Mạch tình vẫn chảy
Sau ngày cưới, tình yêu họ càng bền chặt như đôi chim
ríu rít chuyền cành, tung tăng líu lo tràn trề nhựa sống. Nhìn họ bao người mơ
ước. Sau một ngày bận rộn, Lãm Thúy mong trở về nhà để được ở bên chồng, được tận
hưởng những giây phút ngọt ngào hạnh phúc. Vinh yêu thương vợ, lại cần mẫn với
công việc, am hiểu chuyên môn nên được bạn bè đồng nghiệp tin yêu. Mối bận lòng
của chàng là mẹ già mãi tận quê xa những lúc trái gió trở trời lấy ai chăm lo
phụng dưỡng. Một hôm, Vinh bàn với vợ: - Hay là chúng mình đưa mẹ vào sống cùng? - Đúng rồi, em định nói điều này với anh lâu rồi. Có mẹ
là tuyệt vời, thêm vui nhà vui cửa mà anh. Lãm Thúy tin rằng với tình yêu cô dành cho chồng, cô
và mẹ sẽ có tiếng nói chung. Cô vẫn tin mình sẽ là cô dâu hiền được mẹ chồng
yêu quý. - Phòng mẹ sẽ nằm chếch hướng đông để đón ánh nắng ban
mai, lại hợp phong thủy với người già… - Em bao giờ cũng nhất, không chê vào đâu được. - Anh chỉ giỏi… nịnh! Người già sống theo nếp quê thường giản dị và tiết kiệm.
Hoa trái mọi thứ quanh vườn không phải mua sắm, ngày tết hay giỗ chạp cũng chỉ
mấy bông vạn thọ hay bông cúc trong vườn là đủ. Cũng vì chuyện hoa tươi mà mỗi
lần nàng dâu mua hoa về là mẹ đều hỏi giá và chép miệng tiếc rẻ rồi thở dài thườn
thượt. Không chỉ hoa mà mọi thứ nàng mua sắm mẹ đều gặng hỏi từng thứ. Có lần
nhìn cảnh ấy, Vinh cười bảo vợ: - Em chỉ cần nói một nửa so với giá ngoài chợ thì mẹ sẽ
vui, phải không nào? Chuyện nhỏ nhưng từng chút từng chút dồn ứ làm nàng
dâu mẹ chồng khó chịu, dẫn đến bất hòa, thậm chí tránh mặt nhau. Cuộc sống gia
đình nhỏ bắt đầu có những điều bất an. Mà đâu chỉ chuyện hoa tươi, tiền điện nước
mỗi tháng lên tới cả triệu, giặt máy tốn xà phòng, quạt máy điều hòa tốn điện,
ăn uống thừa mứa đem đổ thùng rác… Điều khó chịu nhất là mỗi sáng bà chứng kiến
cảnh con trai bà phải dậy sớm vào bếp nấu nướng, trong khi nàng dâu nằm dài
trên chiếc giường nệm êm ái, đợi chồng gọi mới chịu dậy. Hồi ngoài quê, bà Vò vốn hay lam hay làm, vào thành phố
bà chẳng chịu yên. Việc gì bà cũng muốn tham gia. Lãm Thúy chẳng thích thú việc
mẹ chồng nhúng tay vào công việc, chỉ thêm bận bịu chứ ích gì. Rửa chén bát bà
không dùng nước rửa, túi ni-lông đựng đồ bà tích cóp để bán ve chai…Tối thứ bảy
bực mình chuyện cơ quan, về nhà trong trạng thái không vui, Lãm Thúy giải tỏa ức
chế bằng việc ném tất cả túi ni-lông vào thùng rác, cô rửa lại chồng chén bát mẹ
vừa rửa, chùi cọ nhà bếp… Mọi chuyện cô làm cứ như tát vào mặt mẹ. Hình như đã
