| 29-03-2019 | 08:53:27

Khi lòng nhân ái “đơm bông”

Người đàn bà đó đã “qua mùa nhan sắc” nhưng nhìn kỹ, nét đẹp vẫn còn vương vấn. Chị ngồi trầm tư nhìn mọi người xung quanh. Chị ít nói chuyện với ai và cũng không mặn mà trả lời khi tôi gợi chuyện làm quen. Thế nhưng, khi đã gợi đúng vào nỗi đau của thân phận, chị đã tâm sự như một lần để trút cạn nỗi buồn. Còn tôi bỗng dưng thấy trân quý biết bao người đàn bà đã vươn lên từ tủi nhục này… Đó là chị T. (xin được giấu tên) tham gia các câu lạc bộ thuộc Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống.


Chị T. là một trong những thành viên luôn tích cực vận động cho các hoạt động từ thiện xã hội để giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn

Tận cùng tủi nhục

Như nhiều người nói về chồng cũ, chị cũng dùng từ “tập một”. Và đó là những ngày đắng cay muôn vàn mà giờ chị nói “đôi khi nhớ lại còn hoảng hốt giật mình!”. Chị không ngại nói đầy đủ tên họ, nhưng chỉ xin được gọi là chị T. “Những nỗi khổ trong cuộc đời của chị xuất phát từ người chồng trước nghiện ngập và lười biếng. Quê ở miền Trung, chị T. cùng gia đình vào Nam lập nghiệp. Chị lấy chồng sớm khi chưa có công việc ổn định. Những tưởng, vợ chồng cùng nhau làm ăn sinh sống nhưng anh chồng lại lao vào con đường cờ bạc rồi nghiện ngập. Cuộc sống của chị trải dài trong nước mắt cũng từ ngày theo chồng. Đó là những trận đòn của chồng khi anh ta lên cơn nghiện mà không có tiền, khi anh ta say, khi anh ta bị bạn bè ức hiếp. Nói chung là tình huống nào tôi cũng bị lôi ra đánh đập. Mà tiền đâu để đưa? Bản thân tôi hồi đó đi làm thuê nuôi con còn không đủ”, chị T. tâm sự.

Đau khổ tận cùng là anh ta không những không cai nghiện mà còn “tập” cho vợ hút chích xì ke rồi nghiện ngập, cờ bạc như mình. Không có ai bên cạnh để khuyên nhủ, động viên, để chỉ cho chị con đường... thoát thân, chị T. dần dần trôi theo cuộc sống nghiệt ngã đó. Và rồi, để có tiền lo cho con, lo cho chồng hút chích, chị T. bước chân vào con đường mại dâm hồi nào không hay. Những đồng tiền khủng khiếp mà chị kiếm được đó anh chồng thản nhiên nhận và chị cứ thế lún sâu hơn vào tủi cực. Chị T. kể rằng: “Có ngày chị phải tiếp nhiều lượt khách, có khi bị khách quỵt tiền, có khi khách thương lắm nhưng cũng đành coi nhau như... tình một đêm. Có hết em à! Chuyện của chị viết thành cả quyển sách về những ngày cay đắng đó”. Giọt nước mắt ngân ngấn nơi khóe mắt chị T. lâu thật lâu mới từ từ lăn trên gò má chị. Khi con người ta “khó khóc được”, nghĩa là họ đã chịu quá nhiều cay đắng rồi...

Cho đến khi chị phát hiện mình bị nhiễm HIV/AIDS thì mọi chuyện hầu như sụp đổ. Hoang mang và lo lắng, chị T. kể đó là những ngày sống không bằng chết với những lo toan, ân hận, khổ sở và oán ghét người chồng đã gây nên cho chị bao niềm khổ ải này. May mắn là hai đứa con của chị không bị nhiễm HIV. Đó cũng là điều níu kéo chị với cuộc đời này chứ không, chị đã quyên sinh tìm đến giải thoát cho cuộc đời trầm luân đó.



Nhóm tuyên tuyền, giúp đỡ người có AIDS luôn có sự đồng hành của chị T.

Ngày bị đưa vào Trung tâm Giáo dục lao động - tạo việc làm, chị T. bắt đầu “sắp xếp lại cuộc đời của mình”. Chị được chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh và được làm việc cùng với những người bạn ở trung tâm. Chị kể: “Đến lúc đó, tôi mới biết thế nào là lao động chân chính, là tự mình làm lên những sản phẩm mây tre lá thật là đẹp. Những điều nhỏ nhặt tôi gom góp từng ngày khiến tôi thấy thật đáng quý. Bởi trước đó, tôi có làm được điều gì đâu. Con cái thì lây lất, nhờ người này người kia chăm. Tôi thì triền miên trong chuỗi ngày cay đắng tủi nhục và đau khổ chứ không làm được việc gì hết. Tôi quyết tâm không trở lại con đường đó nữa”. Lúc đó, chị mới ngoài 30 tuổi và có “thâm niên” hơn 10 năm chìm đắm trong vũng lầy mà chị đã oan nghiệt vướng vào.

Ngày trở về nhà cũng là ngày chị được tin chồng đã mất.  Lại nuốt nước mắt vào lòng, chị tâm sự: “Nói ra thì quá bất nhẫn nhưng thật sự, từ khi anh ấy mất, cuộc sống của tôi mới bắt đầu có chút ánh sáng. Tôi không còn nơm nớp sợ anh ta đến tìm để quậy phá, để đánh đập như trước nữa. Con tôi cũng không phải chịu những cảnh khủng khiếp giữa ba mẹ chúng. Tôi bắt đầu suy nghĩ rằng mình phải làm một việc gì đó ít nhất là để cho hai đứa con có một cuộc sống tốt đẹp hơn, không giống như cha mẹ của chúng!”.

