| 29-12-2020 | 10:51:02

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia chuỗi cung ứng

Thời gian qua, nguồn vốn khuyến công của tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các DN trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.


Công ty TNHH Cơ khí sắt thép Thanh Hiền (TX.Bến Cát) đầu tư công nghệ tự động trong sản xuất các linh kiện ngành cơ khí

Không ngừng đầu tư sản xuất

Hiện nay, do CNHT chưa phát triển, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu - đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử; dệt may; da - giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô... Chính vì vậy, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất trong thời gian đầu năm 2020. Phải đến khi các quốc gia nêu trên đã qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi.

Việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; CNHT kém phát triển khiến Việt Nam không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất, dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu. Trước tình hình đó, các DN trong nước nỗ lực không ngừng đầu tư sản xuất, nắm bắt được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí sắt thép Thanh Hiền (TX. Bến Cát), cho biết ngành cơ khí vẫn được ví như “xương sống” của nền kinh tế, là nền tảng và động lực hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng. Mặc dù đạt được một số thành tựu, song công nghiệp cơ khí chế tạo, gia công của Việt Nam phát triển chậm, thậm chí bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Tình hình chung của hầu hết các DN trong nước đều thiếu vốn, công nghệ, thiết bị chế tạo còn lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm công nghệ; vốn ít, việc tiếp cận vốn của ngân hàng với lãi suất thấp hết sức khó khăn. Việc đầu tư của ngành cơ khí chế tạo, gia công những năm qua còn phân tán và chưa đồng bộ, việc phối hợp liên kết chưa thực hiện được, từ đó ngành cơ khí phải đối mặt không ít khó khăn có thể kể đến như: Nguồn nguyên liệu, quy mô sản xuất và công nghệ. Nhận thấy những khó khăn trên, Công ty TNHH cơ khí sắt thép Thanh Hiền đã không ngừng đầu tư sản xuất, cũng như đổi mới công nghệ, áp dụng máy móc tiên tiến vào gia công sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất bảo đảm sau khi đầu tư công ty không những có thể tăng sản lượng, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm mà còn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường. Đây được xem là yếu tố sống còn của công ty. Và sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công lúc này đối với DN là một hành động thiết thực để đưa DN ra “biển lớn”.

Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty TNHH SX DV TM Cơ khí Kim Chung (TX. Tân Uyên), công nghiệp phát triển sâu và mạnh trong những thập niên trở lại đây, để nâng cao sản xuất các DN cần chuyên biệt hóa sản xuất, chính vì vậy nhu cầu về những sản phẩm phụ trợ ngày càng tăng. Đó là tiền đề cho ngành đúc kim loại phát triển mạnh do nhu cầu sử dụng sản phẩm đúc kim loại ngày càng cao. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường phát triển nhanh và mạnh trong thời gian gần đây, Công ty Cơ khí Kim Chung đã mạnh dạn đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị mới, hiện đại nhằm phục vụ cho công việc đúc kim loại của công ty. Nguồn vốn khuyến công địa phương đã hỗ trợ công ty trang bị máy quang phổ phát xạ phân tích thành phần kim loại Model PDA-MF, sản xuất bởi hãng Shimadzu (Nhật Bản) nhằm quản lý, ổn định thành phần chất lượng sản phẩm đúc đồng đều trước và trong khi sản xuất; đáp ứng nhu cầu các đơn hàng và mở rộng sản xuất của công ty trong giai đoạn hiện nay. Với máy này, ngành đúc kim loại có nhiều thuận lợi để tạo ra hàng ngàn chi tiết khác nhau, ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực công nghiệp như chế tạo máy, chế tạo phương tiện giao thông vận tải, dầu khí, hàng hải…

Tạo sức lan tỏa lớn

Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung (TX.Tân Uyên), hiện nay khách hàng đặt ra yêu cầu giá cả hợp lý, đáp ứng một số tiêu chí như mẫu mã, chất lượng, kiểu dáng đồng đều và nhất là phải thân thiện với môi trường. Những yêu cầu này tuy không mới và không cao nhưng sẽ khó thực hiện cho những cơ sở sản xuất, chế biến sử dụng hệ thống thiết bị, công nghệ lạc hậu; sự yếu kém này dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp. DN sản xuất muốn tồn tại, phát triển cần phải thực hiện đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, năng suất cao, giá thành thấp. Đây là bài toán không dễ đối với DN vừa và nhỏ với nguồn vốn có hạn, khả năng vay vốn ưu đãi khó khả thi. Vì vậy, việc hỗ trợ từ nguồn ngân sách của tỉnh, của ngành khuyến công thực sự có ý nghĩa đối với DN cũng như đối với xã hội trong quá trình thúc đẩy kinh tế phát triển.

Để tham gia được chuỗi cung ứng, ông Đào Minh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Phương Vy (TP.Thuận An) khẳng định, nhìn từ thực tế, phần lớn DN sản xuất CNHT trong nước có quy mô nhỏ, khả năng cung ứng thấp, việc kiểm soát chi phí sản xuất chưa cao... dẫn đến việc nắm bắt ngay cơ hội chuyển dịch đơn hàng, nhất là những đơn hàng lớn, đòi hỏi chất lượng ổn định, thời gian giao hàng ngắn... cũng không phải dễ dàng. Thêm vào đó, có nhiều DN Việt băn khoăn nếu đi trước một bước, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng nếu không tìm được lối vào, sẽ không biết bán sản phẩm cho ai. Chính điều này là rào cản khiến họ e dè trước khi đầu tư và cần cam kết của bên mua hàng. Và chỉ có việc đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, hiện đại hóa công nghệ sản xuất là giải pháp quan trọng để tiếp cận với khách hàng FDI. “DN thường xuyên đổi mới máy móc thiết bị công nghệ sản xuất, sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tối đa các khoản chi phí. Sản phẩm vừa có khả năng đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường”, ông Ngọc chia sẻ.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp, cho biết việc ưu tiên nguồn vốn khuyến công để hỗ trợ các DN ngành CNHT sẽ giúp DN đáp ứng nhu cầu của ngành trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là hoạt động thể hiện rõ nét vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ sở công nghiệp nông thôn có điều kiện đổi mới máy móc, thiết bị có công nghệ tiên tiến, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá trong hoạt động sản xuất. Hoạt động hỗ trợ này góp phần thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong 10 năm tới, Việt Nam phải lọt vào 15 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất, phấn đấu trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản có thương hiệu, uy tín trên thị trường thế giới.

 TIỂU MY

Chia sẻ