vượt đỉnh điểm của sự tức giận, bà Vò bước vào phòng đóng sầm cửa lại rồi gào
to: - Trời ơi là trời! Nó chê tui quê mùa, dốt nát, dơ dáy
trời ơi hỡi trời… Vinh cuống lên. Tối hôm đó, anh cứ trăn trở bần thần với
bao nhiêu muộn phiền âu lo! Lãm Thúy nằm bên cố làm nũng, nhưng Vinh chẳng thèm
để ý. Cô điên tiết: - Em sai chỗ nào? - Em đã quá quắt, người già lòng tự trọng cao lắm, biết
không? Và, từ hôm đó, bà Vò dậy sớm nấu bữa sáng thay cho cậu
con trai. Vinh đã quen với mọi thứ mẹ nấu từ nhỏ nên ngon miệng hơn mỗi sáng,
bà Vò nhìn con ăn ngon lành rồi liếc nhìn nàng dâu như trách móc. Còn Lãm Thúy
thì lại nghĩ: “Chồng đang hùa với mẹ bắt nạt mình” nên bỏ bữa không chịu ăn
sáng. Ngay tối hôm ấy, trước khi đi ngủ lần đầu tiên Lãm
Thúy bị Vinh to tiếng: - Cô chê mẹ tôi nấu ăn dơ nên bỏ bữa sáng ở nhà có
đúng không? Lãm Thúy đầm đìa nước mắt ấm ức, nhưng chồng vẫn lạnh
nhạt quay lưng: - Nếu cô còn… chút tình thì hãy ăn sáng ở nhà cho tôi
nhờ. Dù không hợp khẩu vị nhưng sáng sáng Lãm Thúy cũng miễn
cưỡng ngồi vào bàn. Một hôm đang ngồi ăn Lãm Thúy chợt thấy buồn nôn, dù đã cố
kìm nhưng bất lực, cô quăng bát chạy ào vào toilet nôn thốc nôn tháo. Chưa kịp
hoàn hồn cô đã nghe tiếng mẹ oán trách bằng những từ ngữ cay nghiệt theo thổ âm
của mẹ, còn chồng thì đứng ngay trước cửa nhìn cô tức giận. Cô há hốc mồm ngạc
nhiên nhưng chẳng thanh minh được gì! Buổi sáng, Lãm Thúy gặp chị Tuyết Hoa và cô văn thư ở
cổng hãng phim, họ nhìn cô chăm chú rồi nhoẻn miệng cười: - Coi bộ cô họa sĩ ốm nghén rồi, đi kiểm tra thử coi? - Đúng thế chị ơi, nhìn chị Lãm Thúy khác lắm. Hóa ra là thế, Lãm Thúy biết tại sao sáng hôm ấy mình
buồn nôn. Kiểm tra ở bệnh viện cho kết quả Lãm Thúy có bầu. Niềm vui được làm mẹ
- thiên chức cao đẹp của người phụ nữ pha trộn chút buồn hờn trách - tại sao chồng
và mẹ lại không nghĩ tới chuyện này? Vừa ra tới cổng bệnh viện, cô thấy chồng
đang loay hoay gửi xe. Mới xa nhau có một tuần mà sao trông Vinh tiều tụy thế?
Nhìn bộ dạng chồng khiến cô xót xa. Cô gọi anh nhưng đáp lại là cái nhìn dửng
dưng xa lạ, ánh mắt anh hàm chứa nỗi oán ghét như mũi kim nhói buốt đâm vào tim
cô… Tối hôm ấy Lãm Thúy lại khóc. Dù thế nào cũng phải tìm
anh rồi ba mặt một lời cho rõ chuyện. Vừa đầu giờ sáng, cô đã gõ cửa công ty,
chàng vệ sĩ trẻ ngạc nhiên: - Thưa chị, cách đây một tuần mẹ của trưởng phòng bị
tai nạn nghiêm trọng phải nằm bệnh viện, trưởng phòng xin nghỉ để chăm sóc mẹ.
