| 17-08-2012 | 00:00:00

Không để “té nước theo xăng”!

Với mấy lần tăng giá liên tiếp gần đây, mặt hàng xăng dầu đã tạo nên “cú sốc” không chỉ cho người tiêu dùng (NTD) xăng dầu trực tiếp mà cả các bà nội trợ cũng cảm thấy bất an vì giờ đây hầu hết hàng hóa ở các chợ đều rục rịch tăng giá theo. Đành rằng giá cả xăng dầu có tác động nhất định đến giá cả hàng hóa trên thị trường, nhưng nhan nhản khắp nơi vẫn đang xảy ra tình trạng “té nước theo xăng”. Mỗi khi giá xăng vừa nhích lên chút ít hoặc thậm chí mới có thông tin “có khả năng tăng giá” thì ngay lập tức đã bị giới bán buôn, tiểu thương viện cớ, đẩy giá cả nhiều mặt hàng tăng lên một cách bất hợp lý.

Mấy ngày này, ra chợ hỏi vì sao giá cả nhiều mặt hàng lại sớm tăng lên như vậy thì y như rằng người bán đều đổ dồn hết lý do cho... giá xăng. Sau lần xăng dầu tăng giá mới đây nhất, giá cả thị trường lại xảy ra cái điệp khúc “do xăng tăng giá” khó chịu này; không chỉ chợ ở thị tứ mà các chợ vùng nông thôn, chợ công nhân giá cả hàng hóa cũng đang nhấp nhỏm tăng. Chính vì thế, NTD một mặt đã “vất vả” với giá xăng, lại phải thêm đau đầu tính đủ đường chi tiêu ăn uống, mua sắm, chợ búa... sao cho đủ với hầu bao hàng tháng. Đây là một hiện tượng tiêu cực ở thị trường nước ta, tuy không mới nhưng rất đáng ngại. Nó xuất phát từ tư duy, tập quán làm ăn nhỏ lẻ, nhất thời của một bộ phận người kinh doanh, mặt khác còn có thể gây nhiễu, méo mó tình hình thị trường, làm cho NTD cảm thấy lo lắng, bất an và thậm chí thiếu sự cảm thông, chia sẻ với công tác quản lý, điều hành thị trường của Nhà nước nếu không được sự giải thích thấu đáo.

Vì sao một hiện tượng “đục nước béo cò” đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí như thế mà vẫn cứ lặp đi lặp lại một cách nhan nhản, làm cho NTD càng thêm nặng gánh, đau đầu tìm cách đối phó? Thiết nghĩ, một mặt nên phát huy các điểm bán hàng bình ổn giá để tăng cường chia sẻ khó khăn với NTD, mặt khác cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền, giáo dục, khen thưởng, nêu gương cũng như kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng cơ hội để găm hàng, tăng giá... nhằm thu lợi bất chính. Hơn lúc nào hết, đây chính là lúc các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường cần làm việc hết mình, trong khâu xử lý cần tránh nể nang, đã xử lý phải đến nơi đến chốn để làm gương. Thao tác này không chỉ giúp thiết lập một thị trường buôn bán có trật tự mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, có văn hóa. Trong đó, thái độ buôn bán, áp dụng giá cả... cần được xem như một lối ứng xử có văn hóa giữa người bán với người mua, xóa bỏ lề lối buôn bán chụp giựt, hám lợi trước mắt mà thiếu tính lâu dài.

Q.MINH

Chia sẻ