Hoa tím miền Đông
Ngày phố trở mình, trời miền Đông tím đến ngẩn ngơ với sự khoe sắc của
hoa bằng lăng. Những ngày nóng đến rát da bỗng như mát hẳn bởi màu tím dịu ngọt
của bằng lăng trên khắp các nẻo đường. Cảm giác như chỉ ở vùng đất này, bằng lăng
mới có thể khoe hết nét duyên vốn có. Không chỉ có những tán bằng lăng được chăm
chút cẩn thận ven các con đường bên trong thị xã đua nhau khoe áo tím, mà bằng
lăng dọc đường ĐT743, đại lộ Bình Dương và cả đường về nhà mình, ở nơi nửa quê
nửa phố, sợ không ai nhìn thấy áo tím, cũng rướn cành, nghiêng nhánh ra đường
mà đơm hoa. Người ta bảo, chỉ có ở cao nguyên Đà Lạt, giữa lãng đãng sương, màu tím
mới có thể khoe duyên. Chứ như ở cái vùng Đông Nam bộ
này, không có sự lãng mạn để cho bằng lăng e ấp... Vậy nhưng nếu dời bằng lăng
về nơi dịu nắng hơn, chắc hoa không thể tím đến nao lòng như ở nơi này.Cuộc sống công nghiệp, dịch vụ mới quá hối hả làm Bình Dương gần đây mất
hẳn nét trầm tư, tĩnh lặng. Phố không còn sự ung dung, thư thái mà hối hả dòng người,
dòng xe chiều tan tầm, sáng tất bật đến công sở, trưa vội vàng chỉ để trốn nắng.
Có lẽ đến 2/3 người dân xứ này quên hẳn sự hiện diện của bằng lăng lúc sang
mùa. Vậy mà bằng lăng vẫn thủy chung tô điểm cho phố suốt mùa nắng. Lâu quá mới
có buổi sáng không hối hả, mình nhận ra rằng, màu tím ở cái vùng đất toàn là
công nghiệp này cũng đủ làm cho phố phải ngẩn ngơ. Thứ cây cứ đợi nắng gắt mới
chịu nở hoa, có lẽ để làm dịu mát hơn cho người và phố. Nhiều năm nay, khi Bình
Dương được quy hoạch khang trang hơn, cây xanh trong thành phố cũng được chăm
chút nhiều. Người ta chú ý đến việc trồng riêng biệt một loại cây, loại hoa
trên suốt tuyến đường dài, để mỗi con đường, mỗi dáng phố có đặc trưng riêng.
Và bằng lăng được chọn trồng trên nhiều tuyến đường của tỉnh. Bởi loại cây này
quanh năm không chỉ cho bóng mát, mà mùa nắng thì rực rỡ hoa, làm phố dịu mát
và cũng làm cho những khối bê tông của những công ty, xí nghiệp và những khối
nhà cao tầng ngoài kia đỡ khô cứng và ngột ngạt.Nhiều người xa quê, bon chen với
cuộc sống thị thành, lâu ngày về đây cứ thích bước trên những con đường đầy bằng
lăng để thấy lòng thanh thản. Với họ, cái thói quen hiển nhiên tự hình thành đó,
hình như cốt để tìm cho được hương của loài hoa tím cánh mỏng dính này. Vậy mà
mãi cũng chưa ai định dạng được hương bằng lăng. Bởi đơn giản những loài hoa
càng lâu phai thì càng không có mùi. Hoa không hương, kể ra cũng chán thật! Nhưng
có một điều chắc như đinh đóng cột mà rất nhiều người thấy được: Nếu bây giờ đi
trên những con đường của các tỉnh miền Đông nói chung và Bình Dương nói riêng,
mà không có bằng lăng sẽ thấy đường phố thiếu và vô duyên lắm, vô duyên như lên
Đà Lạt mà không có dã quỳ vậy! HỒ NGỌC