Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu, chủ động nguồn nguyên phụ liệu trong nước để giảm nhập khẩu; tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu là mục tiêu chiến lược quan trọng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện nay. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp (DN) chủ động nguồn nguyên phụ liệu trong sản xuất, mà còn tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Những năm qua, nhờ chú trọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh quá trình nội địa hóa nguyên phụ liệu, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước cũng như tại Bình Dương đã từng bước chủ động nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Tỷ lệ nội địa hóa trong từng sản phẩm, từng lĩnh vực cũng có sự gia tăng đáng kể; đặc biệt đối với ngành công nghiệp giày da, may mặc đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 45% đến gần 60%.
Việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, cung ứng nguyên phụ liệu trong nước đã giúp cho các DN, đặc biệt là DN xuất khẩu giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh; từ đó đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng cho các đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời, với phát triển công nghiệp phụ trợ là quá trình tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu toàn cầu. Điều này đã giúp nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trong nước, cũng như trong tỉnh; đưa các DN và cả nền kinh tế tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, dù có bước phát triển khá mạnh về công nghiệp phụ trợ, tỷ lệ nội địa hóa tăng dần nhưng ngành công nghiệp phụ trợ trong nước vẫn còn hạn chế. Sản phẩm của các DN công nghiệp phụ trợ chưa thật sự đáp ứng tốt yêu cầu cho nền sản xuất công nghiệp 4.0, giá trị gia tăng còn thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số ngành sản xuất công nghiệp vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu…
Do đó, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình nội địa hóa, cần có thêm các cơ chế, giải pháp để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Cùng với đó là tăng cường liên kết giữa các DN, hình thành chuỗi cung ứng; phát triển khoa học và công nghệ để ứng dụng vào sản xuất; đặc biệt là cần chú trọng hơn đến nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sản xuất công nghiệp phụ trợ…
ĐÀM THANH