| 08-06-2012 | 00:00:00

Kinh nghiệm làm giàu của ông chủ trại điêu khắc gỗ

Phan Thế Hải khởi nghiệp với nghề điêu khắc gỗ tại nhà ở huyện Tân Uyên với số vốn ban đầu là 24 triệu đồng. Chỉ sau 4 năm theo nghề, Hải đã gầy dựng được cơ ngơi là Công ty Triệu Phú Lộc với tổng vốn lên tới gần chục tỷ đồng.   Dây chuyền tiện, điêu khắc gỗ xuất khẩu tại Công ty Triệu Phú Lộc

Kể về bước đường khởi nghiệp, Phan Thế Hải cho biết: “Tôi sinh ra tại một làng quê nghèo ở Thanh Hóa. Do không được học hành nhiều nên năm 16 tuổi tôi đã phải vào Nam và đi làm thuê tại một công ty đồ gỗ của nước ngoài. Tại đây, tôi học được nghề điêu khắc gỗ, và cả những kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh. Cách đây 4 năm, tôi mở cơ sở làm các sản phẩm gỗ tiện, điêu khắc. Chủ yếu là làm các sản phẩm chân bàn, chân giường, chân tủ... xuất ủy thác cho một công ty Đài Loan, để công ty này xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Xác định đây là thị trường rất khó tính, nên chúng tôi rất chú trọng chất lượng sản phẩm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng năng suất lao động, tôi đã tăng cường công tác quản lý bằng cách cắt cử người quản lý từng dây chuyền. Nhờ đó mà công nhân làm việc có hiệu quả, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao hơn; doanh số, lợi nhuận của công ty và thu nhập của công nhân theo đó cũng tăng cao. Hiện mỗi tháng công ty đạt doanh số khoảng 5 tỷ và lợi nhuận đạt từ 5 - 10%”.

Hiện Công ty Triệu Phú Lộc có 320 công nhân. Tất cả đều được công ty đóng đầy đủ các loại bảo hiểm. Em Nguyễn Hoàng Đến, 19 tuổi, quê Cà Mau, cho biết gia đình em có mấy anh chị đều cùng làm ở công ty với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, nên cuộc sống khá ổn định. Em Vũ Thị Thêm, 18 tuổi, quê Thái Nguyên, tâm sự: “Gia đình em có 3 người thì cả 3 đều vô Nam lập nghiệp. Riêng em đã làm việc ở công ty này được 3 năm, hiện mức lương đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nhờ có lương cao nên mỗi tháng em gửi về phụ giúp cha mẹ được gần 4 triệu đồng...”. Còn em Nguyễn Quỳnh Như, quê Đồng Tháp, cũng cho biết nhờ có mức lương cao mà hàng tháng em gửi về quê phụ giúp cha mẹ được từ 3 đến 3,5 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, tất cả các công nhân nói trên đều cho biết họ rất vui khi được làm việc ở Công ty Triệu Phú Lộc vì quen việc, lương cao, nhà trọ rẻ và sạch sẽ...

Nhận xét về Công ty Triệu Phú Lộc, ông An Văn Minh, Trưởng ấp Ông Đông, xã Tân Hiệp, huyện Tân Uyên, cho biết: “Công ty Triệu Phú Lộc rất quan tâm chăm lo đào tạo nghề, cũng như chăm lo tốt đời sống công nhân. Để hỗ trợ công ty, địa phương cũng góp sức bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm chất lượng nhà trọ... để lao động từ các nơi đến đây có thể gắn bó lâu dài”.

Theo ông chủ Phan Thế Hải, khó khăn nhất vẫn là giai đoạn khởi nghiệp. Còn bí quyết để thành công như ngày hôm nay và cũng là bí quyết để vượt qua khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế, là: “Cần cù siêng năng, chắt chiu dành dụm, tiết kiệm chi phí” và chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công là: “Quản lý tốt lao động, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chăm sóc tốt đời sống công nhân”.

Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều công ty gỗ đang đứng bên bờ vực phá sản, nhưng Triệu Phú Lộc vẫn trụ được và ngày càng phát triển cho thấy phương châm của ông chủ là đúng. Chính Phan Thế Hải cũng cho biết: “Trước tình hình còn nhiều khó khăn, tôi liệu cơm gắp mắm, ráng trụ vững qua hồi khó khăn rồi mới tính đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà xưởng; cũng như đầu tư đổi mới dây chuyền máy móc hiện đại hơn. Tuy làm hàng gia công, nhưng hiện công ty chúng tôi không thiếu đơn hàng nên không lo thiếu việc làm cho công nhân”.

Kinh nghiệm làm giàu của ông chủ trại điêu khắc gỗ là tăng cường quản lý, tối đa hóa lợi nhuận, chăm lo tốt đời sống công nhân. Và, bài học quý cho những ai đang nuôi mộng làm giàu là ý chí lập thân, lập nghiệp bền bỉ của một con người không nản chí trước hoàn cảnh bản thân.

Bảo Anh

Chia sẻ