Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
“Đi đào đất với bọn anh không em?” - anh Tùng gõ cửa phòng trọ kêu thế. Tôi lồm cồm bò dậy từ lúc trời còn mờ sương. Lái xe máy chở anh ngồi phía sau vác cây xà beng dài thườn thượt rồi gác phía trước cái ki bự tổ chảng nhắm hướng khu K8, phường Hiệp Thành mà chạy. Tôi đi đào đất với nhóm thợ đào đất, những người quanh năm đào đất mà sống. Ăn cơm dương gian mà sống ở dưới... đất.
Đào đất sâu xuống bên dưới với nhiều hiểm nguy rình rập. Tai nạn thường gặp là hít phải các loại khí độc có thể gây chết người trong thời gian ngắn
Tôi đi đào hầm
Ngoài cây xà beng và cái ki, để làm nghề này còn phải có thêm cuốc ngắn, cuốc dài rồi thêm cây quay, leng... thôi thì đủ cả. Nhóm thợ đào đất của anh Tùng còn có thêm 5 người nữa, đều là anh em, con cái trong nhà. Vừa đến nơi, trời tan sương nhìn rõ mặt người đã thấy đông đủ. Chủ nhà chỉ cho vị trí hầm nước, bảo phải đào đủ 10m, căng dây rồi bắt đầu đào.
Tôi được “chia” cho công đoạn nhẹ nhàng nhất: bưng đất đi đổ. Còn lại, anh Tùng và con trai phụ trách công việc quay đất từ dưới hầm lên trên bờ. Riêng việc đào đất ở dưới hầm sâu chỉ có Lê Thanh Sơn và Lê Phi Líp là 2 người khỏe nhất mới cáng đáng nổi. Đào xuống 1 - 2m đầu rất dễ, đến mét đất thứ 3, xà beng bắt đầu đụng phải đá tổ ong kêu leng keng. Xà beng bằng thép, đụng phải đá dội ngược lại. Bàn tay người bằng da, bằng thịt không nản, cứ thế nắm chặt lấy thép nguội, mồ hôi nhễ nhại mà xắn, mà bổ. Anh Tùng bảo, đấy là đá tổ ong thôi chứ gặp phải đá tảng, đá xanh nhiều khi vừa đục, vừa đào đến tóe máu, toạc cả tay đến hết ngày xuống chỉ được nửa mét đá, khó khăn vô cùng.
Nhưng đó chỉ là khó khăn, còn hiểm nguy rình rập đối với người đào đất thì nhiều vô số kể. Do dưới lòng đất nên khí độc rất nhiều, đặc biệt là những nơi đồi thấp, có nhiều đá tổ ong. Đối với những vị trí gần các nhà xưởng sản xuất hay kế bên hố ga công trình lớn thì khí mê-tan là nhiều vô kể. Chỉ cần hít phải một hơi là đã thấy bủn rủn tay chân, ép tim không thở nổi. Báo, đài vẫn thường đưa tin nhiều nhóm thợ đào giếng, đào hầm hít phải khí độc dưới lòng đất, chết cả nhóm thợ, biết nguy hiểm thế, nhưng vẫn phải chấp nhận vì chén cơm ăn. Nhiều hôm đang đào đất đá từ trên mặt hầm đổ ụp xuống, máu đầu tóe ra chảy ràn rụa trên mặt cũng vẫn phải cố làm cho xong để hoàn trả mặt bằng, công trình đúng tiến độ.
