Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hòa hợp, đoàn kết và tập trung cho công tác từ thiện xã hội... đó là cách làm việc nhất quán của Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh, trụ trì chùa Hội Khánh. Theo như lời hòa thượng, có như thế mới quán xuyến hết việc đạo, việc đời và ghi lại nhiều thành tựu cho Phật giáo Bình Dương.
Hòa thượng Thích Huệ Thông (giữa) trao các nhu yếu phẩm ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19
Trọn vẹn việc đạo
Xây dựng Bảo tháp tại khuôn viên chùa Hội Khánh (cũ) để bá tánh có nơi thờ tự trang nghiêm, xây dựng Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh với tượng Phật nhập Niết bàn được biết đến như một địa điểm du lịch tâm linh với du khách gần xa, xây giảng đường, trường Trung cấp Phật học, xây dựng chùa Hội An ở Thành phố mới… đó là những dấu ấn mà Hòa thượng Thích Huệ Thông đã cống hiến.
Hỏi thầy làm sao có thể hoàn thành hết “Phật sự đa đoan”, thầy cười: “Phải sắp xếp công việc khoa học và hơn hết là có sự hòa hợp, quyết tâm trong tăng, ni, phật tử thì việc gì cũng viên mãn”. Đúng là phải thật giỏi giang, quyết đoán mới hoàn thành quá nhiều công việc với phương châm “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc” như thế.
Tính trong 5 năm qua (2016- 2020), bản thân thầy làm công tác từ thiện, cứu trợđồng bào thiên tai lũ lụt, thăm tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình neo đơn, người khuyết tật, tết vì người nghèo… với kết quả rất đáng phấn khởi, được lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh và lãnh đạo Giáo hội Phật giáo đánh giá cao. Ước tổng trị giá từ các chương trình là 5 tỷ đồng. |
Hòa thượng Thích Huệ Thông (sinh năm 1960), là con thứ 8 và cũng là con trai duy nhất trong gia đình có 9 chị em. Thân phụ của thầy là Hòa thượng Thích Thiện An, sinh năm 1918, xã Phước Vĩnh (trước đây), huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Thân mẫu là bà Huỳnh Thị Báu, sinh năm 1927, nguyên quán tại xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên. Hòa thượng Thích Huệ Thông sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho giáo, yêu nước và kính tin Tam bảo, ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Phật giáo. Là người đứng đầu Giáo hội Phật giáo tỉnh, thầy đã xây dựng được tinh thần đoàn kết, hòa hợp cao trong tăng, ni và đồng bào phật tử tỉnh nhà. Có thể nói, Phật giáo Bình Dương trong thời gian qua đã từng bước ổn định và phát triển, làm được nhiều việc hiệu quả cao và góp phần rất lớn cho công tác an sinh xã hội.
Thầy cũng tích cực vận động tăng, ni, phật tử bảo vệ an ninh trật tự, thực hiện lối sống văn hóa khu dân cư, cảnh giác phần tử xấu tiếp cận tăng, ni, phật tử để tuyên truyền, gây mất đoàn kết, hòa hợp trong tăng, ni, phật tử, làm ảnh hưởng hoạt động của Giáo hội. Với tinh thần cảnh giác cao, với vai trò trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu Giáo hội Phật giáo tỉnh, thầy thường xuyên gặp gỡ tăng, ni, phật tử và chủ động lắng nghe phản ánh của tăng, ni, phật tử, từ đó tiếp cận, tuyên truyền nhắc nhở trong tăng, ni, phật tử luôn cảnh giác trước sự tuyên truyền của những phần tử xấu chống phá Nhà nước Việt Nam.
Là đại biểu HĐND tỉnh (nhiệm kỳ 2016-2021), ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thầy trực tiếp đóng góp nhiều chương trình do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động, tích cực đóng góp đề cương chính trị văn kiện Đại hội Đảng, hoạt động trong Hội đồng tư vấn dân tộc, tôn giáo, tham gia phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các Luật Hình sự, Đất đai, Tôn giáo, viết nhiều bài tham luận như Bác Hồ với đạo Phật, tham gia hội thảo học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hiện nay, hầu hết các cơ sở tự viện và gia đình phật tử đều thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, được UBND tỉnh tặng thưởng nhiều bằng khen.
