| 12-07-2011 | 00:00:00

Lương y Mai Văn Mường và vườn thuốc thiện nguyện

Tuổi trẻ kháng chiến và giúp người nghèo

Ông Mai Văn Mường (bà con thường gọi là thầy Út Mường), sinh ra vào năm 1930, tại ngôi làng có truyền thống cách mạng Tân Phước Khánh, Tân Uyên, trong một gia đình có nghề lương y gia truyền. Từ nhỏ, ông đã tụng kinh gõ mõ và thường xuyên theo ông nội và cha mang thuốc nam qua chùa Hưng Đức Tự, ở TX.TDM làm phước thiện, góp phần chữa bệnh cho người nghèo. Năm ông 11 tuổi thì nghỉ học trường Tây, để học chữ nho. Đến năm 15 tuổi, ông theo  cha, ông nội học nghề thuốc. Sẵn vốn chữ nho, lại thực tập bốc thuốc phụ ông, cha từ nhỏ nên ông học nghề rất nhanh. Đến năm 17 tuổi, ông đã là một lương y lành nghề. Và năm 22 tuổi, khi quê hương gặp kiếp nạn “bão lụt năm Nhâm Thìn 1952”, cuộc sống hết sức cơ cực. Song khi nước rút mới thật sự là họa lớn. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề đã làm bùng phát dịch đậu mùa. Có đến 70 -80% dân chúng ở vùng này bị bệnh. Ông Mường đã làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm khám bệnh, bốc hàng ngàn thang thuốc trị bệnh cho dân.

Dập tắt dịch bệnh xong, đến năm 23 tuổi, ông Mường thoát ly vào chiến khu, tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông làm cán bộ giáo dục của huyện Lái Thiêu. Ông đã nhiều lần vượt qua bao chốt gác, ổ phục kích, trên con đường từ căn cứ về với dân và ngược lại. Từ Miễu Ông Cù qua khu Phước Lộc, đến rừng Cò Mi tham gia đào tạo giáo viên, mở và duy trì các lớp bình dân học vụ, diệt giặc dốt trong dân theo lời dạy của Bác Hồ. Đến cuối năm 1954, khi giãn chính (giảm bớt cán bộ, chuẩn bị tập kết), ông ra khỏi cứ, đi theo đoàn phước thiện của Giáo hội Phật giáo Tịnh độ làm công tác chẩn bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo ở Trà Vinh, Biên Hòa. Đến năm 1969, ông mới về làng quê Tân Phước Khánh phát dương, quang đại nhà thuốc Mai Thọ Đường của gia đình.

Tuy đi đi, về về, ông vẫn cùng gia đình tiếp tế lương thực, nuôi giấu cán bộ cách mạng, tích cực đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Kể về những hiểm nguy trong kháng chiến, ông nói hồn nhiên: “Bây giờ già rồi, nghĩ lại mới thấy sợ chết. Chứ ngày đó còn trẻ, xông pha bom đạn, không hề sợ một chút nào”. Ông đã được trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất trong cả 2 thời kỳ chống Pháp và Mỹ.

Còn sống, thì còn làm phước thiện

Vào năm 1970, ông Mai Văn Kiến, cha ông, trăn trối: “Khi cha chết con hãy hiến một sở ruộng để trồng thuốc nam, làm phước thiện, mang niềm vui, hạnh phúc đến cho bá tánh, nhất là người nghèo”. Do đất của gia đình ở sâu trong rẫy, ruộng, nên ông đã mua một miếng đất diện tích 800m² ở mặt tiền đường nội ô thị trấn Tân Phước Khánh để xây dựng chùa Hưng Khánh Tự với sự trợ giúp của cố ni sư Huỳnh Hoa Hảo, người được ghi nhận là đã xây dựng nền móng cho công tác phát thuốc miễn phí thường xuyên cho người nghèo của ngôi chùa Hưng Đức Tự từ gần 100 năm nay. Xây chùa xong, ông giao chùa lại cho giáo hội quản lý nhưng ông vẫn đảm nhiệm Trưởng ban Phước thiện của chùa. Chủ trì công tác đào tạo đội ngũ lương y kế thừa, xây dựng đội ngũ tình nguyện viên tìm kiếm thuốc, sơ chế, chẩn bệnh và phát thuốc cho bệnh nhân nghèo. Năm 2008, với trách nhiệm Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bình Dương, ông đã đứng ra thành lập Hội Đông y huyện Tân Uyên và mở lớp đào tạo 23 lương y làm chân rết tuyến y tế cơ sở.

Nhận thấy nguồn thuốc trôi nổi trong rừng, trong dân gian cạn kiệt dần, cũng là để thực hiện di nguyện của cha và cả tâm nguyện của bản thân, năm 2009, ông làm giấy tờ hiến 9.000m² cho chùa Hưng Khánh Tự để lập vườn thuốc nam. Rồi ông cũng đóng vai trò chính trong việc trồng thuốc phủ kín diện tích khu đất này. Ông ươm một số cây giống, đồng thời kêu gọi bà con phật tử đóng góp cây thuốc cho chùa. Và bà con phật tử mỗi người một tay, người kêu cày đất, người gom cây giống. Những cây thuốc đầy tình nghĩa đã được trồng, phủ kín diện tích. Dân làng ai cũng xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của ông Út Mường. Nhưng đến mùa nước nổi, cây ngập úng chết hết. Một số bà con ái ngại, bàn ra: “Cây thuốc nào sống nổi với nước?”. Không nản lòng, ông cùng mọi người đắp đất cho vườn cao lên, trồng lại cây. Cây thuốc đã không phụ công người, giờ thì ai nấy đều khen, vườn thuốc thật tốt và thật là hiệu quả. Các hộ lân cận khi bị cảm, hái các thứ lá, nấu xông hơi là khỏe ngay.