Nghề nào cũng có những ngón nghề riêng. Nghề này cũng thế. Lúc trước đào xuống phải đem máy thở ô xy. Tuy nhiên, dùng được một thời gian thì... bỏ máy mà đào chay bình thường: “Dùng máy thở rất mệt vì cơ thở mình quen có ô xy. Bỏ máy thở ra, đào riết cũng quen với điều kiện thiếu ô xy”. Có những hầm sâu đào dở rồi nghỉ tay hoặc bị trời mưa, qua đêm thì nhóm anh Tùng không thể xuống ngay vì hơi bốc ra bị ép tim rất nguy hiểm. Đối với những trường hợp này, phải dùng một bó lá cây xanh, thả dây dừng thòng xuống đáy hầm rồi kéo lên, thả xuống liên tục để khí độc bay đi. Hay có những công trình khí độc nặng hơn thì phải dùng cục nước đá thả xuống, kéo lên khoảng 30 phút mới dám bò xuống mà đào tiếp. Không có một thiết bị chuyên dụng nào, nhưng nghề dạy nghề, làm riết cũng quen tay, đào hầm phải thẳng vách từ miệng đến chân hầm để khi thả cống sít sao, không bị cong vênh, không dư bên này, hụt bên kia.
Làm ăn bằng chữ tín
Nghề nào cũng phải có chữ tín. Và đào đất cũng... phải thế. Đành rằng, chỉ là đào đất thôi nhưng đào đất cũng phải có mối mang, có chữ tín, được nhiều người tin, người mến mới có được nhiều việc mà làm, mà kiếm cơm. Đào mỗi mét đất là 120 ngàn đồng. Nếu chủ nhà chịu thì tính luôn tiền cống 220 ngàn đồng/m. Nhóm của anh Lê Thanh Tùng có 6 người. Mỗi ngày bình quân kiếm được 200 ngàn đồng. Cố gắng lắm cũng chỉ được 400 ngàn đồng/người/ngày. Nếu đào móng nhà cấp 4, lăm le thì 15 ngàn đồng/m tới. Nếu là móng băng nhà lầu, đòi hỏi khối lượng đào nặng nhọc, kỹ thuật cao hơn thì tiền công chủ công trình phải trả là 90 ngàn đồng/m3.
Anh Tùng chỉ mơ ước đời cháu mình được khá hơn, được ăn học tử tế
Tháng 2-2010, đào cống 6m để làm hầm cầu. Đào xuống chỉ mới 2m đã đụng phải đá ong rất cứng, lại khó đào. Hồi đó anh Tùng cùng với 3 anh em nữa là miệt mài từ sáng đến 11 giờ vẫn không thể nào hoàn thành nổi khối lượng được giao. Vừa sợ chủ nhà la mắng, bụng đói, mắt mờ lại phải hối hả đào. Đến khi lên mặt đất nhổ đờm ra tay không thấy màu xanh, chỉ thấy toàn là màu đỏ của đá. Chủ nhà thương quá kêu: “Thôi anh em nghỉ đi, để tôi tính cách khác”. Nhưng sau đó, anh Tùng và anh em vẫn cắn răng đào rồi bỏ cống. Chủ nhà thưởng thêm 200 ngàn đồng, về nâng chén cơm lên mà nuốt không trôi. Nhưng cái lợi đem lại không chỉ từ 200 ngàn đồng ấy. Thấy nhóm anh Tùng làm ăn có chữ tín, chủ nhà tốt bụng nọ sau ấy coi như người trong nhà, hễ biết đâu có cần... đào hầm là lập tức: Alô! Mấy ông chuẩn bị đi đào đất nhé!
Khách kêu, dù mệt hay bận công chuyện gì, xa hay gần thì cũng phải đi. Bởi anh biết, họ thương mới gọi cho mình để làm đất. Vả lại, trong việc xây dựng nhà ở, sau khi đào móng xong thì thợ đào hầm phải có mặt và nhanh chóng hoàn thành việc của mình. Nhờ cách nghĩ và cách làm tận tâm ấy, giờ nhóm thợ anh Tùng được nhiều người gần xa biết đến. Càng ngày anh càng có thêm nhiều việc để làm, có thêm thu nhập để nuôi vợ con.
