” mà ngoài mảnh đất này, anh không hề dám đi đâu. Có lẽ vậy nên đã ngoài tuổi 40, người ta thấy anh vẫn phòng không chiếc bóng.

Chị Huệ tâm sự: “Có nhiều người nói với tôi là làm cái nghề này nguy hiểm, hôi thối và độc hại lắm, kêu tôi nghỉ đi. Tôi thì thấy mình vẫn khỏe mạnh, nhưng đúng là trong 10 người đã có 8 - 9 người bị viêm xoang. Bây giờ tôi cũng mắc chứng viêm xoang, đau đầu...”. Thế nhưng theo một số người “thà chịu hôi thối còn hơn chịu đói”. Đó cũng là tâm sự của chị Lại Thị Nhan, cũng quê Thanh Hóa, về cái nghề rửa phế liệu đã theo chị mấy năm nay: “Vì cuộc sống phải làm như vậy thôi, chứ không ai thấy nguy hiểm mà lại lao đầu vào cả. Tôi cũng từng nhận ra cái nghề này cực và độc hại quá, cũng muốn nghỉ để đi buôn bán, nhưng mà vốn tìm đâu ra?”.

“Má chồng tôi khuyên tôi bỏ nghề phế liệu đi bán thịt heo dạo kiếm sống. Nhưng tôi nghĩ liệu biết mình có duyên buôn bán chăng nên đành theo nó đến bây giờ”. Chị Nhan, phân bua: “Ngoài quê tôi khổ lắm, không có tiền đi học nên chỉ đến lớp 5 là tôi đã bỏ học rồi. Nghề này hôi thối, ô nhiễm và láng giềng kiện tụng vì mùi của phế liệu. Nhưng nếu không làm nghề này tôi cũng chẳng biết phải làm gì cả để nuôi con”.

Sau thắc mắc của chị Nhan chỉ là những khoảng lặng bởi vì nhiều người hiểu rằng ngay cả những người có trình độ còn phải chạy vạy từng bữa ăn trong cảnh vật giá leo thang, thì quả thật không có nhiều lựa chọn cho một bà mẹ trình độ lớp 5 với chút vốn liếng ít ỏi.

NGUYỄN GIA ĐỊNH

Chia sẻ