Tìm lại niềm tin

Chị T. kể tiếp: “Những ngày được trở về nhà, tôi “kỷ luật sắt” với bản thân mình. Hoàn toàn cắt đứt với những ai liên quan trước đây, giấu hết thân phận của mình, tôi đi kiếm việc làm nuôi con. Và rồi, trong một lần đến Trạm Y tế phường để lấy thuốc điều trị HIV, tôi ngồi chờ đợi ở ghế đá thì anh ấy - người chồng hiện tại của tôi đến làm quen. Anh nói sao nhìn gương mặt em buồn quá vậy và hỏi vu vơ vài câu. Khi biết cả hai cùng cảnh ngộ vì anh cũng bị nhiễm HIV thì chúng tôi nói chuyện với nhau cởi mở hơn. Sau đó, cả hai quan tâm động viên nhau để chữa bệnh, để sống lành mạnh hơn. Chúng tôi cùng tham gia các câu lạc bộ thuộc Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống để tự giúp mình và giúp nhiều người khác nữa”.

Cả hai đều nhiễm HIV/AIDS nên họ quyết định không sinh thêm con mà lo làm ăn buôn bán. Chị T. còn vui hơn khi anh rất quý và thương 2 đứa con của chị. Ngược lại, con trai chị cũng rất quý trọng anh bởi anh là người đã giúp chị T. tìm lại nguồn vui sống. Hiện tại, con trai đầu của chị T. đã vào đại học. Nói đến con cái, gương mặt chị T. sáng lên khoe rằng con mình ngoan và học giỏi. Thằng anh đã biết đi làm thêm để phụ mẹ nuôi em ăn học. Đáng mừng một điều, khi biết được chuỗi ngày dài tủi cực của mẹ, nó không mặc cảm, tủi hổ mà càng thương mẹ hơn. Chính đứa con đầu lòng này cũng là nguồn động viên tích cực đối với chị T. Nó đã nhắc mẹ phải luôn nghĩ rằng; những ngày cơ cực của mẹ đã qua rồi và bây giờ mẹ phải sống cho bản thân mình. Vài năm nữa con đủ sức lo cho em để mẹ không còn vất vả thêm nữa.

Tình thương nối tiếp tình thương là khi đã tìm được hướng ra cho mình, chị T. biết suy nghĩ cho những người cùng cảnh ngộ. Chị tìm đến những cô gái mại dâm, những người bị tổn thương sâu sắc để khuyên nhủ họ, giúp họ tìm về đường ngay lẽ phải. Chị dạy nghề uốn tóc, gội đầu, các nghề thủ công mà chị học được trong thời gian ở trung tâm. Bên cạnh đó, chị nhận những người thất nghiệp về phụ bán cà phê nơi quán nhỏ của chị. Đó là một quá trình tưởng như dễ nhưng rất khó khăn, công phu vì với những cô gái lười lao động như chị trước đây dễ gì “động chân động tay!”.

Hiện tại, ngoài việc chăm lo cho gia đình, chị T. cùng chồng là những thành viên tích cực của nhóm, câu lạc bộ thuộc Trung tâm Life chuyên tâm làm công tác thiện nguyện. Từ Tết Nguyên đán 2019 đến nay, chị T. cùng nhóm đã vận động 5 đối tượng đi xét nghiệm HIV để phối hợp điều trị. Bên cạnh đó, nhóm còn thực hiện nhiều chuyến đi đến các vùng sâu, vùng xa giúp đồng bào nghèo khó. Mỗi chuyến đi trị giá hơn 100 triệu đồng từ các nguồn vận động thành viên trong nhóm và các nhà hảo tâm ủng hộ.

Lặng lẽ lau nước mắt và ngước nhìn bầu trời xanh trong, chị T. nói như chiêm nghiệm: “Ngẫm lại, cội nguồn của khổ đau của vất vả những ngày cũ cũng một phần lỗi rất lớn là do bản thân mình. Là do từ đầu tôi đã không quyết liệt chống lại những điều không hay. Khi không làm được điều gì tốt đẹp, gieo rắc mầm mống xấu cho xã hội làm sao mình sống vui, khỏe được. Phải trả giá cho lỗi lầm là đương nhiên rồi. Nhưng tôi may mắn đã biết dừng đúng lúc để vươn lên. May mắn khi bên tôi có được những người thương yêu, chăm sóc, động viên tôi sống tốt đẹp hơn...”.

Tôi chỉ biết gật đầu trong im lặng để khích lệ chị. Khi con người tìm lại được niềm tin, nguồn vui sống thì cuộc đời lại nở hoa. Và dù trên mảnh đất cằn cỗi, đóa hoa đó vẫn đẹp. Tôi tin thế...

Anh Phạm Hữu Sơn, quản lý cộng đồng nhóm MSM (Man sex man) Trăng Khuyết (Bình Dương), cho biết vợ chồng chị T. là những thành viên tích cực thường xuyên cùng với nhóm của anh thực hiện các chuyến từ thiện xã hội, vận động người nhiễm HIV đi xét nghiệm. Tổ chức Life thời gian qua đã củng cố và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV cho các nhóm có nguy cơ cao là ưu tiên lâu dài trong kế hoạch cứu trợ khẩn cấp thông qua Dự án Tăng cường kết nối cộng đồng phòng chống HIV phía Nam của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Trung tâm Life cũng cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của những cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là người có HIV, góp phần tăng tính hiệu suất và bền vững của chương trình phòng chống HIV/AIDS trên toàn quốc.

 

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