Chị vừa đi đâu xa về à? - Cám ơn cậu. Nói xong câu cảm ơn, cô quay lưng chạy nhanh ra cổng
mà lòng nghe rối bời, mẹ bị tai nạn mà mình chẳng biết gì. Lãm Thúy đến ngay bệnh
viện nhưng khi gặp mặt thì mẹ đã nhắm mắt ra đi. Nước mắt cô rơi lả chả… Nhìn
khuôn mặt tím tái của mẹ cô như mất hồn, dù thế nào cô cũng có phần lỗi trong
tai nạn này. Liên tưởng sự việc, Lãm Thúy biết mẹ bị tai nạn đúng vào hôm vợ chồng
cô cãi nhau và Vinh tất bật chạy theo mẹ, còn cô vì giận chồng nên đến nhà bạn ở
tạm. Nỗi đau lớn làm Vinh ngã quỵ. Người anh sút hẳn, từ
chàng trai khỏe mạnh hoạt bát anh suy sụp tới mức khiến ai nhìn cũng ái ngại. Bạn
bè khuyên giải, nhưng Vinh chẳng thiết. Ngày nào cũng tới khuya anh mới về nhà
người sặc mùi rượu. Lãm Thúy lo lắng, khổ tâm dằn vặt, bao thứ đè nặng lên cô,
chuyện mẹ mất có phần lỗi ở cô nhưng chẳng ai muốn thế. Cô mất mẹ ruột từ nhỏ
và cô cũng hiểu chữ hiếu thuận thương quý mẹ chồng. Nếu hôm ấy mình không nôn,
nếu hôm ấy mình không to tiếng cãi chồng, nếu mình biết đặt mình vào người mẹ…
Bao chữ nếu đặt ra như lấy đi mọi thứ, họ gần bên nhau mà xa cách nghìn trùng. Một đêm gió mùa se lạnh, cơn đau bụng dữ dội khiến Lãm
Thúy thét to. Mặc dù tỏ ra không quan tâm đến vợ nhưng hình như Vinh đang chờ đợi
phút giây này, anh bồng vợ chạy vội xuống cầu thang, chặn taxi và đưa cô vào
xe, rồi trìu mến nắm chặt tay vợ như sẻ chia cơn đau, cầm khăn lau nhẹ lên trán
cô nóng hổi. Tới cổng bệnh viện, Vinh lại bồng vợ chạy lên khoa sản với bước
chân loạng choạng như của người say. Vinh vịn cánh cửa đưa ánh mắt ấm áp nhìn vợ khi được
chuyển vào phòng sinh. Lãm Thúy cố nhịn cơn đau mỉm cười… Chỉ hơn một tiếng sau
Lãm Thúy sinh một cậu bé kháu khỉnh, mọi người chúc mừng còn anh nhẹ nhàng nhìn
cô và rưng rưng nước mắt. Ngày ra viện, anh đặt mẹ con cô vào chiếc giường ấm
cúng quen thuộc, cô ngước mắt nhìn chồng trìu mến, nhưng sao thế kia anh đang
ngã quỵ xuống sàn nhà… Lục trong túi áo chồng, Lãm Thúy tìm thấy kết quả xét
nghiệm xác định Vinh bị ung thư xương giai đoạn cuối. Tai họa ghê gớm ập xuống
chồng cô mà cô chẳng hề hay biết, cô còn nghi ngờ buộc tội, còn xa lánh đóng kịch,
lên án chồng xấu xa ngoại tình và bao điều tệ hại khác. Cô bật khóc nức nở! Nỗi đau xé ruột xé gan Lãm Thúy khi tiếng rên mỗi đêm
cô nghe là thật. Anh đã biết mọi thứ và chuẩn bị cho chuyến đi xa. Dù còn tháng
ở cử nhưng Lãm Thúy không thể ngồi yên trong nhà, cô ẵm con trai tới lui bệnh
viện, lòng nhủ thầm với con: “Tới với cha con ạ, cha sẽ không còn ở lâu với mẹ
con mình nữa đâu…”. Lãm Thúy vào tới giường nhưng anh vẫn hôn mê, nàng đặt con
cạnh bên anh rồi gọi khẽ: - Con đang hỏi cha đau chỗ nào? Con đang truyền hơi ấm
cho anh đây! Vinh như ngọn đèn sắp tắt vụt sáng, anh khó nhọc mở mắt
nhìn vợ và đứa con yêu chưa kịp đặt tên. Thằng bé như hiểu được tình cha, rúc
vào lòng cha, từng ngón tay nhỏ xíu hồng hồng ngọ nguậy mân mê trên gương mặt
cha. Nhìn cảnh ấy, Lãm Thúy lại ràn rụa nước mắt rồi òa khóc tức tưởi!LÊ QUANG KẾT