| 16-03-2012 | 00:00:00

Hãy đi từ những việc làm cụ thể

Hết tăng giá xăng, doanh nghiệp, người dân chực chờ... tăng giá điện. Dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa có tờ trình chính thức nhưng tại hội thảo quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ở Việt Nam vào sáng 14-3 vừa qua, nhiều ý kiến phân tích lý giải cho thấy khả năng tăng giá điện là hiện hữu. Cục Quản lý giá Bộ Tài chính thì khẳng định năm 2012, giá điện sẽ được điều chỉnh dần theo giá thị trường vào thời điểm thích hợp, theo hướng dần bù đắp các chi phí thực tế, hợp lý phải bỏ ra để sản xuất, kinh doanh điện, đặc biệt gồm các chi phí còn “treo” lại chưa được tính vào phương án giá điện. Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc, cho biết EVN đang tính toán phương án tăng giá điện với mức tăng ít nhất 5% do áp lực tăng giá đầu vào như giá dầu diezel, giá bán khí cho điện từ 1-1-2012 đã tăng theo lộ trình... cộng thêm việc giảm bớt sức ép từ các khoản lỗ treo lại. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giá bán lẻ điện năm 2012 sẽ tăng ở mức trên 10% dưới 15,6%...

Chỉ mới tăng giá xăng mà những ngày qua, có lẽ không thể thống kê được hết những mặt hàng đã tăng giá hoặc chuẩn bị tăng giá trong thời điểm này. Dự báo khi tăng giá điện, giá cả các mặt hàng khác sẽ tiếp tục tăng như thế nào? Rõ ràng, một cơn “bão giá” đang có dấu hiệu hình thành và có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Người dân, nhất là những người lao động sống bằng đồng lương chỉ mong đừng để “té nước theo mưa” và cuộc đua không cân sức giữa giá cả ngoài thị trường và đồng lương hy vọng không làm cho bữa cơm của từng gia đình eo hẹp lại. Tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức được điều chỉnh từ mức 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng/tháng sẽ thực sự ấm lòng.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm nay chỉ tăng 2,38% - mức tăng gần thấp nhất so với cùng kỳ 10 năm lại đây (chỉ sau mức tăng 2 tháng đầu năm 2009). Trước tình hình đó, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và từng người dân phải ráo riết vào cuộc, hãy đi từ những việc làm cụ thể trong quá trình thực hiện các nhóm giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Những hành vi “té nước theo mưa” tăng giá bất hợp lý, đầu cơ nguồn hàng nhằm thao túng thị trường cần phải bị xử lý nghiêm khắc. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước phải làm hết khả năng của mình không để “bão giá” hoành hành trong xã hội, ảnh hưởng đời sống người dân.

MAI HUY

Chia sẻ