| 18-12-2020 | 08:00:15

“Kẻ sĩ” cù lao Rùa

Chúng tôi đến cù lao Rùa vào một ngày sắc xuân chớm nở, chạy xe dọc những tuyến đường văn minh kiểu mẫu trong tiết trời trong xanh mà lòng bỗng thấy bình yên đến lạ. Thạnh Hội dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn không mất đi nét đẹp yêu kiều của xứ cù lao sông nước.

 Ông Mai Sông Bé giới thiệu những cuốn sách hay với độc giả

 “Con dồng dộc” hát lời yêu thương

Từ bến đò cù lao Thạnh Hội (xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên), chúng tôi di chuyển theo hướng bắc khoảng một trăm mét rồi rẽ trái, ẩn mình phía sau những hàng cây râm mát là ngôi nhà nhỏ, xinh xinh của “kẻ sĩ” cù lao Rùa, ông Mai Sông Bé - người tự nhận mình là “cánh chim dồng dộc” muốn gửi lời tạ ơn đến tạo hóa, đất nước, cuộc đời và những người đã có duyên gặp gỡ trong cuốn tự truyện “Chim bay về núi tối rồi” được ấn hành bởi Nhà xuất bản Đồng Nai vào cuối năm 2016.

Từ ngã tư bến đò, chúng tôi đi vài bước chân đã thấy thấp thoáng phía xa dáng dấp người đàn ông nhỏ bé đang đeo cặp kiếng dày cộm đứng chờ. Biết đến tên ông từ khi còn là sinh viên, nhưng thú thật, đây mới là lần đầu tiên tôi có dịp được gặp ông ngoài đời và ông vẫn như vậy, không khác gì so với những gì tôi mường tượng qua những trang sách mà ông viết trước đó.

Ông Mai Sông Bé kể, sau khi về hưu, ông bàn với vợ quay trở về quê hương Thạnh Hội để sống cảnh già thanh bình. Ở nơi đây, hàng ngày, ông vẫn được ngắm nhìn hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò mà thuở nhỏ ông đã sớm khắc ghi vào tâm khảm. Chia tay những bộn bề lo toan của công việc, trở về với cảnh sống an nhàn nơi chôn nhau cắt rốn được vài tháng, bỗng dưng lòng ông không khỏi bận tâm. Hàng đêm trằn trọc, thao thức không ngủ được bởi qua sự quan sát của ông, đời sống văn hóa, đặc biệt là văn hóa đọc của dân cù lao còn thiếu thốn quá.

Sau những ngày nằm viện điều trị bệnh, trở về nhà, ý tưởng về việc lan tỏa văn hóa đọc, văn hóa nghe nhìn cho người dân cù lao Rùa càng được nung nấu mạnh mẽ hơn trong suy nghĩ của ông Mai Sông Bé. Ông mong rằng, với việc tăng cường đọc sách, mọi người sẽ được trang bị thêm tri thức, sống bao dung, nhân hậu và nghĩa tình hơn.

Nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, ngày 3-11- 2017, Thư viện sách cù lao Thạnh Hội của ông chính thức mở cửa đón nhận những người bạn đến thưởng trà, đọc sách tại chỗ hoặc mượn sách về nhà đọc miễn phí. Ban đầu, ông chỉ dự kiến mở một thư viện nhỏ với khoảng 2.000 đầu sách có sẵn trong kệ sách của cá nhân, nhưng hành động của ông đã chạm đến trái tim của nhiều người đam mê lan tỏa văn hóa đọc. Thế rồi, theo thống kê của ông đã có hơn 10.000 đầu sách và thư viện đã bắt đầu có dấu hiệu quá tải về không gian.

Những vị khách đặc biệt

Bước vào nhà ông Mai Sông Bé, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là khu vực bàn thờ được bài trí trang nghiêm. Ở đó, ông thờ phụng ngũ vị văn nhân (Bình Nguyên Lộc, Huỳnh Văn Nghệ, Trịnh Hoài Đức, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn) và các anh hùng, nhà báo, nhà văn có công với nền báo chí, văn chương cách mạng miền Nam. Tiếp chúng tôi trong không gian được bao trùm bởi cơ man những cuốn sách quý, ông Mai Sông Bé kể về những câu chuyện thời mở cõi phương Nam, đặc biệt là các sự tích về vùng đất Thủ - Biên ngày ấy. Mỗi câu chuyện được ông kể đều như muốn dẫn dắt chúng tôi về thuở khai hoang, mở cõi để chứng kiến những thước phim về lịch sử hình thành và phát triển văn hóa, vùng đất phương Nam ngày nay.