Tâm huyết việc đời
Còn nhớ trong đợt phòng chống dịch bệnh Covid-19 đầu năm 2020, Hòa thượng Thích Huệ Thông đã trực tiếp đi tặng từng phần quà cho người nghèo, đưa ATM gạo về chùa Hội Khánh phát cho người khó khăn trong suốt một tuần lễ. Thầy luôn chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ban Trị sự, Ban Từ thiện - Xã hội Phật giáo tỉnh để xây dựng kế hoạch có tính bền vững và lâu dài cho công tác từ thiện, xã hội của toàn Giáo hội Phật giáo tỉnh. Bản thân thầy cũng đã đi đến từng cơ sở tự viện, các nhà doanh nghiệp, người hảo tâm để vận động, kêu gọi đóng góp cho các chương trình từ thiện.
Thời gian qua, thầy trực tiếp chỉ đạo phòng khám từ thiện chùa Hội Khánh khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí hàng tháng tại Văn phòng Phật giáo tỉnh, tổ chức nồi súp tình thương, bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện trong tỉnh và kêu gọi hiến máu tình nguyện trong tăng, ni, phật tử và đã nhận được sự hưởng ứng rất cao. Các hoạt động thiện nguyện khác được tổ chức thường xuyên, liên tục, nhất là phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên… Đặc biệt, thầy chỉ đạo và trực tiếp tổ chức các chuyến đi từ thiện của Phật giáo Bình Dương kết hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đến thăm, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo tỉnh Champasak nước bạn Lào, trị giá chuyến cứu trợ gần 1 tỷ đồng.
Tại Bình Dương, hiện thầy đã vận động các nhà hảo tâm cũng như thường xuyên đến thăm, ủng hộ cho các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi. Tính trong dịp lễ Phật đản năm 2019, thầy đã trực tiếp ủng hộ và kêu gọi đóng góp xây dựng 12 căn nhà tình thương, tặng 100 chiếc xe đạp cho trẻ em nghèo, trao tặng 100 học bổng cho học sinh nghèo và 500 phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn… tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Thầy cùng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19, làm công tác từ thiện xã hội trong mùa dịch với hơn 3 tỷ đồng và 40 tấn gạo, 35.000 trứng gà từ ATM gạo chùa Hội Khánh.
Tôi còn nhớ Hòa thượng Thích Huệ Thông hay nhấn mạnh trong mỗi lần hội họp của GHPGVN các cấp, rằng: “Đức Phật đã dạy, ngày nào mà chư Tỳ kheo còn ngồi lại với nhau trong tinh thần hòa hợp, bàn thảo với nhau trong tinh thần hòa hợp và đứng lên giải tán trong tinh thần hòa hợp thì ngày ấy, Phật pháp vẫn còn hưng thịnh. Tương tự với mọi người, mọi sự trong cuộc đời này cũng thế, ai nấy hòa hợp, đoàn kết nhất tâm thì việc lớn, việc nhỏ gì cũng thành công”.
Có lẽ, đây cũng là bài học quý cho chúng ta trong công việc hàng ngày, bởi một khi đã thống nhất ý kiến và quyết tâm thực hiện thì mới làm nên sự nghiệp cho bản thân, gia đình và nói rộng ra là sự ổn định, bền vững và phát triển của đất nước, dân tộc.
Hòa thượng Thích Huệ Thông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba (năm 2006), Huân chương Đại đoàn kết dân tộc (năm 2012), Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2018), 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa và nhiều huy chương, bằng tuyên dương công đức, kỷ niệm chương về thành tích trong công tác Phật sự, từ thiện xã hội. |
QUỲNH NHƯ