| 20-05-2016 | 15:24:07

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển y dược cổ truyền

(BDO) Sáng 20-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động phát triển y, dược cổ truyền (YDCT) Việt Nam đến năm 2020. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Dương có ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban ngành và các đơn vị y dược trên địa bàn.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Dương.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ, công tác phát triển YDCT trên toàn quốc đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của ngành y tế và khẳng định vị thế của nền y học cổ truyền Việt Nam. Các chỉ tiêu cơ bản tính đến năm 2015 đều tăng đáng kể. Cụ thể, mạng lưới KCB bằng YDCT tuyến tỉnh tăng từ 53 bệnh viện lên 58 bệnh viện; 92,7% bệnh viện đa khoa, chuyên khoa các tuyến hình thành khoa hoặc tổ y học cổ truyền; mạng lưới KCB y học cổ truyền tại trạm y tế xã ngày càng phát triển, tăng 4,9% so với năm 2010; tỷ lệ khám bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại ở tuyến huyện và trạm y tế tăng 6,2%...

Tại hội nghị, đại diện Sở Y tế Bình Dương cũng có báo cáo tham luận về công tác đấu thầu lược liệu, vị thuốc cổ truyền trong cơ sở KCB công lập tại địa phương. Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc nói chung, trong đó có đấu thầu dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền nói riêng; xây dựng hồ sơ mời thầu và ban hành Thông tư hướng dẫn để các cơ sở y tế có căn cứ mua sắm hàng hóa chất lượng, hiệu quả.

Ông Ngô Tùng Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế trình bày tham luận tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu thời gian tới cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý Nhà nước về YDCT Trung ương, hình thành tổ chức quản lý Nhà nước về YDCT thuộc Sở Y tế; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực y học cổ truyền; nghiên cứu trình Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi về nuôi trồng, kinh doanh dược liệu. Đặc biệt, cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng dược liệu nhằm thương mại hóa sản phẩm dược liệu.

Tin, ảnh: HỒNG THUẬN

Chia sẻ