Chia sẻ với chúng tôi về việc thờ phụng ngũ vị văn nhân, ông Mai Sông Bé - người có đam mê bất tận với con chữ cho biết, ông biết ơn vùng đất nơi sinh ra mình, thế nên càng biết ơn tới các vị tiền nhân, những người có công khai phá vùng đất và văn hóa phương Nam nói chung và vùng đất Thủ - Biên nói riêng nên việc thờ phụng là lẽ đương nhiên. Ngoài ra, ông cũng hy vọng rằng, thông qua việc thờ phụng ngũ vị văn nhân và các nhà văn, nhà báo có công với văn hóa và vùng đất phương Nam cũng là một cách để giáo dục cho thế hệ trẻ có lòng biết ơn và luôn nhớ về tiền nhân.

Sau hơn 2 năm hoạt động, thư viện của ông Bé đã trở thành điểm đến quen thuộc cho nhiều độc giả gần xa. Thống kê sổ mượn sách của ông cho thấy, tính đến giữa tháng 12-2020, thư viện đã cho hơn 2.200 lượt khách mượn trên 4.500 đầu sách. Ngoài ra, thư viện của ông cũng là nơi để những người bạn đồng niên đến thưởng trà và điểm báo mỗi buổi sáng.

Với ánh mắt không giấu nổi sự vui mừng, ông Bé cho biết, hàng ngày có khoảng 10 - 12 lượt khách đến mượn sách về nhà đọc, trong đó hơn 50% là các cháu học sinh các cấp. Tuy nhiên, từ ngày khai trương thư viện đến nay, độc giả mà ông cảm thấy quý mến và nể phục nhất có lẽ là ông Lê Tuấn Lâm, làm nghề bán vé số ở phường Thạnh Phước. Ông Bé cho biết, cứ mỗi 3 ngày sau khi bán hết vé số, ông Lâm lại đạp xe đến thăm thư viện để trả sách đã mượn trước đó và mượn thêm sách mới về đọc. “Nhìn thấy những trang sách đã được mở ra và gấp lại một cách chỉn chu, cẩn thận, tôi càng cảm thấy yêu thương và trân quý ảnh (ông Lâm) hơn”, ông Bé chia sẻ.

Không chỉ có ông Lâm, gần đây, thư viện của ông Bé còn thường xuyên tiếp những vị khách đặc biệt có sở thích nghiền ngẫm, ngấu nghiến con chữ. Trong số này có học sinh, sinh viên đến từ các trường đại học và cả những người bạn đồng niên của ông. Mỗi lần lật một trang sách, tựa thể như vừa có một trải nghiệm thực tế sống động, người đọc có thể rút ra được những chân lý với tình yêu thương bất tận được các nhà văn, nhà báo gửi gắm vào đó.

 Ông Mai Sông Bé cho biết, ông vừa có buổi làm việc với Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Bình Dương và UBND xã Thạnh Hội để phối hợp mở không gian phát triển văn hóa đọc “Sữa - Sách” cho các cháu thiếu nhi trên địa bàn xã Thạnh Hội. Theo đó, ông Bé sẽ tài trợ và vận động quyên góp sách giáo dục truyền thống tình yêu quê hương đất nước cho các cháu. UBND xã Thạnh Hội sẽ hỗ trợ xây dựng, quản lý và bảo dưỡng không gian đọc, Tỉnh đoàn sẽ kết hợp với chương trình “Một triệu ly sữa” do Trung ương Đoàn phát động trước đó. Tin rằng, sự kết hợp nói trên sẽ không chỉ giúp trẻ em cù lao Rùa được phát triển thể lực, chiều cao và trí não mà còn tạo ra một chương trình giáo dục đầy tính nhân văn về tình yêu quê hương, đất nước và con người

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