Mong cuộc sống tốt hơn
Anh Lê Thanh Tùng ở trọ cạnh nhà tôi, một xóm lao động nghèo và anh là người nghèo nhất trong khu xóm nghèo đó. Bên chén nước chè xanh sau ngày làm việc vất vả, anh tâm sự về cuộc đời của mình. Anh Tùng bảo, anh bắt đầu mần mướn từ lúc 9 tuổi, ở đợ đến 9 năm, 18 tuổi thì cưới vợ rồi dắt díu con cái đi tha phương cầu thực, bởi vùng quê Đồng Tháp cằn cỗi không sống nổi. Anh cười buồn: “Nhà tôi nghèo lắm! Từ lúc trong bụng mẹ đã không có miếng đất cắm dùi. Đi làm mướn riết. Từ quê kiếm ăn con khô, con mắm rồi đến Sài Gòn bán báo. Có lúc theo đoàn lô-tô lên Tây Ninh thất bại, phải trốn về không có cơm mà ăn. Đến năm nay đã 44 tuổi thì đã có 9 năm ở Bình Dương”.
Khi mới lên Bình Dương vào năm 2002 không có nghề nghiệp gì nên đi phụ hồ nuôi vợ và 3 con nhỏ. Sau đó anh Tùng thấy người ta đào hầm rồi thì tìm tòi, học hỏi rồi học được nghề đào hầm. Lúc đầu làm còn trầy trật, thả cống và đào đất đều không được trơn tru bị chủ nhà la mắng không ngớt. Hồi đó mới biết làm, không có mối thì phải chạy từng nơi, hễ thấy ở đâu có mở móng nhà thì xin được làm để kiếm cơm. Làm riết, giờ mối mang của anh đã có hàng trăm người. Giờ, cả nhà anh Tùng từ lớn đến bé đều theo làm nghề đào hầm.
Anh Tùng vừa cưới vợ cho người con trai đầu. Trước đó, người con thứ cũng theo anh đào hầm rồi về Đồng Tháp cưới vợ. Con gái út thì đang là công nhân cho Công ty Foster. Giờ, cả gia đình anh Tùng quây quần sống trong căn phòng trọ nhỏ tại khu phố 7, phường Phú Lợi, đã có xe máy, tivi, đầu đĩa... điều mà trước đây ước mong anh cũng không dám màng tới. Cả 3 người con đều học đến lớp 5 thì... nghỉ. Chính vì thế, anh Tùng chỉ có một ước ao, một khát khao: “Đời tôi buồn lắm! Không học hành được gì nên các con bị thất học. Đó là một nỗi buồn của cả gia đình. Giờ mong cuộc sống tốt hơn một chút để đời... cháu được khá hơn”. Anh Tùng nói xong rồi chỉ tay về phía đứa cháu nội có cái tên thật đẹp: bé Cẩm Ly, năm nay đã được 3 tuổi đang đi trong hành lang xóm trọ. Đặt cái tên cháu trùng tên với ca sĩ không chỉ vì yêu mến ca hát mà còn vì mong cho cháu có một cuộc sống tươi sáng, đẹp đẽ hơn.
Nghề đào đất lam lũ mà cái tâm, cái đầu ước ao của cuộc đời đào đất kiếm sống chỉ chực mong ngửa mặt lên với trời xanh, với cuộc sống tươi đẹp hơn là thế! Cuộc sống này, ai mà cấm ước mơ!?
Ngoài việc đào hầm thả cống làm hố ga, nhóm anh Tùng còn đào đường nước, đào móng công trình, lăm le, đổ móng băng, móng nhà lầu, móng thẳng, bứng cây, bứng cây tầm vông. Đào hầm lâu dần anh Tùng hiểu cả địa chất của nội ô TX.TDM: “Nè nghen! Đất ở đây khó đào vì là đất đồi, có nhiều đá, địa chất phức tạp. Khu K8, phường Định Hòa có nhiều đá ong rất cứng, khó đào. Chợ Bình Dương, Cảng Bà Lụa có nhiều bùn lầy...”. Ai có nhu cầu đào đất vui lòng liên hệ số điện thoại của anh Lê Thanh Tùng: 0977.221.067
LÝ KHÁNH VINH