Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Việc biết trước môn thi giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt hơn cả về mặt kiến thức và tâm lý, không áp lực; việc dạy học ở nhà trường cũng được ổn định, do đó để địa phương chủ động chọn môn thi lớp 10.
Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Thủ Đức) xem thông tin phòng thi năm 2024.
Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ thi vào lớp 10.
Chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến các Sở về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh Trung học Cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, thay thế quy định hiện hành. Trong đó, về phương thức thi tuyển lớp 10, nội dung được nhiều người quan tâm đó là cùng hai môn Toán và Ngữ văn, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương sẽ bốc thăm thêm môn thi thứ ba, các môn này được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ mong muốn tiếp tục được giao quyền chủ động trong chọn môn thi thứ ba trong thi tuyển lớp 10 như hiện nay. Bởi, mỗi địa phương sẽ có chiến lược, định hướng phát triển giáo dục khác nhau, tùy vào điều kiện thực tế.
Hơn nữa, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không đánh giá học sinh qua kiến thức một môn học mà đánh giá phẩm chất, năng lực, khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề. Vì thế, dù chọn môn thi thứ ba là môn nào cũng không lo ngại việc học sinh học lệch, chỉ tập trung vào các môn thi.
Ông Hồ Tấn Minh cho biết nhiều năm trở lại đây, đề thi lớp 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn có sự đổi mới theo định hướng tăng cường các câu hỏi vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tế của cuộc sống. Nhiều năm nay, kỳ thi tuyển lớp 10 của Thành phố cũng được giữ ổn định với ba môn thi Toán, Ngữ văn cùng môn thi thứ ba là Ngoại ngữ và kết quả học tập của học sinh vẫn luôn đảm bảo về mục tiêu, định hướng của chương trình.
Theo ông Hồ Tấn Minh, thực hiện Kết luận 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" cùng nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo giao, từ năm học 2024-2025, Thành phố Hồ Chí Minh từng bước chuẩn bị cho quá trình thí điểm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Do đó, việc Thành phố chọn môn thứ ba trong thi tuyển lớp 10 là Ngoại ngữ phù hợp với mục tiêu phát triển xuyên suốt của ngành.
Từ thực tiễn dạy và học, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Khương Ninh (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc bốc thăm môn thi thứ ba trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ làm tăng áp lực cho cả học sinh và phụ huynh.
Ông Cao Đức Khoa cho rằng lo ngại học sinh học lệch, học tủ khi biết trước môn thi khó có thể xảy ra. Bởi theo quy định, học sinh bắt buộc phải tốt nghiệp Trung học Cơ sở mới được dự thi lớp 10; tức là các em phải đảm bảo kiến thức đều ở tất cả môn theo yêu cầu, mục tiêu chương trình. Thực tế nhiều năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh giữ ổn định ba môn thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ nhưng học sinh vẫn học đều các môn.
Việc biết trước môn thi giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt hơn cả về mặt kiến thức và tâm lý, không áp lực, lo lắng và việc dạy học của các nhà trường cũng được ổn định. Vì thế, Bộ nên để các địa phương tự chủ trong chọn môn thi lớp 10 và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nên giữ ổn định ba môn thi như nhiều năm nay.
Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng sẽ tăng thêm áp lực học tập với các học sinh nếu không biết trước môn thi. Theo nhiều phụ huynh, đến tháng 3, Bộ mới công bố và bốc thăm môn thi thứ ba là khá muộn so với thời điểm tổ chức thi tuyển (thường vào đầu tháng 6).
Chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 năm 2025, trước đó, đầu tháng 10/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố cấu trúc, yêu cầu đánh giá và đề minh họa ba môn thi lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là cơ sở để các trường và học sinh có định hướng dạy và học phù hợp.
Đề minh họa vẫn theo định hướng tăng cường tính vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề như trước đây, nhưng có một số điểm mới để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các giáo viên đánh giá cao định hướng đề thi này bởi đã đảm bảo tinh thần, mục tiêu của chương trình mới, đó là phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập hàng năm luôn là một cuộc đua đầy áp lực, bởi chỉ có khoảng 70% học sinh trúng tuyển. Ở kỳ thi năm học 2024-2025, Thành phố có khoảng 98.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 ở các trường chỉ hơn 77.000 em./.
Theo TTXVN