  Lương y Mai Văn Mường (giữa) tại vườn thuốc nam

Ông Mường dẫn chúng tôi ra thăm vườn thuốc của chùa, cách chùa và nhà ông gần chục cây số. Dù đã ngoài 80, tóc bạc trắng, dáng nhỏ nhắn, song ông vẫn lội ruộng thoăn thoắt, còn khỏe hơn cả chúng tôi. Khi chúng tôi hỏi: Bí quyết để khỏe, sống lâu. Ông cười: Ngủ sớm, dậy sớm, ăn nhiều rau sạch. Theo trường phái nhà Phật: Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần. Thanh tâm, tiết dục, thủ chân, luyện hình.

Đến vườn thuốc, ông dẫn chúng tôi chen chân vào giữa các cây thuốc, nhiều cây cao vượt đầu người, giới thiệu: “Vườn có hơn 70 - 80 giống thuốc và đã cho thu hoạch nhiều đợt”. Tay ông nâng niu từng cây thuốc như những đứa cháu cưng. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng của khu vườn trồng xen canh các loại cây thuốc: sả mọi, kim ngân hoa, thường sơn, ngũ trảo, kim vàng, từ bi, huệ lựu, nghệ đen, dâu tằm ăn, nhàu, ô dước... Cũng như các khu trồng độc canh: thủy bồ bồ, sen, muồng trâu... tất cả đều rất tươi tốt, xum xuê, dược tính cao.

Có trụ sở, có vườn thuốc, có đội ngũ lương y và cả những tình nguyện viên đầy tâm huyết, Hội quán Hưng Khánh Tự trở thành một địa chỉ phước thiện, điểm tựa của bệnh nhân nghèo. Và công tác phước thiện ở đây 40 năm nay cứ tiếp nối, thành một vòng tuần hoàn. Một số người bị bệnh hiểm nghèo, không có tiền chữa bệnh ở bệnh viện đã đến đây nhận thuốc uống. Hết bệnh, họ quy y và ở lại đây làm công quả, cứu giúp những người đồng cảnh ngộ... Như chị Lý Ngọc Hương, 39 tuổi; Lê Thị Quấy, 55 tuổi; Phan Thị Thu Hà, 50 tuổi đã gắn bó với công việc này, người ít thì 5 - 7 năm, có người đến hơn 20 năm. Như trường hợp chị Huỳnh Thị Lại, 54 tuổi, cho biết: “Tôi bị viêm gan C, suy thận mãn. Nghèo quá, kiếm đâu ra hơn 10 triệu đồng mỗi tháng để đi bệnh viện điều trị, nên tôi vô chùa xin thuốc uống. Một thời gian, thấy khỏe hẳn. Tôi đã ở hẳn đây 4 năm nay để làm công quả, vừa giúp người vừa giúp cả mình. Vì hiện tôi vẫn còn uống thuốc tiếp tục...”. Các bệnh nhân Nguyễn Minh Ánh, 47 tuổi, bệnh viêm gan B; Trần Thiện Phú, cảm ho... thường xuyên đến đây xin thuốc uống, cho biết: “Chúng tôi đến đây xin thuốc đã nhiều năm nay và đã khỏe nhiều...”.

Được biết mỗi ngày, Ban Phước thiện của chùa Hưng Khánh Tự phát hàng trăm thang thuốc. Có ngày cao điểm đến cả ngàn thang. Khi thấy chúng tôi  ngạc nhiên trước con số “ngàn”, ông Mường dẫn chúng tôi đi tham quan hàng  tấn thuốc sống, thuốc thành phẩm được chất đầy các kho, chất cả trong phòng học giáo lý của chùa. Thế cũng đủ biết những người trong Ban Phước thiện của chùa đã làm việc cật lực thế nào.

Ông Mường đưa chúng tôi đến khu vườn của gia đình rộng hơn 5.000m² có hàng trăm cây thuốc quý: cây bách bệnh (loài cây đang là thời thượng trị bệnh rối loạn tuyến tiền liệt), dây gùi, dây gấm, dây chiều, vàng xay... Ông cho biết về dự định: “Ngoài việc chăm chút thuốc vườn, sang năm tôi sẽ trồng xen thêm hàng chục loại thuốc rừng quý hiếm khác. Và tôi còn tâm huyết với 10 ha vườn thuốc của Giáo hội địa phương ở Vũng Tàu. Tôi đã tập hợp được 200 cây hậu phát (có tác dụng tiêu ăn, trướng bụng) ra đấy trồng. Vừa rồi ra thăm, thấy số cây mình trồng sống khỏe được 120 cây”.

Cũng như chúng tôi, mấy anh ở Hội Đông y cũng lắng nghe, học hỏi từng lời của ông, anh nào cũng xuýt xoa tiếc nuối vì vẫn chưa học hết “chiêu”: “Bác giỏi về cây thuốc quá, mai này bác mà có mất đi, có thắc mắc gì, tụi cháu không biết phải hỏi ai?”. Đi một ngày với ông, đâu chỉ học hỏi về thuốc, cách giữ gìn sức khỏe mà chúng tôi còn học nhiều ở ông cả về cách làm người. Khi chúng tôi hỏi: “Vậy là ước nguyện của bác đã thành hiện thực?”. Ông thoáng lo âu: “Tôi còn sống, là còn làm. Nhưng khi tôi mất đi, tôi mong và tin rằng đội ngũ kế thừa sẽ tiếp tục sự nghiệp phước thiện, mang hạnh phúc đến cho mọi người”... Chúng tôi tin tâm nguyện này của ông sẽ như những cây đời mãi mãi xanh tươi. Ông đã gieo vào cuộc đời bao hạt giống tốt...

 BẢO ANH

 

 

Chia sẻ